Chiều biên cương

11/03/2021 - 08:59

 - Mùa này, ở biên giới An Giang đã vắng hẳn những ngày trời se lạnh, thay vào đó là cái nắng hanh hao, chao chát mặt người. Trên đồng, hạt lúa chín vàng chờ ngày gặt. Cảnh vật đẹp đến nao lòng. Ở nơi ấy, cả ngàn cán bộ, chiến sĩ ngày đêm làm nhiệm vụ. Quá trình công tác, sinh hoạt tuy vất vả, nhưng họ vẫn tìm thấy những điều thi vị cho riêng mình.

Chúng tôi đến thăm chốt phòng, chống dịch COVID-19 số 8 (Đồn Biên phòng Nhơn Hội, An Phú) khi hoàng hôn gần kề. Chốt nằm giữa cánh đồng lúa bạt ngàn, muốn đến nơi chỉ có một cách duy nhất… đi bộ cả cây số. Từ xa, lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay, góp thêm cảm giác yên ả của trời chiều.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của chốt là nguồn nước khan hiếm. Nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước của cán bộ, chiến sĩ tăng cao, mỗi ngày từ 1-2 bình. Đường sá khó đi, người bán cũng ngại vận chuyển vào. Xung quanh vắng người sinh sống, qua lại, thi thoảng mới có vài người dân đến đây làm ruộng. Vì vậy, mọi người đặt mua bình nước 20 lít, rồi thay phiên nhau vác từ ngoài bờ đê vào chốt.

Trung uý Đặng Trí Dũng (chốt trưởng chốt số 8) chia sẻ, mấy tháng trước, nước nổi tràn đồng, chốt nằm giữa bốn bề là nước. Đến mùa khô, con rạch nhỏ gần đó cũng cạn khô. Cán bộ, chiến sĩ phải canh thời điểm nước lên, bơm nước chứa sẵn trong bồn, lắng lọc để sử dụng trong sinh hoạt.

Cán bộ chiến sĩ các tổ chốt ra khu tăng gia sản xuất, hái nông sản vào làm bữa cơm chiều. Chiến sĩ Hồ Tài (học viên năm thứ ba Học viện Biên phòng) là đồng bào dân tộc thiểu số Khùa (Quảng Bình), được tăng cường vào biên giới An Giang hai tháng trước.

“Lần đầu tiên tôi được đến miền Tây sông nước, cảm nhận được thời tiết nắng nóng, cách thức sản xuất nông nghiệp của địa phương, đặc biệt ấn tượng với sự thân thiện của người dân nơi đây. Ngoài ra, cách chế biến món ăn, nêm nếm đều rất khác, nên lúc đầu tôi chưa quen lắm. Sau một thời gian tập ăn, giờ tôi hoàn toàn quen khẩu vị nơi đây rồi” – Bài kể.

Do điều kiện công tác đặc thù, bám trụ tuyến biên giới dài ngày, nên cán bộ, chiến sĩ đẩy mạnh tăng gia sản xuất bằng việc trồng trọt, chăn nuôi ngay tại khoảnh đất trống gần bên cạnh chốt. Khi nắng cuối ngày dịu lại, tranh thủ trước khi ăn uống, nghỉ ngơi, họ thay phiên nhau tưới nước, kiểm tra “thành quả” mình đã gieo trồng. Mỗi ngày, họ càng gắn bó với nơi này, tìm niềm vui từ những điều bé nhỏ như thế, để vững lòng đối mặt với khó khăn, áp lực trong công việc.

Một cách “tăng gia” rất độc đáo của chốt phòng, chống dịch số 6 (Đồn Biên phòng Nhơn Hội). Tận dụng bình nước đã qua sử dụng, cùng ý tưởng thân thiện môi trường, cán bộ chiến sĩ vừa có hành để ăn, vừa tạo điểm nhấn vui mắt xung quanh chốt.

Bữa ăn chiều được các cán bộ, chiến sĩ chế biến đơn giản, phù hợp tình hình “chống giặc” ở biên giới. Trong ảnh, “bếp trưởng” Nguyễn Phước Thiện, dân quân xã Vĩnh Trường (An Phú) thành thục chiên cá, để ăn kèm với canh thịt và rau muống hái được ngoài đồng.

Thượng sĩ Trần Chí Bảo (Công an xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới) vừa được tăng cường lên chốt chống dịch tròn một tuần. Anh đã từng đi biên giới rất nhiều lần, nhưng đến giờ mới cảm nhận sâu sắc quá trình công tác, sinh hoạt ở biên giới vất vả đến thế nào.

Vừa vo gạo, anh vừa bày tỏ: “Trước giờ tôi chưa từng vào bếp nấu cơm. Về chốt được mấy ngày, các anh em hướng dẫn tôi việc này việc kia, giờ tôi đã có thể chia sẻ công việc cùng mọi người. Tôi tự hào vì mình có thể thích nghi và làm tốt nhiệm vụ được giao”.

Hầu như tổ chốt nào cũng có vài chú chó, vừa giúp lực lượng làm nhiệm vụ thêm “tai, mắt” canh giữ xung quanh, vừa trở thành người bạn nhỏ của cán bộ, chiến sĩ. Chú chó này không biết ở đâu ra, mấy hôm trước tìm đến chốt số 6 rồi quanh quẩn mãi không đi. Vậy là, chú chó trở thành một thành viên “tăng cường” ở chốt, chia sẻ nắng mưa, chia sẻ tình cảm với con người.

Ráng chiều. Ánh nắng đã thôi nhảy múa trên cây. Cán bộ, chiến sĩ tổ chốt số 6 quây quần bên nhau ngắm hoàng hôn, lồng ghép trao đổi công việc lẫn những trải nghiệm sau một ngày. Dịch bệnh còn ngày nào, họ còn bám trụ ở biên cương ngày ấy. Bao nỗi nhớ nhà được gói lại trong tim. Giờ đây, họ là gia đình của nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng kề vai sát cánh “chiến đấu”, tạo thành luỹ chắn thép ở miền biên viễn.

Chúng tôi rời biên giới khi mặt trời sắp lặn. Lúc này, cán bộ chiến sĩ ở các tổ chốt lại bắt đầu lên đường tuần tra địa bàn, trong không gian rộng lớn, mênh mông và thoáng đãng. Để giữ được sự bình yên, tươi đẹp của quê hương, những bước chân ấy không thể dừng lại, như cánh chim không mỏi, điểm xuyết buổi chiều tà…

GIA KHÁNH