Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện St Thomas ở Bắc London, Anh ngày 13-4-2020. (Ảnh: THX-TTXVN)
Các bác sỹ và nhân viên y tế mới đây đã lên tiếng chỉ trích Chính phủ Anh, sau khi London nói rằng những thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) sử dụng trong khi điều trị bệnh nhân mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể được sử dụng lại vì thiếu hụt nguồn cung trên toàn quốc.
Trước đó hôm 17-4, Chính phủ Anh đã ban hành hướng dẫn mới cho các bệnh viện, trong đó quy định rằng các thiết bị thay thế cho trang phục chống thấm có thể cần được sử dụng, bao gồm áo choàng có thể tái sử dụng hoặc thậm chí áo khoác phòng thí nghiệm dài tay.
Ông Rob Harwood, Chủ tịch Ủy ban tư vấn tại Hiệp hội Y khoa Anh, cho biết hướng dẫn này là sự thừa nhận về tình trạng thiếu thiết bị trầm trọng mà một số bác sỹ và nhân viên y tế tiếp tục gặp phải vì chính phủ không đảm bảo được nguồn cung.
Ông nhấn mạnh nếu Chính phủ Anh đề xuất rằng nhân viên cần tái sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân, điều này phải được hỗ trợ bởi bằng chứng khoa học - chứ không phải dựa trên tình trạng nguồn cung sẵn có.
Phát ngôn viên của Bộ Y tế Anh cho biết hướng dẫn của Chính phủ nhằm đảm bảo rằng các nhân viên y tế biết phải làm gì để giảm thiểu rủi ro nếu tình trạng thiếu hụt xảy ra. Người này khẳng định các đề xuất vẫn tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Tình trạng thiếu hụt PPE đã nghiêm trọng tới mức nghiệp đoàn Unite cho biết đã nói với các thành viên của mình rằng họ có thể từ chối làm việc một cách hợp pháp để tránh rủi ro nhiễm bệnh.
Đại học Điều dưỡng Hoàng gia Anh cũng đã lên lên tiếng bày tỏ mối quan ngại của họ đối với những thay đổi trong hướng dẫn của Chính phủ.
NHS Providers, một cơ quan đại diện cho các bệnh viện và các bộ phận khác của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), cho biết tình trạng nguồn cung trang bị phòng dịch đang “rất nguy cấp." Theo cơ quan này, một số nơi có thể hết sạch áo chống thấm vào cuối tuần này.
Tại cuộc họp báo hàng ngày của Chính phủ, Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương Anh, ông Robert Jenrick cho biết nước này đang nỗ lực hết sức để đảm bảo nguồn cung PPE cần thiết cho các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch COVID-19.
Ông thừa nhận về tình trạng thiếu hụt nguồn cung PPE, song nói thêm rằng một lô hàng thiết bị vật tư y tế từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tới nước này vào Chủ nhật (19-4), trong đó bao gồm 400.000 áo choàng bảo vệ.
Giới chuyên gia cho rằng nước Anh đang ở trong hoặc gần đỉnh dịch COVID-19. Theo thống kê mới nhất từ Bộ Y tế Anh, số ca tử vong do mắc COVID-19 tại các bệnh viện của nước này đã tăng thêm 888 người, nâng tổng số ca tử vong lên 15.464 tính đến ngày 18-4 (giờ địa phương).
NHS “chật vật” đối phó với dịch COVID-19 sau nhiều năm liền thiếu hụt đầu tư
Giới quan sát cho rằng Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Vương quốc Anh, dù được Thủ tướng Boris Johnson mô tả là "trái tim" của đất nước, đang “oằn mình” dưới tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau một thập kỷ thiếu đầu tư kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh. (Ảnh: THX-TTXVN)
Ông Elias Mossialos, Giáo sư chính sách y tế tại Trường Kinh tế London, nói rằng NHS đã luôn trong tình trạng khủng hoảng tài chính kể từ năm 2010. Chi tiêu dành cho NHS hiện ở mức tương đương 7,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước Anh, gần như không đổi so với mức của năm 2012.
Giáo sư Mossialos cho biết việc gia tăng ngân sách cho NHS gần như “dậm chân tại chỗ” mỗi năm đã cản trở khả năng chuẩn bị và phản ứng với dịch COVID-19 của nước này. Hiện nhiều bác sĩ, y tá và nhân viên y tế của nước Anh đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo hộ cá nhân, dù họ là những người trong tuyến đầu phòng dịch và chịu rủi ro lây nhiễm rất lớn.
Trước khi giành được chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 12-2019, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson đã cam kết tăng số tiền tài trợ của NHS lên 34 tỷ bảng (khoảng gần 42 tỷ USD). Nhưng vì số tiền trên sẽ được dàn trải trong khoảng thời gian bốn năm cho đến năm 2024, lạm phát có thể “cắt bớt” một khoản lớn trong đó.
Chính phủ mới cũng đã cam kết hệ thống y tế sẽ có thêm 50.000 y tá và 6.000 bác sĩ thông qua ưu đãi tốt hơn và tuyển dụng mới. Ngoài ra, thêm nhiều bệnh viện mới cũng đã được cam kết xây dựng, nhưng các dự án này sẽ chưa thể triển khai sớm.
Mặc dù những trải nghiệm gần đây của Thủ tướng Johnson có thể khiến ông “bơm” nhiều tiền hơn so với cam kết trước đó cho NHS, nhưng các chuyên gia nói rằng một vấn đề lớn khác nằm ở việc NHS đang phải vật lộn để tuyển dụng thêm nhân viên.
NHS, nơi tự nhận là nhà tuyển dụng lớn nhất châu Âu với đội ngũ nhân viên hơn 1,3 triệu người, hiện có khoảng 100.000 vị trí cần được tuyển dụng. Tình hình thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Ông Franco Sassi, Giáo sư chính sách y tế quốc tế tại Đại học Hoàng gia London, nói rằng chỉ tính riêng về y tá, Vương quốc Anh là một trong số rất ít quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ghi nhận số lượng y tá suy giảm.
Còn theo Giáo sư Mossialos, số giường bệnh của NHS cũng bị thiếu hụt trầm trọng. Ông chỉ ra rằng số liệu của OECD cho thấy rằng Vương quốc Anh chỉ có 2,5 giường trên 1.000 người dân, thấp hơn đáng kể so với 6 giường trên 1.000 dân ở Pháp và 8 giường trên 1.000 dân ở Đức.
Về số giường chăm sóc đặc biệt, nước Anh chỉ có khoảng 6,6 giường loại này trên 100.000 dân - chỉ tương đương một nửa mức của Pháp và thấp hơn 5 lần so với ở Đức.
Theo H.THỦY (Vietnam+)