Chính phủ đề nghị kéo dài chính sách đặc thù trong phòng chống dịch

10/10/2022 - 19:09

Để duy trì thành quả phòng, chống dịch, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện đến 31/12/2023 một số cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19.


Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 10/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Theo Báo cáo của Chính phủ, việc ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh; thể hiện sự tin tưởng, đồng hành cùng Chính phủ trong phòng, chống dịch. Nghị quyết đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại mục 3, Nghị quyết số 30, đặc biệt là thực hiện thành công chiến lược vaccine và chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch kịp thời, đúng đắn tại những thời điểm quyết định.

Về một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, Báo cáo chỉ rõ: Công tác chỉ đạo điều hành có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động, có lúc nóng vội, chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi. Việc triển khai chiến dịch tiêm chủng một số nơi chưa bảo đảm đầy đủ các chỉ tiêu do Chính phủ yêu cầu. Tại một số thời điểm, người dân tại nhà gặp khó khăn trong tiếp cận thuốc điều trị COVID-19 do chưa điều chỉnh, bổ sung kịp thời các quy định. Một số đơn vị, địa phương chưa chủ động, kịp thời thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc...

Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 30 cho đến hết ngày 31/12/2022. Để tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện đến ngày 31/12/2023 một số nội dung. Trong đó, cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại mục 3.1 Nghị quyết số 30 để có đủ thuốc phục vụ khám chữa bệnh, phòng, ngừa dịch bệnh diễn biễn phức tạp và cả các dịch bệnh khác phát sinh.

Bên cạnh đó, tiếp tục cho phép Chính phủ áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám, chữa bệnh, thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, việc ban hành và thực hiện Nghị quyết 30 được nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, càng củng cố niềm tin đối với những quyết sách phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Đồng thời, đây cũng là một tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh các đạo luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ủy ban Xã hội cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ về những kết quả đã đạt được, khó khăn, tồn tại, hạn chế đồng thời chỉ rõ: Việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai và trả lời, giải quyết vướng mắc phát sinh còn chậm. Một số quy định về phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn cứng nhắc; có tình trạng văn bản của địa phương khác với hướng dẫn của Trung ương, phải thu hồi, sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa nghiêm, chưa thống nhất. Công tác phối hợp giữa các lực lượng còn chưa chặt chẽ; ý thức chấp hành của một bộ phận người dân còn chưa tốt.

Ngoài ra, việc quản lý, điều trị người mắc COVID-19 còn một số bất cập, một số cơ sở y tế chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Đáng chú ý, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất y tế, kít xét nghiệm phục vụ công tác điều trị COVID-19 còn một số bất cập. Việc quản lý thuốc điều trị COVID-19 có lúc còn chưa chặt chẽ,  một số sai phạm nghiêm trọng trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, gây bức xúc trong dư luận.

Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ có Báo cáo đánh giá tổng kết việc thực hiện một cách đầy đủ để đề ra phương hướng, danh mục cụ thể các chính sách, biện pháp nêu Nghị quyết 30 cần được tiếp tục duy trì sau ngày 31/12/2022 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, trước tình trạng trong năm 2023 có nguy cơ thiếu thuốc khi hơn 14.000 thuốc sẽ hết hiệu lực đăng ký lưu hành, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của nguy cơ thiếu thuốc này và có Tờ trình chính thức để Quốc hội xem xét, quyết định.

Một số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, các biện pháp nêu trên là đặc biệt, đặc thù chỉ áp dụng trong thời gian có dịch bệnh. Khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, cần áp dụng theo quy định trong trạng thái bình thường của pháp luật hiện hành. Trường hợp các quy định của pháp luật hiện hành không còn phù hợp, không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thì Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo trình tự do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội; đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể, quyết liệt, kiên trì, chủ động, sáng tạo, linh hoạt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của hàng trăm nghìn nhân viên y tế, cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, cùng đông đảo các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, báo cáo của Chính phủ khá toàn diện, công phu. Tuy nhiên, Báo cáo cần đánh giá sâu sắc hơn tính cấp bách, bối cảnh khi ban hành Nghị quyết để thấy được tính chủ động, tích cực, bám sát thực tiễn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đồng hành cùng Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phạm vi nêu trong báo cáo rộng, chưa đúng trọng tâm bởi trong Nghị quyết số 30/2021/QH15 chỉ đề cập trực tiếp đến việc áp dụng các khoản 3.1, 3.2, 3.3, 3.4 và 3.8, chứ không phải là báo cáo tổng kết về công tác phòng, chống dịch. Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội có nêu sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 30, có 6 nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực này; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 10 nghị quyết. Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành những chính sách gì và kết quả thực hiện các nghị quyết này như thế nào trong thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết 30 trong tình hình, bối cảnh lúc bấy giờ là rất kịp thời, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, mở đường, định hướng cho Chính phủ trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, góp phần bảo đảm an toàn trật tự xã hội, bảo đảm sự nhất quán, chặt chẽ trong phối hợp, chỉ đạo giữa các cơ quan. Nghị quyết này cũng tăng cường các nguồn lực cho phòng, chống dịch, cả nguồn lực ngân sách, xã hội hóa lẫn nguồn lực huy động nước ngoài. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cần làm rõ nội dung này trong báo cáo.

Ông Lê Tấn Tới cho rằng, cần đánh giá kỹ và sâu hơn nữa những kết quả đạt được, phương hướng thực hiện trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Cụ thể, báo cáo cần nêu rõ, các lực lượng quân đội, công an, dân quân, tự vệ đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, trong điều kiện thế giới phức tạp, tình hình trong nước khó khăn, qua đó góp phần ổn định xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia. Trong dịch bệnh, các lực lượng chức năng đã có những biện pháp xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh với các trường hợp vi phạm, vừa thể hiện rõ tính răn đe, vừa giữ vững trật tự an toàn xã hội.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo hướng bổ sung danh mục tài liệu, số liệu đầy đủ, thông tin toàn diện, rõ việc, rõ thời gian thực hiện, thời gian kết thúc, tiếp tục tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng về việc thực hiện Nghị quyết 30 và 10 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá tác động để các kiến nghị của Chính phủ có căn cứ thuyết phục để Quốc hội xem xét, quyết định./.

Theo PHAN PHƯƠNG(TTXVN/Vietnam+)