Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12-2021

05/12/2021 - 19:13

 - Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, như: Nhiều quy định mới về Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; ngân hàng phá sản, người gửi tiền được bảo hiểm đến 125 triệu đồng; công chức không phải bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học... chính thức có hiệu lực từ tháng 12-2021.

Ngân hàng phá sản, người gửi tiền được bảo hiểm đến 125 triệu đồng

Đây là nội dung mới đáng chú ý tại Điều 3 Quyết định 32/2021/QĐ-TTg, có hiệu lực từ ngày 12-12-2021. Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của 1 người tại 1 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng. Theo đó, từ ngày 12-12-2021, khi ngân hàng bị mất khả năng chi trả hoặc phá sản, người gửi tiền tại ngân hàng đó được tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả tối đa 125 triệu đồng, bao gồm cả gốc và lãi. Trước đó, theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg, hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa chỉ 75 triệu đồng.

Ngoài ra, Quyết định 32/2021 cũng nêu rõ, các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng chưa được chi trả trước ngày 12-12-2021 thì hạn mức trả tiền bảo hiểm vẫn áp dụng theo Quyết định 21/2017 là 75 triệu đồng. 

Nhiều quy định mới về Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Nghị định 97/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 23/2018/NĐ-CP có nhiều thay đổi về việc cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Theo đó, từ ngày 23-12-2021, thay vì sử dụng mẫu cũ cố định tại Phụ lục I Nghị định 23/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp (DN) bảo hiểm sẽ được chủ động thiết kế Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Tuy nhiên, trên giấy chứng nhận vẫn phải đảm bảo có các nội dung nêu tại Điều 7a Nghị định 97, gồm: Tên, địa chỉ của DN bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm; thuộc danh mục cơ sở (nêu rõ thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nào theo quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy); địa chỉ tài sản được bảo hiểm; tài sản được bảo hiểm; số tiền bảo hiểm; mức khấu trừ bảo hiểm; thời hạn bảo hiểm; tỷ lệ phí bảo hiểm, phí bảo hiểm; tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của DN bảo hiểm; ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Ngoài ra, nghị định mới bổ sung quy định cho phép DN bảo hiểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bảo hiểm và trong công tác kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

Công chức không phải bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học

Đây là nội dung đáng chú ý nêu tại Khoản 3, Điều 1 Nghị định 89/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 18-10-2021. Theo quy định cũ tại Điều 16 Nghị định 101/2017/NĐ-CP, nội dung bồi dưỡng của công chức, gồm: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kỹ năng quản lý nhà nước; quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, nghề nghiệp, hội nhập quốc tế; tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ. Tuy nhiên, theo quy định mới, nội dung bồi dưỡng gồm: lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước và theo yêu cầu vị trí việc làm. Như vậy, từ ngày 10-12-2021, công chức không còn phải thực hiện nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học và ngoại ngữ.

Có thể thấy, nội dung này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của nhà nước về việc tới đây sẽ bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, công chức, viên chức, bởi những chứng chỉ này đã không còn phù hợp, nội dung trùng lặp và chưa bám sát thực tế. Hiện nay, nhiều đối tượng công chức đã được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, như: công chức văn thư và công chức hành chính theo quy định tại Thông tư 02/2021/TT-BNV.

Nhiều văn bản về công chức hết hiệu lực

Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 06/2021/TT-BNV bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành. Cụ thể, 7 văn bản liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức sẽ được Bộ Nội vụ bãi bỏ hoàn toàn từ ngày 20-12-2021, gồm: Thông tư 01/2009/TT-BNV, ngày 19-3-2009 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND huyện, quận, phường nơi không tổ chức HĐND; Thông tư 02/2009/TT-BNV, ngày 19-3-2009 hướng dẫn thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; Thông tư 04/2009/TT-BNV, ngày 29-4-2009 sửa đổi Khoản 3, 4, Điều 5 Thông tư 02/2009/TT-BNV; Thông tư 04/2013/TT-BNV, ngày 16-4-2013 hướng dẫn xây dựng Quy chế công tác văn thư, lưu trữ của các cơ quan, tổ chức; Thông tư 02/2016/TT-BNV, ngày 1-2-2016 hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; Quyết định 82/2004/QĐ-BNV, ngày 17-11-2004 về tiêu chuẩn Giám đốc sở và các chức vụ tương đương thuộc UBND tỉnh; Quyết định 83/2004/QĐ-BNV, ngày 17-11-2004 tiêu chuẩn Vụ trưởng thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

K.N