Chính sách nhân văn dành cho người lao động giữa đại dịch

18/08/2021 - 08:58

 - Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đang đi vào cuộc sống. Với tổng giá trị gói hỗ trợ khoảng 26.000 tỷ đồng, các địa phương đang tích cực triển khai hỗ trợ theo từng chính sách được phê duyệt, giúp NLĐ tiếp cận sớm nhất,đầy đủ nhất, không bỏ sót đối tượng.

Với đối tượng thụ hưởng được mở rộng hơn, gói hỗ trợ từ Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ là nguồn động viên, tiếp sức người lao động vượt qua đại dịch

Ông Bùi Văn Thành (xã Tân Hòa, huyện Phú Tân) sống dựa vào "nghề" bán vé số 7 năm nay. Những ngày thực hiện giãn cách xã hội, không thể đi kiếm tiền như thường nhật, gia đình ông chi tiêu tằn tiện hơn. Ông Thành bày tỏ vui mừng khi được địa phương đến hỗ trợ gạo, thực phẩm và trao số tiền 1,5 triệu đồng từ gói an sinh của Chính phủ hỗ trợ cho lao động tự do.

Tương tự, bà Trương Thị Thu Thủy (xã Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) bán vé số để nuôi thân, trong khi con gái đi làm ở Bình Dương đang kẹt lại giữa vùng dịch. Thời gian ở nhà, bà Thủy phụ việc đồng áng kiếm 20.000-30.000 đồng/ngày, cộng với phần hỗ trợ của xã về gạo, thực phẩm xem như sống đủ. Số tiền 1,5 triệu đồng được xét hỗ trợ, bà Thủy để dành làm vốn khi có thể đi bán vé số trở lại…

Có thể thấy, cách làm đồng nhất được các địa phương thực hiện là bám sát hướng dẫn của tỉnh và huyện, xã sẽ tiến hành rà soát, thông báo cho người dân được biết và đăng ký để xét hỗ trợ, tránh trường hợp bỏ sót đối tượng. Cán bộ chuyên môn của xã phối hợp Ban Nhân dân ấp đến chi trả trực tiếp tại nhà cho người dân, đồng thời đề nghị đoàn thể, mặt trận đến giám sát trực tiếp công tác chi. Nhờ đơn giản hóa thủ tục mà số lao động tự do nhanh chóng tiếp cận gói hỗ trợ.

Tỉnh An Giang đến nay đã chi hỗ trợ cho 13.869/13.978 người bán vé số lưu động (đạt tỷ lệ 99,22%), kinh phí hỗ trợ hơn 20,8 tỷ đồng, tương đương 21% trong nhóm lao động tự do (13.864/66.000 người theo số liệu thống kê ban đầu).

Trên cơ sở đề nghị của 11/11 huyện, thị xã, thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổng hợp, thẩm định và trình UBND tỉnh xem xét quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ người bán vé số lưu động (đợt 2) cho 546 người, kinh phí hỗ trợ 819 triệu đồng.

Còn đối với lao động tự do khác theo Quyết định 1856/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc hỗ trợ NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, các địa phương đang khẩn trương rà soát nhóm đối tượng: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; bốc vác, vận chuyển hàng hóa (bằng xe gắn máy 2 bánh, xe thô sơ, xe ba gác); lái xe môtô 2 bánh chở khách (xe ôm), xe lôi chở khách.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, An Giang đã và đang khẩn trương xét, chi hỗ trợ các chính sách tiếp theo cho các đối tượng theo quy định. Cụ thể, với NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 4 doanh nghiệp (DN) với số NLĐ được hỗ trợ là 208 người, kinh phí hỗ trợ trên 807 triệu đồng. Sở LĐ-TB&XH tiếp tục trình UBND tỉnh xem xét ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 2 DN ở lĩnh vực giáo dục với tổng số 139 lao động, kinh phí hỗ trợ trên 561 triệu đồng, trong đó có 6 người đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người.

Đối với NLĐ ngừng việc, có 1 lao động bị ngừng việc được hỗ trợ 2 triệu đồng (hỗ trợ 1 triệu đồng và thêm 1 triệu đồng dành cho người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi). Đồng thời, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 7 DN với tổng số NLĐ được hỗ trợ là 160 người, tổng số tiền vay là 761 triệu đồng.

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, có thêm rất nhiều lao động bị ảnh hưởng thu nhập, mất việc làm. Dù còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng kinh tế nặng nề, Chính phủ vẫn quyết định chi gói hỗ trợ lần thứ 2 (lần thứ 1 chi hỗ trợ năm 2020).

Nghị quyết 68/NQ-CP quy định các tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ tự do nhằm tạo sự chủ động của địa phương tùy tình hình thực tế. Từ đại dịch COVID-19 và 2 lần thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ, NLĐ, trong đó có cả lao động tự do có thể thấy rằng, họ đã không bị bỏ lại phía sau, họ là một phần gắn liền với xã hội, chính quyền và pháp luật, từ đó có trách nhiệm sống hài hòa và nỗ lực vươn lên.

MỸ HẠNH