Chip não chữa bệnh của Elon Musk hoạt động như thế nào trong não người
27/05/2023 - 19:55
Công ty chip não của Elon Musk, Neuralink, cuối cùng đã được FDA chấp thuận cho thử nghiệm trên người. Nhưng con chip này hoạt động như thế nào, có chữa được bệnh và liệu nó có an toàn không?
AA
Công ty chip não gây tranh cãi của Elon Musk, Neuralink, có thể sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm trên người, sau khi nhận được sự chấp thuận của FDA. Mục tiêu cuối cùng của Neuralink là phát triển một "giao diện não - máy tính", ban đầu sẽ được sử dụng để giúp những người bị liệt hoặc bệnh thần kinh vận động giao tiếp.
Giao diện này được cho là sẽ cho phép người bệnh vận hành máy tính và thiết bị di động bằng suy nghĩ của họ, nhưng có thể có nhiều ứng dụng hơn nữa trong những năm tới.
Elon Musk đã ví quy trình phẫu thuật giống như việc "thay thế một mảnh hộp sọ bằng một chiếc đồng hồ thông minh", vì thiết bị Neuralink kết nối với não nhưng nằm trên da đầu. Pin nhỏ của nó sẽ được sạc không dây thông qua cảm ứng.
Nhưng chính xác thì chip não này hoạt động như thế nào - và liệu nó có thực sự chữa được tất cả các vấn đề về y tế? Hơn nữa, nó có an toàn không? Nhóm khoa học của tờ Daily Mail đã trả lời những câu hỏi này:
Tại sao Neuralink thu hút sự chú ý?
Neuralink đã đăng trên mạng xã hội rằng FDA đã đồng ý cho các nghiên cứu lâm sàng đầu tiên trên người.
'Đây là kết quả công việc đáng kinh ngạc của nhóm Neuralink với sự hợp tác chặt chẽ với FDA và thể hiện bước đầu tiên quan trọng mà một ngày nào đó sẽ cho phép công nghệ của chúng tôi giúp đỡ nhiều người", Neuralink cho biết trong một tweet.
Động thái này là một cột mốc quan trọng sau khi Neuralink chật vật để đạt được sự chấp thuận, bao gồm cả một lần bị FDA từ chối.
Chip não của Neuralink hoạt động như thế nào?
Hệ thống của Neuralink bao gồm một con chip máy tính được gắn vào các sợi chỉ nhỏ linh hoạt được khâu vào não bởi một robot "giống như máy khâu".
Robot loại bỏ một phần nhỏ của hộp sọ, kết nối các điện cực giống như sợi chỉ với một số khu vực nhất định của não, khâu lỗ thủng và phần còn lại duy nhất có thể nhìn thấy là một vết sẹo để lại từ vết mổ.
Ông Musk đã nói rằng quy trình này sẽ chỉ mất 30 phút, không cần gây mê toàn thân và bệnh nhân sẽ có thể trở về nhà trong ngày.
Bộ não người bao gồm các tế bào đặc biệt gọi là tế bào thần kinh truyền tín hiệu đến các tế bào khác trong cơ thể, như cơ bắp và dây thần kinh của chúng ta. Các điện cực của chip Neuralink có thể đọc các tín hiệu này, sau đó các tín hiệu được chuyển thành bộ điều khiển động cơ. Kết quả là người bệnh có thể điều khiển các công nghệ bên ngoài như máy tính hoặc điện thoại thông minh, hoặc các chức năng cơ thể, như chuyển động của cơ bắp.
"Nó giống như thay thế một mảnh sọ bằng một chiếc đồng hồ thông minh", tỷ phú Musk nói.
Chip não sẽ có thể làm gì?
Khi kế hoạch phát triển giao diện não - máy tính lần đầu tiên được tiết lộ, công ty Neuralink đã định vị nó như một cách cho phép những người bị liệt tứ chi điều khiển các công nghệ, như máy tính hoặc điện thoại thông minh, bằng tâm trí của họ.
Tuy nhiên, trong sự kiện giới thiệu "Show and Tell" năm 2020, Elon Musk đã ám chỉ ý tưởng về "khái niệm thần giao cách cảm", cho phép hai cá nhân giao tiếp thông qua suy nghĩ với sự trợ giúp của công nghệ.
"Trong tương lai, bạn sẽ có thể lưu và phát lại các ký ức", ông nói. "Về cơ bản, bạn có thể lưu trữ ký ức của mình như một bản sao lưu và khôi phục ký ức. Bạn có khả năng tải chúng vào một cơ thể mới hoặc vào một cơ thể robot".
Cùng năm đó, ông Musk cũng gợi ý rằng con chip sẽ cho phép mọi người giao tiếp mà không cần nói, qua đó dự đoán về sự "cộng sinh" giữa con người và AI.
Năm ngoái, vị tỷ phú chủ sở hữu Tesla và Twitter nói rằng một trong những trọng tâm hiện tại của công nghệ Neuralink là cho phép những người bị tê liệt thực sự lấy lại được các kỹ năng vận động.
"Điều đó nghe có vẻ kỳ diệu, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng có thể khôi phục chức năng toàn bộ cơ thể cho một người bị đứt tủy sống", ông trùm công nghệ cho biết.
Ông tuyên bố rằng con chip này có thể phục hồi thị lực, ngay cả ở những người bị mù cả đời, cũng như điều trị các bệnh về não như Parkinson, chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer.
Elon Musk được biết đến là người chia sẻ rất nhiều suy nghĩ của mình trên Twitter - thậm chí còn nhiều hơn thế khi ông đã mua lại mạng xã hội này - và đã thảo luận về một số ứng dụng tiềm năng khác của Neuralink.
Công nghệ này an toàn ra sao
Cho đến nay, cấy ghép Neuralink mới chỉ được thử nghiệm trên động vật và cho kết quả khác nhau.
Trong buổi thuyết trình năm 2020, lần đầu tiên Elon Musk công bố chip Neuralink với công chúng, với màn trình diễn trên một con lợn tên là Gertrude.
Các tín hiệu não của Gertrude được hình dung trong thời gian thực trong khi nó đang khụt khịt mũi quanh chiếc bút, hành động đang được bộ phận cấy ghép của nó thu nhận.
'Điều này hiển thị nhịp đập của chip Link trên màn hình và bạn có thể thấy từng xung từ 1.024 điện cực được cấy vào não lợn", ông Musk nói trong bản demo. "Khi con lợn chạm mõm xuống đất, các tế bào thần kinh sẽ kích hoạt và đó là thứ tạo ra âm thanh".
Một con lợn khác từng được cấy ghép nhưng sau đó được loại bỏ chip và nó vẫn đang sống khỏe mạnh.
Năm 2021, Elon Musk thực hiện một cuộc trình diễn khác, liên quan đến một con khỉ macaque được cấy chip não, chơi trò chơi máy tính chỉ bằng cách suy nghĩ.
Tuy nhiên, vào tháng 2 năm ngoái, Neuralink xác nhận rằng những con khỉ đã chết trong các cuộc thử nghiệm của họ, mặc dù phủ nhận mọi hành vi ngược đãi động vật.
Cuộc thí nghiệm này đã vấp phải phản ứng từ Ủy ban Bác sĩ về Thuốc có trách nhiệm (PCRM) trong một khiếu nại với Bộ Nông nghiệp Mỹ. Những lo ngại do PCRM nêu ra trong đơn khiếu nại bao gồm bằng chứng về một con khỉ bị mất ngón tay và ngón chân có thể đã bị mất do 'tự cắt xẻo'. Đơn cũng đính kèm bức ảnh một con khỉ được khoan lỗ trên hộp sọ để cấy các điện cực vào não, và một phần ba số khỉ bị xuất huyết não. Theo đơn khiếu nại, phần lớn những con khỉ đã phải được trợ tử.
Ông Jeremy Beckham, từ PCRM, nói rằng "gần như mọi con khỉ được cấy ghép vào đầu đều phải chịu những ảnh hưởng sức khỏe khá suy nhược".
PCRM đã chia sẻ chi tiết về vụ kiện mà họ đệ trình chống lại Neuralink liên quan đến các cáo buộc lạm dụng động vật. Đơn kiện nói rằng những con vật 'bị nhiễm trùng từ các điện cực cấy ghép đặt trong não của chúng' và một "chất không được chấp thuận" được gọi là BioGlue "đã giết chết những con khỉ bằng cách phá hủy các phần não của chúng". "Chất bịt kín sọ" được ghi chú ở đây đề cập đến BioGlue mà sau đó được phát hiện là nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm sức khỏe của khỉ
Trong khi đơn kiện cáo buộc BioGlue là nguyên nhân cái chết trong các con khỉ trong phòng thí nghiệm, Neuralink cũng đã thừa nhận trong một bài đăng trên blog rằng một trong những con khỉ đã chết vì chất kết dính.
Ngoài những cáo buộc về lạm dụng động vật trong thử nghiệm chip não, các chuyên gia cảnh báo rằng có thể có vấn đề về quyền riêng tư với việc cấy ghép não.
Tiến sĩ Susan Schneider, Giám đốc sáng lập của Trung tâm mới về Trí tuệ Tương lai, nói với Daily Mail vào tháng 4/2021: "Nếu việc sử dụng rộng rãi trở thành gắn kết chúng ta với đám mây [dữ liệu], chứ không phải như một liệu pháp, và hợp nhất con người với AI, thì mô hình kinh tế sẽ là để bán dữ liệu của chúng ta".
Theo THU HẰNG (Báo Tin tức/Daily Mail)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: