Cảm hóa giáo dục tốt tại cộng đồng sẽ giúp thanh niên hạn chế phạm tội và làm mất an ninh trật tự
Xác định tầm quan trọng của công tác, Công an 18 xã, thị trấn phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức 437 cuộc, thu hút gần 17.200 người dân đến nghe với những nội dung về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, các TNXH, ma túy, mại dâm... đặc biệt là công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của quần chúng Nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đồng thời tham gia cùng chính quyền địa phương giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỗi để họ trở thành người tốt, có ích cho xã hội.
Thượng tá Nguyễn Văn Thạnh, Phó Trưởng Công an huyện Chợ Mới cho biết: "Ngay từ đầu năm 2018, công an phối hợp các địa phương, Ban Nhân dân ấp tiến hành rà soát, phân loại đối tượng theo từng nhóm hành vi vi phạm và lập danh sách đưa vào diện quản lý tổng số 1.240 đối tượng (nữ 296). Nhiều nhất là hành vi gây rối trật tự công cộng 232 đối tượng, bán số đề 261 đối tượng, đá gà 214 đối tượng, đánh bạc 158 đối tượng, chạy xe lạng lách, hú nẹt ga 110 đối tượng. Còn lại là tổ chức đánh bạc, đánh nhau, trộm cắp, nghi vấn sử dụng ma túy, mại dâm... Trên cơ sở phân loại đối tượng về hành vi, độ tuổi, nhân thân, điều kiện, hoàn cảnh tiến hành bàn giao cho Công an xã, thị trấn, MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên trực tiếp quản lý nhóm đối tượng này". Qua đó, công an và các ban, ngành, đoàn thể gặp gỡ, tiếp xúc các đối tượng bằng nhiều hình thức để giáo dục, thuyết phục, tạo điều kiện giúp đỡ, như: tạo việc làm ổn định, làm giấy chứng minh Nhân dân, hộ khẩu... để họ có cuộc sống ổn định, trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Kết quả, đã có 603 người được cảm hóa, giáo dục trở thành người tốt (đạt 48,6%).
Công an các ngành, đoàn thể xã, thị trấn còn cảm hóa, giáo dục 13/27 đối tượng chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ định kiến mặc cảm với xã hội, phấn đấu làm ăn để ổn định cuộc sống. Điều đáng mừng, đa số các đối tượng này có nghề nghiệp ổn định nhận thức được hành vi vi phạm của mình là hoàn toàn trái với pháp luật quy định, phấn đấu chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội.
Từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng công an, các ban, ngành, đoàn thể và sự tham gia tích cực của quần chúng Nhân dân nên công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục đối tượng khá hiệu quả, làm cho tình hình tội phạm, TNXH được kiềm chế. Theo ông Nguyễn Văn Thạnh: "Hiện huyện đang quản lý 1.152 đối tượng, giao cho các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục quản lý, cảm hóa. 14 đối tượng tù tha về không tiến bộ do không nghề nghiệp, chưa nhận thức được hành vi sai trái, lười lao động, tụ tập chơi bời lêu lỏng... Công tác phối hợp quản lý đối tượng chưa chặt chẽ, sâu sát; một số cán bộ ngán ngại, không dám gặp gỡ đối tượng. Một số ngành, đoàn thể còn trông chờ vào công an, quản lý, giáo dục đối tượng chủ yếu là người cầm đầu, đối tượng có tiền án, tiền sự... nên tỷ lệ thành người tiến bộ chưa cao".
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, theo ông Thạnh: "Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tội phạm và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong tình hình mới”. Nâng cao hiệu quả thực hiện các nghị quyết liên tịch giữa công an và các ngành, đoàn thể, xã, thị trấn trong công tác quản lý, cảm hóa giáo dục. Đẩy mạnh thông tin, trao đổi kịp thời về tình hình hoạt động của các loại đối tượng, nhằm sớm phát hiện và có biện pháp xử lý, phòng ngăn tái phạm, cũng như có biện pháp cảm hóa, giáo dục phù hợp, đạt hiệu quả. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, gặp gỡ, tiếp xúc để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ vay vốn làm ăn giúp họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái phạm tội”.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU