Chờ mùa dâu núi Cấm

16/04/2025 - 06:55

 - Thời điểm này, những cơn mưa đã ghé thăm núi Cấm (xã An Hảo, TX. Tịnh Biên) mang theo sự mong chờ của nhà vườn và du khách về mùa trái mới. Trong đó, mùa dâu núi Cấm đã trở thành nét đặc trưng của “nóc nhà miền Tây”, với vẻ đẹp bình dị mà nên thơ, hiếm nơi nào có được.

Gắn bó với Thiên Cấm Sơn nhiều năm, tôi vẫn bị thu hút bởi nét đặc trưng vốn có của ngọn núi này. Bên cạnh những huyền thoại linh thiêng cùng dòng người tấp nập trong mấy tháng hành hương, núi Cấm còn mang vẻ đẹp đặc trưng trong mùa mưa, với sự tất bật của nhà vườn khi mùa trái đến, nhất là mùa dâu.

May mắn có vài anh bạn ở núi Cấm, tôi luôn có những chuyến đi thú vị khi đến đây. Bạn không giàu về vật chất, nhưng tấm lòng luôn rộng mở! Bằng những chiếc xe “chuyên dụng”, bạn chở tôi khắp các cung đường lớn, nhỏ trên núi Cấm. Chúng tôi lên vồ Thiên Tuế hay thẳng hướng vồ Bồ Hong, đâu đâu cũng thấy những vườn cây xanh mát. Những vườn cây ấy, cứ mưa xuống là thay áo mới, hấp thụ thổ nhưỡng núi rừng và dâng cho đời mùa trái mê say.

Trong lần ghé thăm vườn dâu của ông Trần Hoàng Anh (ngụ ấp Vồ Đầu, xã An Hảo), tôi vô cùng ấn tượng với vẻ đẹp và độ sai trái của loài cây này. Định cư trên núi Cấm hơn 40 năm, nhà vườn này từng canh tác khá nhiều loại cây, nhưng hiện đang đầu tư cho cây dâu và sầu riêng. Ông cho biết, cây dâu được xem là cây trồng đặc sản của núi Cấm từ rất lâu. Về nguồn gốc cây dâu thì nhà vườn này không biết rõ, chỉ nghe nói lại núi Cấm vốn có giống dâu rừng, được sơn dân đem về trồng ăn chơi. Dần dần, người ta mang giống dâu ghép từ dưới xuôi lên để tăng phẩm chất, năng suất rồi mở rộng diện tích như hiện nay.

Cây dâu sai trái vào thời điểm mưa già

 Những vườn dâu qua nhiều thế hệ nhà vườn, cũng đã có sự thay đổi về diện tích và phẩm chất. Về chủng loại, nhà vườn núi Cấm chủ yếu canh tác dâu da xanh núi Cấm, dâu xanh Gia Bảo, dâu Hạ Châu và dâu bòn bon. Trong đó, dâu xanh Gia Bảo và dâu bòn bon được trồng nhiều nhất, bởi phẩm chất ngon và năng suất cao.

Đứng giữa vườn dâu của ông Trần Hoàng Anh, tôi hơi choáng ngợp. Giữa cái xanh mát của núi rừng, những chùm dâu chín đong đưa như mời gọi bàn tay người thu hoạch. Mỗi cây dâu vào mùa trái, cứ như đang oằn mình nuôi dưỡng hàng trăm, hàng ngàn “đứa con”. Theo lời nhà vườn này, cây dâu bòn bon chừng 10 năm tuổi, có thể cho 200 - 300kg trái mỗi mùa, mang đến nguồn thu khá. Nếu mức giá dao động 6.000 - 7.000 đồng/kg thì có thể mang đến nguồn thu hơn 100 triệu đồng/năm cho nhà vườn.

Đứng dưới góc dâu nhìn lên, tôi chỉ thấy toàn trái với trái. Nhanh tay hái một trái dâu, bóc vỏ cho vào miệng, tôi cảm nhận vị chua ngọt đặc trưng của những trái dâu bòn bon. Với người ít ăn chua như tôi, những trái dâu cũng được xem là vừa khẩu vị.

Anh bạn đi cùng bật mí, dâu xanh Gia Bảo, dâu bòn bon với vị chua - ngọt vừa phải luôn được người dùng ưa thích. Trong khi đó, giống dâu Hạ Châu hiện nay còn khá ít, bởi năng suất không như mong đợi. Với người sành ăn, họ muốn tìm dâu da xanh núi Cấm bởi hương vị truyền thống, đã tồn tại cùng đời sống cư dân trên ngọn núi nhiều năm nay. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường, diện tích dâu da xanh núi Cấm cũng giảm dần, thay vào đó là những giống dâu có năng suất cao hơn.

Nếu đến núi Cấm vào mùa dâu rộ trái, bạn sẽ rất ấn tượng với những chiếc xe “chuyên dụng” tấp nập chở dâu xuống cân cho vựa. Đến vựa, lại càng thích mắt với những đống dâu cao ngất. Chúng được lựa ra, cho vào bọc rồi lên xe đi khắp các tỉnh...

Có đến trải nghiệm thực tế, mới nhận thấy mùa dâu sai trái cũng có thể phát triển thành sản phẩm du lịch nông nghiệp. Những người đam mê nhiếp ảnh cũng đã sáng tác nhiều bức ảnh đẹp về mùa dâu núi Cấm, mang đến những cảm xúc thị giác đặc biệt cho người xem. Ông Trần Hoàng Anh cũng cho hay, đang có ý định phát triển thêm các hình thức du lịch sinh thái gắn với vườn dâu, vườn sầu riêng. Tuy nhiên, ông cần có thời gian để chuẩn bị các điều kiện cần thiết mới có thể thực hiện được ý tưởng này.

Thời điểm này, những anh bạn trên núi Cấm cho hay dâu chỉ mới chớm vào mùa, phải hơn tháng nữa mới có trái chín. Khi đó, những vườn dâu trên núi Cấm sẽ lại trở mình để trả ơn cho người đã chăm bón chúng quanh năm. Còn tôi, vẫn đang háo hức chờ đợi được trở lại với núi Cấm trong mùa mưa, để lạc bước giữa vườn dâu đong đưa say trái, để cảm nhận lại vị chua ngọt đặc trưng kết tinh từ thổ nhưỡng của Thiên Cấm Sơn hùng vĩ.

Mùa dâu trên núi Cấm bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào cuối tháng 6 hàng năm. Với hương vị đặc trưng và vẻ đẹp mộc mạc nhưng đặc sắc, mùa dâu núi Cấm có thể trở thành sản phẩm du lịch theo mùa, giúp nâng cao thu nhập cho nhà vườn.

MINH QUÂN