Chợ truyền thống cần thay đổi

30/11/2023 - 06:09

Người tiêu dùng có nhu cầu mua món hàng từ nhỏ đến lớn đều ghé chợ truyền thống và thói quen đi chợ được xem là nét văn hóa đặc trưng của phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thói quen ấy đang thay đổi dần.

“Trước dịch COVID-19, chúng tôi buôn bán khá thuận lợi. Thời điểm này, các tiểu thương ở chợ đã bắt đầu nhập hàng về bán Noel và Tết. Người mua tấp nập, nhộn nhịp từ sáng đến chiều. Chúng tôi nhận hàng, kiểm hàng rồi bán hàng, cực cả ngày nhưng vui. Ai cũng cố gắng làm nhiều hơn ngày thường để đón Tết thêm trọn vẹn” - chị Liên (49 tuổi, tiểu thương chợ Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) nhớ lại.

Dang dở câu chuyện với chúng tôi, chị Liên chào vội một tiểu thương khác đang sắp xếp hàng hóa để về nhà. Đồng hồ khi đó mới hơn 16 giờ chiều. Nở nụ cười gượng, chị Liên tiếp tục câu chuyện: “Sạp của tôi nằm dãy ngoài, còn có người qua lại. Những tiểu thương có sạp ở dãy trong cùng, ít khách đến vào giờ này. Vì vậy, một vài người chọn đóng cửa sạp về sớm. Bản thân tôi vô cùng khó khăn khi hiện tại chỉ bán cho những khách hàng quen lâu năm. Tuy nhiên, số ấy đã giảm rất nhiều” - chị Liên trầm tư.

“Có mở cửa bán hàng sớm thì cũng không có khách, nên chúng tôi thong thả mới ra mở cửa bán hàng. Cả chục năm buôn bán ở chợ, chưa bao giờ tình cảnh ảm đạm như lúc này. Nói nghe chạnh lòng chứ người bán còn nhiều hơn người mua. Trước đây, khách đông lắm nhưng giờ vắng hoe. Mình lớn tuổi rồi, không thể làm nghề gì khác nên cố gắng bám trụ” - một tiểu thương bán giày dép kế chị Liên tâm sự thêm.

Buổi chiều vắng khách trong nhà lồng chợ Mỹ Xuyên

Chị Liên bám trụ với nghề bán quần áo ở chợ Mỹ Xuyên đã hơn 15 năm. Thời “vàng son”, sạp quần áo này là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nhưng nay, chị phải tìm thêm nghề để xoay sở cuộc sống. Có lẽ, đó là nỗi buồn chung của tiểu thương nơi đây.

“Mỗi ngày, sạp quần áo của tôi chỉ 5 - 7 người đến, song số khách mua chỉ được 2 - 3 người. Nói không ai tin, nhưng đó là sự thật. Dù vậy, tôi vẫn mở cửa đều đặn để bán cho khách “mối”. Họ ghé vài lần không thấy mình bán sẽ mua chỗ khác. Chỉ mong, kinh tế sớm hồi phục, đời sống người dân khấm khá hơn để công việc mua bán tốt hơn” - chị Liên kỳ vọng.

“Lúc trước, tôi rất thường ghé chợ truyền thống mua quần áo. Song, khi mạng xã hội phát triển, mua bán online dần nở rộ; cửa hàng quần áo, siêu thị mọc lên như nấm, tôi chuyển dần thói quen mua sắm. Với những tiện ích khi mua sắm trên “chợ mạng”, tôi rất ít mua quần áo ở các chợ truyền thống như xưa. Chưa kể, nhiều lúc tôi mua quần áo ở các hội nhóm thanh lý, giá rẻ hơn một nửa mà chất lượng rất tốt, nên tiết kiệm chi tiêu khá nhiều" - chị Nguyệt Ánh (35 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) bộc bạch.

Với sự phát triển của hệ thống các siêu thị, đặc biệt là chuỗi cửa hàng tiện lợi “phủ sóng” rộng khắp, sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ truyền thống giảm mạnh. Trước đây, người tiêu dùng, nhất là những người nội trợ vẫn thường lui tới các chợ để mua hàng thì hiện nay, nhu cầu mua sắm đã dần thay đổi. Những mặt hàng như quần áo, giày dép… ở chợ truyền thống trở nên “hụt hơi” khi phải cạnh tranh với các cửa hàng hiện đại, siêu thị, những hình thức mua hàng qua mạng.

Giờ đây, người tiêu dùng đã không còn xem chợ truyền thống là địa điểm duy nhất để mua sắm. “Đơn cử như muốn mua nước giặt, nước lau nhà hay chai nước mắm, hàng hóa ở siêu thị rất đa dạng, có nhiều loại để lựa chọn hơn ở quầy tạp hóa, sạp chợ. Siêu thị còn thường xuyên có khuyến mại giảm giá, tặng quà. Cuối tuần, tôi thường kiểm tra gia dụng trong nhà còn gì, hết gì để đi siêu thị mua thêm một lần cho tiện” - chị Kim My (37 tuổi, ngụ phường Mỹ Xuyên) thông tin.

Tiểu thương trong chợ giờ phải chịu nhiều áp lực bủa vây. Áp lực từ sức mua giảm do kinh tế khó khăn, từ sự cạnh tranh của các loại hình kinh doanh bán lẻ hiện đại và xu hướng tiêu dùng mới. “Tôi không rành công nghệ, cũng không tự tin livestream bán hàng như nhiều người trẻ bây giờ. Nên khi hàng mới về, chỉ chụp hình lên Zalo cá nhân, khách quen thấy thích thì đặt hoặc ghé quầy chọn mua” - chị Liên bộc bạch thêm.

Khi ngày càng có nhiều sự lựa chọn mua sắm thì cũng là lúc chợ truyền thống bước vào cuộc cạnh tranh “khốc liệt” với các loại hình kinh doanh khác - đó là xu thế tất yếu. Điều này đòi hỏi tiểu thương ở chợ truyền thống cần thay đổi hình thức kinh doanh, tận dụng công nghệ để bán hàng online thay vì chờ khách tìm đến.

PHƯƠNG LAN