Chộn rộn chợ quê cuối mùa lũ

14/12/2023 - 21:30

 - Lũ lạ quá! Mới đó nước rút khô đồng, gửi lại lớp “hạt” phù sa trên mặt ruộng, nông dân tất bật cày ải xuống giống vụ đông xuân. Thời gian này, những con cá quay trở lại kênh, mương, ngư dân chộn rộn khai thác, bán rôm rả tại chợ quê.

Đặc sản đồng quê

Mờ sáng, ngang qua đường quê, không khí trao đổi, mua bán giữa ngư dân và bạn hàng thật nhộn nhịp. Lâu lắm rồi mới có dịp rảo một vòng chợ nông thôn vào buổi sớm mai, khung cảnh thanh bình nơi đây càng níu chân người lữ khách. Nếu như ở chốn “đô thành”, nhịp sống luôn gấp gáp thì bà con vùng hẻo lánh cứ lai rai.

Từ lâu, chợ kênh 10 (thuộc xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) là nơi tập kết cá, tôm đông đúc, tạo nên bức tranh sinh động của xóm làng trù phú. Ven kênh, các chị bưng bê chiếc thau đầy cá ngồi bán lẻ. Những con cá đồng nhảy lách tách văng nước trông rất mê. Cạnh đó, nhiều chiếc xe máy thồ cặp giỏ xách đang cân cá rọng sống phân phối chợ xa. Mặc dù, người dân ở đây có cuộc sống cơ cực, nhưng họ vẫn phấn khởi khi mùa này thu hoạch được nhiều cá đem bán kiếm tiền rủng rỉnh lúc nông nhàn.

Cá đồng miền quê tươi ngon, với đủ loại, như: Cá linh, mè vinh, trê, lóc, trèn răng, trèn bầu, kết bạc, chạch cơm, chạch lấu, cá chốt, cá heo… “Nước rút, cá đồng nhiều, tôi tranh thủ thức sớm ra chợ lựa mớ cá ngon mang về chuẩn bị buổi cơm trưa. Ở quê không có đặc sản gì khác hơn ngoài cá đồng và mớ rau tập tàng vừa hái ven kênh” - chị Nguyễn Thị Thoa (xã Vĩnh An) chia sẻ. Tuy nhiên, nếu như trước đây, cá đồng vùng này nhiều vô kể, thì nay đã khan hiếm, trở thành đặc sản.

Đang loay hoay xách từng vợt cá đổ lên xe tải, Tư Phúc (thương lái mua cá) bày tỏ: “Mỗi đêm, nơi đây tới 60 chiếc xuồng câu, lưới của bà con cặp bến cân cá. Ngày nào cũng vậy, tôi cân 2 - 3 tấn cá đồng các loại để vận chuyển xuống TP. Cần Thơ cân cho bạn hàng. Mùa nước giựt kéo dài đến gần Tết Nguyên đán, bà con trong xóm chộn rộn dỡ chà, tát đìa khai thác cá”. Các loại cá đồng ở đây rẻ hơn so với nơi khác. Cụ thể, cá khoai 60.000 đồng/kg, cá chạch loại lớn 100.000 đồng/kg, cá lóc to bằng cườm tay 100.000 đồng/kg, cá linh to bằng ngón tay 20.000 - 30.000 đồng/kg…

Chị Trần Thị Thúy cho biết, mùa nước khô đồng, cá rút về kênh, vợ chồng chị giăng lưới cá mè vinh dính mỗi đêm hơn chục ký, bán với giá 30.000 đồng/kg, thu hập ngót nghét 200.000 đồng sau khi trừ chi phí.

“Mỗi đêm, tôi thu hoạch từ 20 - 30kg cá các loại. Cá linh rọng sống, bạn hàng cân 15.000 - 20.000 đồng/kg. Cá linh chết đem bán làm mồi nuôi cá 5.000 đồng/kg. Nhờ vậy, có thu nhập đều tay lúc rảnh, lo cho sấp nhỏ ăn học” - anh Nguyễn Văn Trung (ngư dân khai thác cá) bộc bạch. Đây cũng là thời điểm mà ngư dân thức trắng đêm thu hoạch nhiều cá nhất trong năm. Nhiều hộ dụ cá vào lung đìa, tranh thủ đắp đập, tát bắt cá bán dịp gần Tết.

“Túi cá” hiếm hoi

 

Mờ sương, chợ Lò Gạch (xã An Tức, huyện Tri Tôn) nhóm họp sôi động. Tuy cái chợ quê nằm tuốt trong cánh đồng Tứ giác Long Xuyên, nhưng nguồn cá ở đây rất phong phú. Chuyện họp chợ của bà con cũng đơn giản, chỉ cần ngồi chen chút nhau cặp mé kênh là bày bán các loại cá “rặt” đồng, như: Rô, lóc, trê, mè vinh, lươn… tươi ngon.

Bà Tám Hạnh (67 tuổi) là một bạn hàng có thâm niên bán cá đồng tại đây. “Cá lóc đồng chỉ 90.000 đồng/kg, cá rô loại 3 ngón tay 40.000 đồng/kg, cá trê vàng 60.000 đồng/kg, lươn đồng 150.000 đồng/kg… Mùa này, cá đồng vừa ngon vừa rẻ” - bà Tám Hạnh mời chào.

Người dân quê căng mắt trên đồng khai thác được con cá, con tôm thiên nhiên cũng lắm gian truân. Khi mang ra chợ bán, họ bán thiệt tình, không hề nói thách. Bà Tám Hạnh cho hay, cái chợ chân quê này tồn tại từ thời bà còn nhỏ. Hồi đó, vùng hẻo lánh này đường sá đi lại khó khăn, bà con lấy mỏm đất nhô cao trên tuyến đê họp chợ. Mỗi khi mùa lũ về, chợ này bán đủ thứ loại cá đồng.

“Trước đây, cá mắm vùng này nhiều lắm. Nhà nào cũng có ngư cụ khai thác, trừ những gia đình đi khai hoang mở đất khấm khá, họ không đi bắt cá thôi. Khi mùa gió bấc về, trai tráng trong xóm mang cá đến bán tại chợ này, rồi ngồi bên quán nước ven đường tâm sự vui nhộn cả khúc kênh” - bà Tám Hạnh nhớ lại.

Từ lâu, vùng quê hẻo lánh này được biết đến là “cánh đồng chó ngáp”, năn, tràm um tùm, bà con khai thác dính nhiều loại cá bản địa, như: Rô, trê, lóc, lươn... Hiện nay, những loài thủy sản này đã ương giống thành công, được người dân chọn làm đối tượng nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, con cá đồng vẫn hấp dẫn hơn. Anh Trần Văn Quới (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) nói rằng, ăn cá đồng vùng này rất bổ dưỡng. Nông dân trong vùng toàn ăn cá đồng quanh năm, ít ai dùng thịt. “Ngày nào cực ăn, chỉ cần trầm mình xuống mương đuổi bắt thì có cá kho ngay. Nguồn cá nuôi lớn bao thế hệ” - anh Quới vui vẻ.

Nắng vừa qua khỏi rặng tràm, những cái chợ tan nhanh. Dưới kênh, người dân nổ máy lướt qua dòng nước trở về nhà sau một đêm “cày” trên đồng bắt cá. Cuộc sống mưu sinh của bà con thôn quê luôn ấm áp, thanh bình.

LƯU MỸ