Chống buôn lậu, hàng giả lĩnh vực nông nghiệp

02/12/2024 - 07:40

 - An Giang là tỉnh biên giới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thường xuyên tăng cường quản lý, chủ động kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng này.

2 năm qua (2022 - 2024), Sở NN& PTNT thực hiện 76 cuộc thanh, kiểm tra 773 tổ chức, cá nhân về chấp hành quy định của pháp luật sản xuất - kinh doanh (SXKD) vật tư nông nghiệp; an toàn thực phẩm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; quầy, sạp kinh doanh sản phẩm động vật; phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm; cơ sở kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi; khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; kiểm lâm…

Kết quả, phát hiện và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 187 cá nhân, tổ chức vi phạm, tổng số tiền phạt trên 3,6 tỷ đồng, giá trị hàng hóa vi phạm gần 7 tỷ đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu: Kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; phân bón không có quyết định lưu hành; phân bón giả giá trị sử dụng, công dụng; phân bón, sản phẩm xử lý môi trường có nhãn ghi thông tin không đúng bản chất sự thật hàng hóa; sản xuất thực phẩm nhiễm chất kháng sinh cấm; khai thác rừng trái pháp luật... Tang vật tịch thu (do vắng chủ) 20,3m3 gỗ các loại, tổng giá trị 41,5 triệu đồng.

Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất - kinh doanh

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Trần Thanh Hiệp, ngành còn tăng cường phối hợp thanh, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành; nắm bắt thông tin từ dư luận xã hội, báo chí, chú trọng thông tin liên quan đến chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Qua đó chủ trì, phối hợp ngành chức năng thanh, kiểm tra kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả. Sở NN& PTNT công bố 6 số điện thoại đường dây nóng, 6 hộp thư điện tử của lãnh đạo đơn vị phụ trách, nhằm tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật để các tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức, chấp hành tốt quy định của pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp. Lực lượng chức năng tuyên truyền sâu rộng về mặt hàng, tuyến trọng điểm; phương thức, thủ đoạn phức tạp mới mà các đối tượng thường sử dụng để buôn lậu, gian lận thương mại. Qua đó, vận động Nhân dân đề cao cảnh giác, tích cực tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan lĩnh vực nông nghiệp; kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật để cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, một số người tiêu dùng chưa nhận thức tác hại của việc mua, sử dụng hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng nhái, cũng vì tâm lý ham rẻ. Việc hợp thức hóa bằng hóa đơn bán hàng không đúng thực tế diễn ra thường xuyên; giá trị hàng hóa thường rất thấp so với giá trị thực tế. Việc lưu giữ tang vật vi phạm hành chính còn nhiều bất cập, do không có kho chuyên dụng.

Sở NN& PTNT đề xuất các cơ quan chức năng cần quyết liệt, tăng cường phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức người tiêu dùng; phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nắm tình hình, phát hiện, kiểm tra và xử lý, chú trọng địa bàn trọng điểm dễ phát sinh buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, giả mạo xuất xứ trong hoạt động thương mại điện tử.

Thời gian tới, ngành chuyên môn tiếp tục thanh, kiểm tra hoạt động SXKD lĩnh vực an toàn thực phẩm; SXKD lĩnh vực vật tư nông nghiệp; SXKD sử dụng thuốc, hóa chất, thức ăn dùng trong chăn nuôi và thủy sản; kiểm tra đột xuất việc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân SXKD thực phẩm, vật tư nông nghiệp khi có đơn thư kiến nghị, phản ánh hoặc dư luận xã hội.

HẠNH CHÂU