Chống rác thải nhựa, không còn là chuyện của riêng ai

04/12/2018 - 07:41

 - Biến đổi khí hậu đã không còn là khái niệm mơ hồ, mà đang tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân ở nhiều nước trên thế giới. Không chần chờ gì nữa, mỗi người cần có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường, mà đơn giản nhất chính là thay đổi thói quen sinh hoạt, hạn chế thấp nhất sử dụng túi ny-lon.

Hàng ngày, mỗi người đều sử dụng mạng xã hội để chia sẻ, học hỏi những điều hay, hữu ích trong cuộc sống. Thế rồi, một giây phút nào đó, một ai đó đã chia sẻ một video “Chỉ là cái ống hút thôi, chỉ là cái cốc dùng 1 lần, chỉ là 1 cái túi ny-lon - 7,4 tỷ người?” Clip đã đưa hình ảnh trái đất được chụp vào năm 1978 và viễn cảnh trái đất năm 2066. Không cần tưởng tượng mà chính trong những vùng bị ô nhiễm nặng nề nhất trên thế giới đã được ghi nhận. Các vật dụng bằng nhựa, ống hút, hộp xốp, bông rái tai, vỏ xe cũ đều được thải trực tiếp ra biển, làm đe dọa đến môi trường sống có biết bao loài sinh vật biển. Vụ một con cá voi chết và trôi dạt vào bờ biển ở Indonesia, khi được mổ bụng ra đã làm thế giới phải kinh hoàng vì có hàng tấn rác thải bằng nhựa bên trong bụng cá. Các nhà khoa học cho rằng, khi môi trường biển bị thay đổi sẽ dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái và tất cả sẽ không được vận hành theo quy luật nữa. Sự thay đổi đó biểu hiện bằng thiên tai, hạn hán, bão lụt, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh đang tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống người dân.

Đoàn viên nhặt rác, quét dọn các tuyến đường kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Hàng ngày, đã có nhiều tổ chức hoạt động vì mục tiêu bảo vệ môi trường. Thế nhưng, những nỗ lực của họ như “dã tràng xe cát” khi đoàn viên, thanh niên ngâm mình trong các tuyến kênh, rạch để vớt rác thì người dân sau đó vẫn vô tư vứt rác trở lại. Sau một trận đá bóng, hàng ngàn cổ động viên để lại cả sân rác, trong khi chỉ có 3 thanh niên tình nguyện ở lại nhặt rác. Vấn đề chính yếu vẫn là ý thức bảo vệ môi trường, nếu ai cũng để rác đúng nơi quy định thì không cần người nhọc công nhặt rác, nếu ai cũng hiểu rằng một túi ny-lon phải mất 50 năm mới phân hủy hoàn toàn thì chúng ta không nên sử dụng túi 1 lần và vứt vào môi trường một cách vô tội vạ. Câu chuyện về người phụ nữ ở phường Bình Khánh (TP. Long Xuyên) 7 năm không sử dụng túi ny-lon được Báo An Giang đăng tải đã làm thay đổi thói quen của một số chị, em phụ nữ, gần nhất là đồng nghiệp và bạn bè mạng xã hội. Chị thường xuyên chia sẻ những clip, tips hạn chế sử dụng đồ nhựa, cách đi chợ, bảo quản thức ăn không dùng đồ nhựa an toàn và hiệu quả.

Bảo vệ môi trường không còn là chuyện từ từ mà đã trở thành vấn đề cấp bách khi UBND tỉnh vừa phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mỗi cá nhân cần hạn chế sử dụng các sản phẩm bằng nhựa khó phân hủy, sử dụng 1 lần, tích cực tìm kiếm giải pháp thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong cơ quan, đơn vị; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng thu gom, phân loại và tái chế các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi ny-lon. Bên cạnh đó là tuyên truyền sâu rộng về phong trào “Chống rác thải nhựa” cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh, đồng thời vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần”.

Cùng với đó là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện môi trường. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức trong các cơ quan, đơn vị và cộng đồng về nguy cơ ô nhiễm nhựa và ny-lon, hướng đến thay đổi, từ bỏ thói quen sử dụng túi ny-lon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy chỉ sử dụng 1 lần.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG