Bokator cũng là một trong ba môn truyền thống của Campuchia ở SEA Games lần này. Hai môn còn lại là Kun Khmer và Cờ Ok Chaktrong (Cờ ốc). Môn Kun Khmer từng xảy ra tranh chấp về tên gọi với Muay Thai của Thái Lan.
Các môn thể thao trong chương trình Olympic như bắn cung, bắn súng, canoeing, rowing... không xuất hiện ở SEA Games 32. Điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến thành tích chung của đoàn thể thao Việt Nam do một số môn thế mạnh không được đưa vào thi đấu.
SEA Games 32 là cơ hội để Campuchia quảng bá các môn võ truyền thống dân tộc với thế giới. Ông Vath Chamroeun, Tổng thư ký Ủy ban Olympic quốc gia Campuchia và Liên đoàn võ Bokator, cho biết: “Việc đăng cai tổ chức sự kiện lần này là dịp để Campuchia giới thiệu các môn thể thao bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu không tổ chức với danh nghĩa nước chủ nhà, chúng ta không có cơ hội nào tốt hơn để bảo tồn và phát triển”.
Theo quy định, tối thiểu 4 quốc gia đăng ký tham gia thì mới đủ điều kiện để tổ chức môn thi đấu. Dù là môn truyền thống của Campuchia, Bokator có 6 nước đăng ký tham dự gồm Việt Nam, Lào, Myanmar, Philippines, Indonesia và chủ nhà Campuchia. Để hướng tới SEA Games 32, giải Bokator Đông Nam Á sẽ được tổ chức cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 này. Trước đó từ ngày 24-28/3, khóa đào tạo trọng tài Bokator sẽ diễn ra.
Ở SEA Games 32, Bokator có 16 nội dung thi đấu đối kháng đồng đội, 7 nội dung biểu diễn cá nhân, đồng đội và 9 nội dung thi đấu đối kháng cá nhân ở các hạng cân 50kg, 55kg, 60kg, 65kg và 70kg nam; 45kg, 50kg, 55kg và 60kg nữ.