Chủ động giải pháp ứng phó lũ kết hợp triều cường

14/10/2024 - 07:41

 - Dự báo hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, triều cường và thiên tai (giông, lốc, sét, ngập lụt, úng, sạt lở đất) còn diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, người dân cần chủ động các giải pháp ứng phó với lũ kết hợp triều cường đạt đỉnh lũ trong tháng 10/2024 và các thiên tai những tháng cuối năm, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản và sản xuất vụ thu đông 2024...

Diễn biến phức tạp

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng của năm 2024, thiên tai làm thiệt hại trên 6,4 tỷ đồng. Trong đó, 1 người bị cây ngã gây tử vong trên địa bàn huyện Chợ Mới và 3 người bị thương nhẹ trên địa bàn TX. Tân Châu. Về thiệt hại nhà ở, trên địa bàn tỉnh xảy ra 46 vụ mưa giông, làm thiệt hại 307 căn nhà ở bị sập, tốc mái, ước thiệt hại hơn 5,5 tỷ đồng. Thiệt hại nông nghiệp, hơn 10,2ha rau, màu và 0,7ha cây ăn trái bị đổ ngã trên địa bàn huyện Phú Tân, TX. Tịnh Biên.

Về tình hình sạt lở, trên địa bàn tỉnh xảy ra 41 vụ sạt lở, sụp lún đất bờ kênh, rạch, với chiều dài 1.339m, ảnh hưởng 34 căn nhà ở của người dân sống trong khu vực sạt lở. Ước giá trị thiệt hại về đất khoảng 880 triệu đồng. Nguyên nhân các vụ sạt lở do nước lũ dâng cao tạo dòng chảy xiết, gây xói lở hai bên bờ và đáy sông, kênh, rạch. Mặt khác, do nền đất yếu, mái bờ sông, kênh dốc đứng, các phương tiện thủy qua lại tạo sóng mạnh... làm tăng nguy cơ gây sạt lở.

Sạt lở trên địa bàn huyện Chợ Mới. Ảnh: CTV

Tại huyện đầu nguồn biên giới An Phú, huyện ghi nhận 18 vụ sạt lở bờ sông, bờ kênh trên địa bàn 6 xã, thị trấn, như: Khánh Bình, Quốc Thái, Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu và thị trấn Long Bình. Các vụ sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình, cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại, tài sản của người dân. Tại huyện Chợ Mới, 9 tháng qua, đã xảy ra 7 điểm sạt lở, chiều dài 160m. Lũy kế đến nay, toàn huyện có 154 đoạn, chiều dài hơn 7,9km chưa được gia cố khắc phục; huyện đã và đang tiến hành khắc phục sạt lở 15 dự án, chiều dài hơn 1km.

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn An Giang cập nhật, mùa mưa năm 2024 khả năng kết thúc muộn hơn trung bình nhiều năm, phổ biến trong khoảng từ ngày 25/11 - 5/12. Cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: Giông, sét, lốc, mưa đá và các đợt mưa lớn diện rộng, mưa lớn cục bộ xảy ra trên phạm vi toàn tỉnh. Dự báo thời gian tới, còn đợt nước lên vào khoảng từ ngày 17 - 20/10, triều cường rằm tháng 9 âm lịch (đỉnh triều khá cao). Dự báo mực nước cao nhất (Hmax) tại Khánh An có khả năng đạt 4,4 - 4,6m, dưới báo động II (BĐ II); Tân Châu 3,4 - 3,6m (xấp xỉ BĐ I); Châu Đốc 3,2 - 3,4m, (dưới BĐ II). Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm tại các trạm Tân Châu, Châu Đốc giữa tháng 10/2024.

Vùng hạ lưu sông tại Long Xuyên có khả năng đạt 2,6 - 2,8m (trên BĐ III), Chợ Mới 2,7 - 2,9m (dưới BĐ III), Vàm Nao 2,75 - 2,95m (xấp xỉ BĐ II). Khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên mực nước lên, một số trạm sẽ đạt xấp xỉ BĐ I (Vĩnh Gia, Lò Gạch), trên BĐ I (Xuân Tô, Tri Tôn) và trên mức BĐ II (Cô Tô, Vọng Thê, Vĩnh Hanh, Núi Sập), sau đó mực nước biến đối chậm (phụ thuộc vào quy trình vận hành hệ thống thủy lợi tỉnh Kiên Giang). Thời gian xuất hiện trong nửa cuối tháng 10/2024.

Triển khai các giải pháp

Để chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai những tháng cuối năm, các sở, ban, ngành, địa phương đang triển khai các giải pháp ứng phó với lũ kết hợp triều cường đạt đỉnh lũ trong tháng 10/2024. Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng để chủ động phòng tránh, ứng phó. Tiếp tục tổ chức rà soát, hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gia cố, chằng chống, tu sửa nhà ở, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, công trình công cộng để tăng độ vững chắc; chặt, tỉa cành, nhánh của các cây cao, nhất là cây cao to gần nhà, cây mục rỗng, sâu bệnh, tán lá lớn, dễ gẫy, ngã; kiểm tra các pa-nô, biển quảng cáo có khả năng mất an toàn thuộc phạm vi quản lý.

“Các địa phương bố trí lực lượng thực hiện tuần tra, kiểm tra các hệ thống đê bao, cống, bọng ở các tiểu vùng sản xuất để kịp thời phát hiện các sự cố sạt lở mái đê, lũ tràn qua đê, sự cố các cống qua đê... Khoanh vùng, cắm biển cảnh báo tại các khu vực xảy ra sạt lở, thông tin cho người dân chủ động phòng tránh. Phân luồng, điều tiết giao thông, giảm tải trọng trên các tuyến giao thông thủy, bộ. Kiên quyết tổ chức di dời, sơ tán người, nhà ở, tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực sạt lở nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng. Đồng thời, có phương án hỗ trợ nơi ở tạm, tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân di dời do sạt lở gây ra” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, xử lý kịp thời các vật cản gây tắc nghẽn dòng chảy, khơi thông dòng chảy, nhất là trên các hệ thống tiêu thoát lũ núi, hệ thống thoát nước mưa đề phòng nguy cơ xảy ra ngập lụt, ngập úng khi có mưa lớn. Bố trí lực lượng trực canh, hướng dẫn giao thông qua các bến đò ngang, bến khách ngang sông, các đoạn đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở trong mùa mưa, hỗ trợ Nhân dân trong quá trình xảy ra thiên tai. Kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công trình gia cố đê, cống, đập. Vận hành, đóng mở công trình cống hợp lý để kiểm soát lũ ở các tiểu vùng sản xuất, xả lũ.

Chủ động hệ thống trạm bơm tiêu chống úng và có phương án dự phòng trong trường hợp có sự cố về máy bơm. Đối với các vùng bao xả lũ vụ thu đông năm 2024 theo kế hoạch để lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng, cải tạo đất, diệt trừ dịch bệnh, các địa phương phải thực hiện xả lũ chủ động và có kiểm soát theo quy trình, nhằm hạn chế thiệt hại cơ sở hạ tầng, đê bao, cống bọng do lũ gây ra. Chủ động lực lượng, phương tiện, vật tư… theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng huy động xử lý kịp thời để hạn chế sạt lở khi có sự cố xảy ra.

THU THẢO