Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề An Giang Nguyễn Thanh Hải cho biết, hội thảo thông tin, chia sẻ và nhu cầu nhân lực giáo dục nghề nghiệp; công tác phân luồng và hướng nghiệp trong các trường phổ thông; thị trường lao động nước ngoài và vấn đề đào tạo, định hướng nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động qua đào tạo; xuất khẩu lao động trong định hướng nghề nghiệp… Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng Nghề An Giang đã tham vấn, thảo luận cùng các đại biểu về công tác tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội. Đồng thời chia sẻ, cung cấp phương thức đào tạo, phương án tuyển sinh, các ngành đào tạo, môi trường học tập, rèn luyện, chế độ chính sách, chuẩn đầu ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà xưởng và các thông tin khác liên quan đến các hoạt động của Trường Cao đẳng Nghề An Giang và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh. Trường đã giới thiệu một số ngành, nghề đào tạo triển vọng mà trường đang đào tạo, như: Cơ khí xây dựng, công nghệ kỹ thuật kiến trúc, họa viên kiến trúc. Đây là những nghề mà xã hội đang rất cần và học viên sẽ có rất nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm cũng như khả năng phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Hội thảo tư vấn hướng nghiệp và nhu cầu nhân lực giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập
Theo ông Trần Anh Tuấn (Giám đốc Trung tâm Phát triển nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh), tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THCS là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành GD&ĐT và ngành LĐ-TB&XH tập trung, phối hợp thực hiện, nhằm giúp học sinh có sự lựa chọn vào học THPT hoặc vào học giáo dục thường xuyên, học nghề phù hợp với hoàn cảnh, năng lực và yêu cầu phát triển. “Nếu định hướng nghề nghiệp tốt thì học viên, người lao động sẽ được đào tạo nghề theo đúng khả năng và năng lực cũng như năng khiếu của mình, để sau khi được đào tạo người lao động sẽ rất dễ dàng trong việc tìm kiếm việc làm, làm việc có hiệu quả, có năng suất lao động cao, tạo sự hài hòa giữa doanh nghiệp và nguồn nhân lực được sử dụng hợp lý” - ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Những năm qua, ngành GD&ĐT đã có nhiều giải pháp để thực hiện công tác phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Các trường học quan tâm đến công tác giáo dục hướng nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức tư vấn cho học sinh tại các trường THCS, THPT và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên để giúp các em có cái nhìn tổng thể trước khi quyết định cho tương lai của mình. Đặc biệt, tổ chức cho học sinh tham quan các trường đại học, cao đẳng, nhà máy, xí nghiệp, làng nghề... nhằm giúp các em hứng thú và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Qua thống kê, số học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học giáo dục thường xuyên và học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, các trường cao đẳng đạt 72,87% (năm học 2020-2021) và tăng lên 89,89% (năm học 2021-2022).
Theo Sở LĐ-TB&XH, kết quả nổi bật trong công tác giáo dục nghề nghiệp của tỉnh thời gian qua là việc thực hiện hiệu quả quy hoạch và phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Các trường cũng tăng cường giao lưu, tạo điều kiện để các em tham quan, trải nghiệm nơi đào tạo của nhà trường, qua đó giúp học sinh thêm tự tin khi lựa chọn ngành nghề…
Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng Nghề An Giang Trần Chí Độ cho biết, những năm qua, nhà trường chú trọng nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, chú trọng đổi mới công tác hướng nghiệp, kết nối với các đơn vị, hỗ trợ học sinh tiếp cận với các ngành, nghề nhà trường đang đào tạo. Hoạt động tư vấn trực tiếp và mời học sinh đến tham quan, trải nghiệm đã giúp các em có sự tiếp cận sâu hơn với thông tin về ngành, nghề và lựa chọn phù hợp với điều kiện bản thân, nhu cầu xã hội…
Thời gian tới, Trường Cao đẳng Nghề An Giang tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính chủ động sáng tạo của người học. Đồng thời, nâng cao trình độ công nghệ trong hoạt động đào tạo, tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao đối với một số ngành nghề trọng điểm. Đặc biệt, chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tăng cường khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu nhân lực, phát triển nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường lao động…
Ông Nguyễn Gia Liêm (Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phát huy mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhằm giúp học sinh, sinh viên có nhiều cơ hội học tâp và tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp ở các thị trường lao động trong và ngoài nước…
|
TRUNG HIẾU