Chữ “Xuân” của đại thi hào Nguyễn Du

05/02/2025 - 07:49

 - Không những mang giá trị nhân văn sâu sắc vượt thời gian, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du còn là sự sáng tạo tuyệt vời về phong cách sử dụng ngôn từ. Chỉ từ “Xuân”, nhà thơ sử dụng 11 lần, mỗi lần là nét nghĩa khác nhau, hoàn toàn
mới lạ.

Tượng đài đại thi hào Nguyễn Du tại tỉnh Hà Tĩnh

Nhân lễ hội mùa Xuân trong tiết Thanh minh, nhà thơ dựng lên bức tranh thiên nhiên tinh khôi, trong trẻo, giàu sức sống, hơi thở mùa xuân của đất Việt. “Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Lễ tảo mộ là nét đẹp văn hóa truyền thống, biểu trưng cho đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hậu sinh tri ân tổ tiên bằng sửa sang phần mộ của người đã khuất. Sau lễ hội tảo mộ cũng là bối cảnh, cơ hội cho trai tài gái sắc được gặp gỡ, hẹn hò, giao duyên. Không khí lễ hội mùa Xuân nhộn nhịp, tấp nập được nhà thơ miêu tả bằng từ ngữ tạo hình, giàu tính biểu cảm: “Gần xa nô nức yến anh/ Chị em sắm sửa bộ hành chơi Xuân/ Dập dìu tài tử giai nhân/ Ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Đây là tiền đề dẫn dắt hoàn cảnh trong cuộc du Xuân để Thúy Kiều - Kim Trọng gặp gỡ nhau rồi đính ước, hẹn thề.

Với nghệ thuật chấm phá độc đáo tả ít, gợi cảm nhiều, Nguyễn Du vẻ bức tranh thiên nhiên mùa Xuân tươi đẹp, trong sáng và thanh khiết: “Ngày Xuân con én đưa thoi/ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi/ Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Động từ “tận” đã làm cho không gian mùa Xuân giãn nở, mở rộng biên độ đất trời và bao trùm với màu xanh biếc của cỏ lá.

Trên nền trời cao là những đàn chim én mùa Xuân chao nghiêng bay; dưới mặt đất là thềm cỏ xanh non bất tận chạy xa tít tắp như không có điểm dừng. Trên nền cỏ xanh tươi ấy là những bông hoa lê điểm vài sắc trắng gợi lên một sự tinh khôi. Ánh sáng của ngày Xuân trong veo, lan tỏa, trải dài khắp muôn nơi. Ấy vậy mà ngày Xuân thấm thoát trôi qua nhanh như con thoi đưa. Cả mùa Xuân có 90 ngày, nay đã qua tháng Giêng, tháng hai và bước sang tháng thứ ba. Câu thơ gợi cảm về thời gian và không gian, khắc họa lễ hội mùa Xuân truyền thống văn hóa của dân tộc. Đây cũng là một dụng ý nghệ thuật sâu sắc của tác giả, mượn ngày hội làm bối cảnh miêu tả cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa Thúy Kiều và Kim Trọng.

Từ “Xuân” tượng trưng cho sức sống, sự trẻ trung, cho cái đẹp, nhưng lại tạo sự tương phản đến phũ phàng với Thúy Kiều: “Rước nàng về đến trú phường/ Bốn bề Xuân tỏa một nàng ở trong”. Lại không có một chữ “Xuân” nào, nhưng tác giả đã vẻ nên một mùa Xuân khá đặc biệt. Ấy là mùa Xuân mà Thúy Kiều phải xa chồng, sống trong nhớ mong và hy vọng. “Song mai” là nơi Thúy Kiều cô đơn chờ đợi cạnh song cửa có hoa mai, một loài hoa chỉ nở vào mùa xuân: “Nàng thì chiếc bóng song mai/ Đêm thâu đằng đẵng nhặt cài then mây/ Sân rêu chẳng vẽ dấu giày/ Cỏ cao hơn thước, liễu gầy vài phân”.

Truyện Kiều với 3.254 câu thơ lục bát sinh động, trong đó về sử dụng ngôn từ mà chỉ có thần bút mới tuôn ra được. Để so sánh ngầm vẻ đẹp như hoa lan mùa Xuân, hoa cúc mùa thu của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, Nguyễn Du tả: “Một đường tuyết điểm sương che/ Tin Xuân đâu dễ đi về cho chăng”. Bằng thiên tài biến hóa từ ngữ, Nguyễn Du sử dụng chữ “Xuân” mà ghép nó với một từ, người đọc chỉ biết bái phục. Nào là lòng Xuân, chén Xuân, nói về tâm trạng và một tiệc vui của ngày xuân: “Đủ điều trong khúc ân cần/ Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng”. Về tin mừng của người yêu, tác giả nói là tin Xuân. Ở một nơi họp mặt vui vẻ, Nguyễn Du viết: “Tiễn đưa một chén quan hà/ Xuân đình thoắt đã dạo xa cao đình”.

Gặp tình cảnh vui tươi, sự việc tốt đẹp, Nguyễn Du viết: “Phong lưu phú quý ai bì/ Vườn Xuân một cửa để bia muôn đời”. Tấm bảng ghi tên những người đậu tiến sĩ vào mùa Xuân, nhà thơ gọi là bảng Xuân: “Chế khoa gặp hội tràng văn/ Vương, Kim cùng chiếm bảng Xuân một ngày”. Trong tác phẩm ít trường hợp dùng từ “Xuân” để chỉ mùa Xuân, như: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà Xuân sang”, “Lần lần ngày gió đêm trăng/ Thưa hồng rậm lục đã chừng Xuân qua”.

Trên đây là cảm nhận của hậu thế khi đọc Truyện Kiều, đặc biệt khi thưởng thức đến chữ “Xuân” đa nghĩa mà chỉ thiên tài Nguyễn Du mới sử dụng hoàn hảo. Nhân kỷ niệm 260 năm sinh của Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du (1765 - 2025), người đọc tiếp tục chiêm nghiệm tác phẩm Truyện Kiều đã 2 lần được tổ chức UNESCO vinh danh “Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất”. Nguyễn Du là người chứng minh “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Và cũng chính ông có công lớn khai thác, sử dụng thuần thục kho từ vựng tiếng Việt, một trong những yếu tố làm nên Truyện Kiều bất hủ.

N.R (Tổng hợp)