Tại Việt Nam, từ khóa "chữa lành" đang được nhiều người quan tâm và trở thành xu hướng trong những năm gần đây, đặc biệt đối với giới trẻ. Nắm bắt xu hướng này, nhiều tổ chức, cá nhân đã mở hàng loạt dịch vụ chữa lành.
Đủ lý do để... tổn thương
Là nhân viên bán hàng, áp lực về doanh số luôn khiến P.T.L. (25 tuổi) cảm thấy mệt mỏi. L. cho biết có những lúc muốn buông bỏ nhưng nhìn các bạn cùng trang lứa quanh mình thành công khi thường xuyên đăng tải đi du lịch, công việc kiếm được nhiều tiền khiến cô phải chấp nhận thực tại. Mong muốn bản thân được giải tỏa những mệt mỏi, lo lắng, chị L. đã tìm đến nhiều phương pháp chữa lành như thiền, đọc sách sale-help....
"Tôi xin nghỉ phép vài ngày để tham gia một vài buổi thiền, bỏ tiền đi du lịch ở những nơi tạo cảm giác hòa mình vào thiên nhiên. Thời điểm đầu tham gia tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm nhưng sau đó quay trở lại với công việc, tâm trạng tôi vẫn không thay đổi gì nhiều. Lúc đó, tôi cũng dự định sẽ đến gặp bác sĩ tâm lý nhưng nghĩ rằng có thể mình đang làm quá vấn đề, không đến mức phải vào bệnh viện thăm khám nên không đi. Cho đến cơ thể mệt mỏi, suy kiệt gây mất ngủ, lo âu nhiều tôi tìm đến các chuyên gia tâm lý để được điều trị" - chị L. chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ chọn cách đi du lịch để tìm sự cân bằng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thạc sĩ tâm lý Trần Văn Trọng - Khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) - cho biết trong quá trình thăm khám, trường hợp như chị L. tại bệnh viện thường xuyên bắt gặp.
Thạc sĩ Trọng cho biết thời gian gần đây, tại bệnh viện số người trẻ đến khám tăng gấp 2 lần so với trước. "Mỗi ca khám tâm lý thường rơi vào khoảng hơn 1 giờ, trung bình trước đây chỉ khoảng 1-2 ca/ngày nhưng hiện khoa tiếp nhận 5-6 ca/ngày. Song song đó, nhiều người bệnh còn đến khám tâm thần kinh với số lượng khoảng 30-40 ca/ngày. Những đối tượng này thông thường sẽ phải dùng thuốc vì bệnh liên quan đến thể chất như mất ngủ, suy kiệt…" - thạc sĩ Trọng chia sẻ.
Theo ông Trọng, Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa một con người khỏe mạnh là bao gồm khỏe về thể chất, tâm lý và xã hội. Nếu 1 trong 3 yếu tố trên gặp trục trặc thì được xem cá nhân đó không khỏe mạnh.
Trải qua dịch COVID-19 ngày càng có nhiều người hơn gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là các bạn trẻ. Theo tháp nhu cầu Maslow, con người có 5 nhu cầu chính gồm sinh lý (ăn, mặc, ở…), an toàn, xã hội, tôn trọng và thể hiện. Các thế hệ trước đây từ 7x, 8x thường nằm trong nhu cầu sinh lý vì đó là thời điểm khó khăn nên con người thường có xu hướng tâm lý bảo đảm được nhu cầu ăn, mặc, ở. Thông thường những thế hệ này họ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng dễ dàng vượt qua. Sau đó, đến thế hệ 9x, khi nhu cần ăn, mặc, ở được đáp ứng, họ có xu hướng tìm sự an toàn và cho đến thế hệ hiện tại 2x hay còn gọi là gen Z thì 2 nhu cầu trên đã được đáp ứng thì họ cần có sự yêu thương.
"Đặc biệt, với các bạn khoảng 24-25 tuổi đây là giai đoạn người trẻ mới trưởng thành, từ môi trường sinh viên, trở thành người đi làm sẽ phải đối mặt với khó khăn trong công việc, các mối quan hệ xã hội… nếu không vượt qua được sẽ khiến bản thân họ tổn thương" - thạc sĩ Trọng phân tích thêm.
Biết chấp nhận, vượt qua áp lực
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Tinh thần, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec - cho biết người trẻ hiện nay được tiếp cận nhiều thông tin hơn, được kỳ vọng nhiều hơn cùng với áp lực kinh tế thị trường và họ được tiếp cận nhiều thông tin hơn, giúp họ nhận diện vấn đề tâm lý. Bên cạnh đó, thời đại công nghệ nên chỉ cần một nhấp chuột họ cũng có thể nhìn thấy cuộc sống xa hoa của những bạn bè cùng trang lứa. Sau đó, họ tự so sánh cuộc đời mình, điều này khiến họ rơi vào căng thẳng, áp lực dẫn đến có xu hướng được chữa lành.
Thạc sĩ Trần Văn Trọng cho biết thực tế có nhiều người gặp vấn đề tâm lý và người ta không đến trung tâm để tham vấn nhưng họ vẫn vượt qua được.
"Đây là khả năng tự phục hồi của chính con người. Trong tâm lý, có thuộc tính là sự mềm dẻo và linh hoạt nên có tính tự chữa lành. Nhưng một số người không tự phục hồi được thì cần phải có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, không phải gặp vấn đề đến gặp chuyên gia hay tham gia các hoạt động chữa lành sẽ giải quyết được. Chính người bệnh phải biết chấp nhận đối mặt, vượt qua. Các chuyên gia sẽ là người nâng đỡ, đồng hành và hỗ trợ cho đến khi đạt được mục tiêu điều trị" - thạc sĩ Trọng cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa nhận định thêm chữa lành trở thành xu hướng có lợi hay hại tùy thuộc vào người tiếp cận, nếu tiếp cận thông tin chất lượng thì không vấn đề nhưng bên cạnh đó những thông tin sai lệch khiến bản thân người mắc bệnh chơi vơi. Vì vậy, nếu có những bất thường trong tâm lý thì cần đến gặp các chuyên gia tâm thần hoặc tâm lý gia để sớm giải quyết vấn đề của mình. Tránh thử nghiệm những phương pháp không phù hợp với bản thân.
Theo các chuyên gia, để tránh gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, cần thường luyện tập thể dục, thể thao như đi bộ, đánh cầu lông, bóng bàn; dành thời gian chăm sóc gia đình, người thân... bởi mục tiêu cuối cùng của "chữa lành" chính là cân bằng từ thể chất đến tâm thần, giúp con người cảm thấy bình an và hạnh phúc.
Nhận biết sớm các triệu chứng
Một số triệu chứng tâm thần cần nhận biết sớm: Thay đổi giấc ngủ hoặc khẩu vị; thay đổi tâm trạng cảm xúc lúc vui, lúc buồn đột ngột; thu mình với xã hội và không còn hứng thú với các thú vui trước đó; suy giảm chất lượng học tập, gặp khó khăn khi hoàn thành các công việc được giao; có cảm xúc suy nghĩ khác lạ, nghi ngờ mọi việc; nhạy cảm, kích động quá mức khi gặp những yếu tố bên ngoài tác động; thờ ơ với mọi hoạt động; sợ hãi, lo lắng quá mức; có ý nghĩ tự tử...
|
Theo HẢI YẾN (Báo NLĐ)