Chữa lành 'mạch máu Trái Đất'

02/02/2024 - 08:46

Nhiều vùng đất ngập nước trên thế giới đang bị suy thoái nghiêm trọng và cần được “giải cứu”. Đó là thực trạng đáng lo ngại của việc sử dụng những vùng đất đặc biệt này mà quên đi lợi ích lâu dài và xem nhẹ công tác bảo tồn vì phát triển bền vững.

Chú thích ảnh

Vùng nước bị ô nhiễm trên sông Yamuna ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Được xem là vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới, với diện tích hơn 12 triệu ha, Rio Negro ở Brazil bao gồm một số hệ sinh thái đặc biệt như rừng ngập nước đen, cùng sự đa dạng sinh học. Tuy nhiên, nhiều yếu tố đang đe dọa vùng đất ngập nước này, từ chuyển đổi đất đai và phát quang thảm thực vật, săn bắn và đánh cá không kiểm soát đến nạn khai thác trái phép khoáng sản quý.

Tình hình diễn ra tương tự đối với các vùng đất ngập nước khác trên thế giới. Những câu chuyện “bây giờ mới kể” về tình trạng đất ngập nước đang biến mất nhanh chóng ở ven biển bang Louisiana, Đông Nam nước Mỹ.  “Vùng đất ma” không thể hồi sinh đã trở thành biệt danh đối với đảo Isle de Jean Charle. Thực trạng các vùng đất ngập nước bị hủy hoại cũng đang xảy ra tại Canada – quốc gia chiếm 25% tổng diện tích đất ngập nước trên thế giới. Tại một số quốc gia Đông Nam Á, diện tích đất ngập nước đang dần nhường chỗ cho diện tích canh tác cây công nghiệp như dầu cọ.

Theo trang thông tin của Công ước Ramsar, hiện trên thế giới có hơn 2.400 khu Ramsar – vùng đất ngập nước có đủ điều kiện đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của một vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được quy định trong Công ước Ramsar. Tổng diện tích các vùng Ramsar trên thế giới khoảng 2,5 triệu km2, rộng hơn diện tích của Mexico.

Không chỉ là “cái nôi” của đa dạng sinh học, các vùng đất ngập nước trên thế giới còn được mệnh danh là những “người hùng thầm lặng” của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trước hết, đất ngập nước có khả năng dự trữ carbon, điều tiết nguồn nước, điều hòa khí hậu, hạn chế lũ lụt, là nơi lắng đọng phù sa, tham gia tích cực trong vòng tuần hoàn các chất dinh dưỡng của hệ sinh thái toàn cầu. Ngoài ra, đất ngập nước cung cấp nhiều nguồn lợi phục vụ phát triển nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là thủy sản, nông nghiệp và du lịch. Đó là lý do mà các vùng đất ngập nước được ví như “những mạch máu” của Trái Đất.

Thế nhưng, đất ngập nước nằm trong số những hệ sinh thái bị thu hẹp, suy thoái, ô nhiễm ở mức cao nhất kèm theo đó là tình trạng khai thác không hiệu quả.

Dữ liệu của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy, thế giới đang mất đi các vùng đất ngập nước nhanh hơn gấp 3 lần so với tốc độ mất rừng, và cũng là hệ sinh thái đang bị đe dọa nghiêm trọng nhất trên Trái Đất. Báo cáo mới nhất của tổ chức Global Wetland Outlook chỉ rõ diện tích vùng đất ngập nước tự nhiên bị sụt giảm thêm 35% trong giai đoạn từ năm 1970-2015. Theo Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), gần 90% diện tích vùng đất ngập nước trên thế giới đã bị suy thoái kể từ những năm 1970.
    Nguyên nhân làm suy giảm các vùng đất ngập nước gồm thay đổi chế độ thủy văn để phục vụ mục đích nông nghiệp, xây dựng, ô nhiễm, đánh bắt thủy sản và khai thác tài nguyên quá mức, sự xâm nhập của các loài ngoại lai cùng với tác động của biến đổi khí hậu.

Dự báo trong tương lai, sự thay đổi mục đích sử dụng đất sẽ tiếp tục gây ra tác động to lớn hoặc trầm trọng hơn đối với đất ngập nước. Các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra như hạn hán và lũ lụt diễn ra với tần suất và cường độ gia tăng cũng là nguyên nhân khiến các vùng đất ngập nước “bị xóa sổ” nhanh hơn. Khi đó, vai trò ngăn ngừa lũ lụt và hạn hán của vùng đất ngập nước cũng “biến mất”, khiến những vùng này trở thành “rốn lũ” hoặc bị “giặc lửa” tàn phá. Vòng luẩn quẩn này đang trở thành bài toán nan giải đối với nhiều quốc gia. Trở lại vùng đất ngập nước ven biển ở bang Louisiana của Mỹ, lũ lụt đã xảy ra với tần suất và mức độ nghiêm trọng hơn ở bang này trong những năm qua. Còn tại Canada, cháy rừng đã trở thành thảm họa thiên nhiên diễn ra thường xuyên hơn, gây thiệt hại to lớn về người và tài sản.

Vòng luẩn quẩn của việc vùng đất ngập nước biến mất, đe dọa sinh kế và thịnh vượng của con người, kéo theo tình trạng nghèo đói gia tăng là hệ quả của việc xem nhẹ vai trò của vùng đất ngập nước, coi đây chỉ là những vùng đất hoang phế, mà không phải là nguồn sống và thịnh vượng của người dân và là hệ sinh thái thiết yếu.

Trước thực trạng nói trên, Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2024 đã lấy chủ đề “Đất ngập nước và  phúc lợi cho con người” (Wetlands and human wellbeing), nhấn mạnh mối quan hệ giữa “sức khỏe” của các vùng đất ngập nước với lợi ích đem lại cho cộng đồng, đồng thời kêu gọi các nước tăng cường bảo vệ, bảo tồn những hệ sinh thái độc đáo và quan trọng này. Việc hưởng ứng ngày 2/2 hằng năm cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chương trình “Thập niên phục hồi hệ sinh thái” do LHQ phát động cho giai đoạn 2021-2030.

Khẳng định mối tương quan chặt chẽ giữa đất ngập nước và con người, bà Musonda Mumba – Tổng thư ký Công ước Ramsar nhấn mạnh: “Đất ngập nước là trung tâm thịnh vượng của con người”. Cho dù với vai trò bảo vệ con người trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hay là nguồn cung cấp thực phẩm, “sức khỏe” của đất ngập nước cũng là “sức khỏe” và sự thịnh vượng của con người.

Hưởng ứng lời kêu gọi “chữa lành mạch máu của Trái Đất”, nhiều nước trên thế giới đã và đang triển khai dự án khôi phục và bảo tồn diện tích đất ngập nước.

Là quốc gia thứ 50 trên thế giới và đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á chính thức tham gia Công ước Ramsar từ năm 1989, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản luật nhằm thực thi công ước, trong đó có “Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu bảo vệ “cái nôi” đa dạng sinh học.

Tại châu Âu, chương trình WaterLANDS trị giá 23,6 triệu euro (25,5 triệu USD) đang được triển khai nhằm khôi phục diện tích đất ngập nước trên toàn châu lục.

Mỹ cũng thực hiện một số dự án khôi phục vùng đất ngập nước ở bang ven biển Louisiana đang cần “giải cứu”. Trong đó, dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được triển khai vào tháng 8/2023 với tổng kinh phí khoảng 2,9 tỷ USD. Mục đích của dự án là chuyển dòng trầm tích miền Trung lưu vực Barataria, qua đó khôi phục một phần đất ngập nước và đầm lầy ven biển trên sông Mississippi.

Trước thực trạng mất tới 70% môi trường sống vùng đất ngập nước ở các khu vực phía Nam, Canada đưa ra mục tiêu “30x30”, trong đó cam kết bảo tồn 30% diện tích đất và nước và khôi phục 30% diện tích đất bị suy thoái vào năm 2030. Nỗ lực này của Canada đã bước đầu gặt hái thành quả. Hai loài chim quý hiếm ở châu Mỹ đã bất ngờ dừng chân tại vùng đất ngập nước gần thị trấn Sackville, đánh dấu sự hồi sinh cảnh quan vùng đất ngập nước. Thị trấn Sackville và vùng đất ngập nước gần đó hồi tháng 11/2022 được đưa vào danh sách các thành phố trên thế giới đi tiên phong trong bảo tồn và bảo vệ vùng đất ngập nước. Đây là giải thưởng mà Công ước Ramsar phát động từ năm 2015, nhằm khuyến khích những hành động cụ thể và thực chất về sử dụng bền vững và bảo vệ các vùng đất ngập nước ở đô thị.

Các thành phố khác cũng được ghi nhận trong danh sách này năm 2022 gồm thành phố Izumi và Niigata của Nhật Bản, Subaraya (Indonesia), Cape Town (Nam Phi)…

Tuy nhiên, trở lực chính vẫn là nguồn hỗ trợ tài chính, sáng kiến đổi mới, thiết lập mối quan hệ đối tác đầu tư “dám nghĩ dám làm” và hành động cụ thể của cộng đồng. Để giảm bớt rào cản, bà Inger Andersen – Giám đốc điều hành UNEP, cho biết cơ quan này đang phối hợp với các công ty công nghệ trí tuệ nhân tạo để cung cấp dữ liệu chính xác và cụ thể về các vùng đất ngập nước trên thế giới. Dữ liệu này sẽ giúp các nước và tổ chức vạch ra được các biện pháp can thiệp có trọng tâm, trọng điểm và sử dụng vốn tài trợ hiệu quả hơn.

Theo TTXVN