Lên nhậm chức trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19, sau đó là lạm phát kéo dài và những khó khăn trong chuỗi cung ứng, ông Biden đã gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục người dân Mỹ rằng ông đang làm rất tốt cương vị của mình.
Một cuộc thăm dò vào tháng 5 của hai tổ chức truyền thông báo chí lớn ABC News/Washington Post thậm chí còn cho thấy người tiền nhiệm thuộc đảng Cộng hòa Donald Trump, người cũng có khả năng là đối thủ tái đấu vào năm 2024, dẫn trước 18% về câu hỏi ai quản lý nền kinh tế tốt hơn.
Hi vọng lớn về "Bidenomics"
Và ông Biden đang rất muốn thay đổi điều đó. Trong tuần này, nhà lãnh đạo Mỹ muốn định hình lại chính sách kinh tế của mình trong bài phát biểu ở Chicago trong ngày thứ Tư. Và "Bidenomics" - chiến lược tranh cử lấy kinh tế là trọng tâm đang được ra đời, theo Phó Thư ký Báo chí Nhà Trắng Olivia Dalton. Với thông điệp này, Nhà Trắng hi vọng họ có thể lật ngược thế cờ.
Bà Dalton cho biết: "Bidenomics chính là từ khóa ngày, tuần, tháng và thậm chí cả năm nay của Nhà Trắng".
Tổng thống Biden tin rằng "Bidenomics" sẽ giúp ông chiến thắng trong cuộc bầu cử tới. Ảnh: CNA/AFP.
Chiến lược mới này có thể gợi nhắc tới "Reaganomics" – bản chiến lược nổi tiếng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Ronald Reagan những năm 1980. Lúc đó, ý tưởng về "lý thuyết kinh tế học nhỏ giọt" được một số người tin là đã giúp cho nền kinh tế Mỹ bùng nổ.
Lí thuyết lợi ích kinh tế nhỏ giọt tuyên bố rằng khi chính phủ giảm thuế và tạo ra lợi ích cho các doanh nghiệp và những người giàu có, thì những tác động tích cực sẽ được nhỏ giọt xuống các tầng lớp khác trong xã hội. Lí thuyết này ủng hộ cho việc giảm thuế hoặc tạo ra các lợi ích tài chính khác cho các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư và doanh nhân để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Và Nhà Trắng tin rằng "Bidenomics" sẽ có ảnh hưởng vượt trội hơn cả "Reaganomics". Lael Brainard, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, chia sẻ với các phóng viên: "Ông ấy (Biden) không còn thấy sự phù hợp của kinh tế học nhỏ giọt và chính phủ cần thay đổi hoàn toàn con đường cũ".
Thay vào đó, ông Biden sẽ củng cố "niềm tin rằng chúng ta chỉ tăng trưởng kinh tế khi chúng ta phát triển tầng lớp trung lưu", ông Dalton cho biết.
Đầu tư để hút đầu tư
Nhà lãnh đạo Mỹ tin rằng các chương trình chi tiêu khổng lồ của chính phủ được ban hành trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông sẽ kích thích tăng trưởng dài hạn, tái xây dựng năng lực sản xuất của Mỹ và nâng đỡ mạnh mẽ cho tầng lớp trung lưu.
AFP đánh giá rằng có thể thấy "Bidenomics" không chỉ là một chiến lược kinh tế, mà nếu nó phát huy hiệu quả, thì đây chính là một lộ trình chính trị tiềm năng để giành được sự ủng hộ của những khu vực cử tri thường dao động giữa hai Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử.
Trong bài phát biểu giới thiệu về Bidenomics tại bang Chicago, ông Biden cũng dự kiến chia sẻ về những chiến thắng ấn tượng trong cơ quan lập pháp của ông 2 năm qua.
Nhiều dự luật lớn được Quốc hội thông qua đã đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào công nghệ năng lượng xanh, chất bán dẫn và hơn 550 tỷ USD để cải tạo đường, cầu và cơ sở hạ tầng khác của nước Mỹ.
Nhà kinh tế Brainard đánh giá việc áp dụng lý thuyết học nhỏ giọt quá lâu đã khiến nhiều thành phố công nghiệp của Mỹ thoái trào khi các công ty đi thuê nhân lực giá rẻ hơn từ bên ngoài và từ bỏ các hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng đầy tham vọng.
Bà Brainard cũng cho rằng chính sách phát triển công nghiệp nặng mới của ông Biden, đang sử dụng tài trợ của chính phủ, sẽ là một chất xúc tác cho "sự bùng nổ chi tiêu của khu vực tư nhân trong xây dựng sản xuất."
Bà cũng kêu gọi tài trợ cho việc mở rộng internet băng thông rộng đến mọi ngóc ngách của nước Mỹ để có thể tạo tiếng vang như chương trình điện khí hóa hoành tráng của Franklin Roosevelt vào những năm 1930.
Dù vậy, liệu chiến lược này có giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri hay không còn là điều khó đoán. Các cuộc thăm dò cho thấy ông Biden vẫn nhận được sự ủng hộ vì tỷ lệ thất nghiệp thấp và nền kinh tế nhìn chung lạc quan. Tuy nhiên, lạm phát, mặc dù đã giảm chậm trong 11 tháng liên tiếp từ mức cao nhất sau đại dịch, vẫn là một mối lo ngại lớn của cử tri.
Bà Dalton nói rằng người Mỹ sắp nhìn nhận mọi thứ khác đi khi các dự án nằm trong chiến lược mới của ông Biden tài trợ được triển khai.
"Chúng ta đang thấy đầu tư tư nhân quay trở lại đất nước của chúng ta, chúng ta đang thấy hàng triệu việc làm được tạo ra. Với tất cả những thành tựu đó, bây giờ là lúc Tổng thống có thể gửi thông điệp tới người dân Mỹ và nói rằng đây là Bidenomics," bà Dalton nói.
Theo Tổ Quốc