Chuẩn bị cho con vào lớp 1

19/08/2020 - 05:30

 - Chuẩn bị cho con vào học lớp 1 luôn là nỗi lo của các bậc phụ huynh. Bởi ngoài việc chọn trường, các bậc cha mẹ còn quan tâm đến việc giúp con làm quen với chương trình giáo dục phổ thông mới, chuẩn bị tâm lý, ổn định nền nếp sinh hoạt, tăng tính tự lập hơn so với lứa tuổi mầm non.

Cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ đỡ bỡ ngỡ khi vào lớp 1

Thời điểm con còn nửa năm mới kết thúc bậc học mầm non, nhiều phụ huynh đã bắt đầu tìm hiểu về thông tin các trường học để tìm chọn cho con vào lớp 1. Trường có mô hình bán trú luôn là lựa chọn hàng đầu của các bậc phụ huynh. Bởi, đa số phụ huynh hiện nay sống theo kiểu "gia đình hạt nhân", cha mẹ đi làm ngày 2 buổi mà không có người thân hay ông bà ở cùng để phụ giúp đưa đón.

Anh Nguyễn Thanh Giang (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, An Giang) chia sẻ: “Qua tìm hiểu, tôi thấy, việc tìm được trường bán trú là rất khó, vì tỷ lệ tuyển sinh không cao nên đã chủ động cho con học trường quốc tế. Dù chi phí hơi cao nhưng con được học bán trú, vợ chồng tôi an tâm đi làm, không phải “chật vật” trong giờ giấc đưa đón con đi học”.

Một phụ huynh khác không có người phụ giúp đưa đón con nên đã chủ động tìm công việc linh hoạt hơn. Chị Ngọc Anh (ngụ khóm Bình Thới 3, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) cho hay: “Tôi đã tìm được công việc thoải mái có thể làm ở xưởng cũng có thể mang hàng về nhà nên có thể đưa đón khi con vào lớp 1. con học trường nào cũng được miễn là cha mẹ thuận tiện đưa đón, con học vừa sức, không bị áp lực trường chuyên, trường điểm”. Đó là câu chuyện về chọn trường, chọn lớp.

Còn câu chuyện về đổi mới chương trình giáo dục cũng được nhiều phụ huynh quan tâm. Chị Anh Thy (nhân viên ngân hàng ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cho hay: “Qua nghe các phương tiện thông tin đại chúng và bạn bè làm giáo viên, tôi biết được con mình vào lớp 1 cũng là năm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Mỗi trường sẽ lựa chọn 1 trong 5 bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Do vậy, đến thời điểm này tôi không thể hướng dẫn con nhiều, sợ con sẽ lẫn lộn giữa cách đọc chữ ráp vần của chương trình cũ và mới”.

Một số phụ huynh khác không quá lo lắng về chương trình học cho con mà tận dụng thời gian con nghỉ hè, cũng không đến các điểm giữ trẻ vì dịch bệnh COVID-19 để rèn luyện tính tự lập cho con khi vào lớp 1. Trên mạng xã hội facebook có hẳn Hội các mẹ có con chuẩn bị vào lớp 1, nơi đây các thành viên bày tỏ những băn khoăn và mong nhận được kinh nghiệm từ các mẹ khác. Đa số các bậc phụ huynh đều có chung sự lo lắng khi cho rằng, sự thay đổi môi trường từ lứa tuổi mầm non học ít chơi nhiều sang lớp 1 đa số là giờ học sẽ làm các con khó thích nghi.

Do vậy, ngay từ bây giờ các bậc cha mẹ cần rèn luyện cho trẻ khả năng tập trung, có thể bắt đầu bằng cách khuyến khích con thực hiện hoạt động trẻ yêu thích hoặc có năng khiếu trong thời gian ngắn và tùy vào sự thay đổi của trẻ sẽ tăng thời lượng. Khi việc ngồi học tập trung của trẻ thành thói quen, phụ huynh có thể thử đổi sang các hoạt động khác mang tính thử thách nhiều hơn.

Ngay từ năm cuối của bậc mầm non, ba mẹ hãy cùng con trò chuyện về các vấn đề liên quan tới trường mới, hoặc bạn có thể đăng ký cho con tới trường tham quan thực tế ngôi trường mới, cùng con khám phá trường, gặp gỡ giáo viên, tham quan sân chơi… chứ không nên dọa dẫm, khiến trẻ sợ học lớp 1.

Cùng với đó là ngay trong kỳ nghỉ hè trước khi vào lớp 1, ba mẹ hãy dành thời gian để rèn luyện cho trẻ về những kỹ năng sống tự lập như: dạy con tự thay quần áo hàng ngày, tự sắp xếp các dụng cụ học tập ngay ngắn vào balo, cách sử dụng và giữ gìn các dụng cụ này, tự thu xếp đồ chơi gọn gàng sau khi chơi xong, biết xin phép giáo viên (khi ở trong lớp học) và tự đi vệ sinh, tự xúc đồ ăn, ngủ sớm dậy sớm để không vội vã lo sợ trễ giờ đến lớp.

Khi ở môi trường mới, việc tiếp xúc với giáo viên và bạn bè hoàn toàn mới có thể sẽ khiến trẻ sợ hãi, không dám giao tiếp với mọi người. Kỹ năng giao tiếp kém khiến giáo viên không hiểu được những thắc mắc và vấn đề mà trẻ gặp phải để hướng dẫn hay giúp đỡ. Do đó, ba mẹ cần rèn luyện trước cho trẻ kỹ năng lắng nghe khi người khác nói, kỹ năng đặt câu hỏi và cách diễn đạt câu trả lời. Có được như vậy, các bé sẽ tự tin hòa nhập và dễ dàng tiếp thu những kiến thức, kỹ năng từ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG