Chuẩn bị cơ sở vật chất, sách giáo khoa cho năm học mới

16/08/2021 - 08:48

Nơi trường lớp kiên cố nhưng cũng có nơi phòng học còn mượn, tạm; có những học sinh với hành trang là sách giáo khoa (SGK) thơm mùi giấy mới, nhưng cũng có em không có điều kiện mua đủ SGK khi đến trường. Ðó là những vấn đề mà ngành giáo dục cùng các địa phương đang nỗ lực khắc phục, nhằm bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho học sinh bước vào năm học mới 2021 - 2022.

Mục tiêu mọi học sinh đều có SGK

Năm học 2021 - 2022, dự báo tỉnh Ðiện Biên có nhiều khó khăn hơn các năm học trước, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Do vậy, ngay khi kết thúc năm học 2020 - 2021, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Ðiện Biên đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo mua SGK bổ sung cho các cơ sở giáo dục; hướng dẫn phát động phong trào quyên góp, tặng lại SGK cũ. Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng Phòng GD và ÐT huyện biên giới Nậm Pồ cho biết: Năm học 2021 - 2022, trên địa bàn có 1.714 học sinh lớp 2 và hơn 1.400 học sinh lớp 6 phải mua SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng gần 70% số đó là con em hộ nghèo không có khả năng tự mua. Với quyết tâm tất cả học sinh đều có SGK, huyện đã trích từ nguồn ngân sách khoảng hai tỷ đồng hỗ trợ SGK cho học sinh. Ngoài ra, các trường cũng tuyên truyền, vận động và nhận được sự đồng thuận của tất cả phụ huynh, học sinh để lại SGK lớp 1 đã qua sử dụng nhưng còn tốt, cho học sinh năm học mới mượn. Cùng cách làm như huyện Nậm Pồ, Phòng GD và ÐT huyện Mường Nhé đã chỉ đạo các trường tiểu học, THCS triển khai chương trình "quyên góp sách cũ" để có thêm đầu sách hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn…

Không chỉ học sinh vùng khó khăn mà những học sinh có điều kiện thuận lợi, việc tiếp nhận SGK cũng không dễ dàng do tác động của dịch Covid-19. PGS, TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB Giáo dục) cho biết, lường trước tình thế khó khăn, NXB Giáo dục đã chủ động triển khai in sớm SGK các lớp theo chương trình hiện hành và bắt đầu phát hành từ tháng 3; SGK các lớp theo chương trình giáo dục phổ thông mới phát hành từ tháng 6. Tính đến giữa tháng 8, NXB Giáo dục đã phát hành khoảng 110 triệu bản SGK về các địa phương. Tuy nhiên, do nhiều tỉnh, thành phố đang áp dụng giãn cách xã hội cho nên việc vận chuyển sách tới tận tay học sinh gặp rất nhiều khó khăn. NXB Giáo dục đang nỗ lực phối hợp các đơn vị sớm khắc phục thực trạng này. "Chia sẻ với học sinh khó khăn, NXB Giáo dục cũng triển khai chương trình "Cùng tiếp bước em đến trường", trao tặng 50 nghìn bộ SGK cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ðến tháng 8 đã trao tặng được gần 19 nghìn bộ cho học sinh ở 26 tỉnh, thành phố và đang tiếp tục triển khai ở các địa phương còn lại" - PGS, TS Nguyễn Văn Tùng cho biết thêm.

Giáo viên và nhân dân thôn Trung Vàng Khổ, xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa (Ðiện Biên) dọn dẹp, chỉnh trang điểm trường trên địa bàn. Ảnh: LÊ LAN

Ngoài ra, Bộ GD và ÐT cũng có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên và phụ huynh trong tình hình dịch Covid-19. Bộ GD và ÐT đề nghị các đơn vị kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về kê khai giá, niêm yết, công khai thông tin về giá vật tư, thiết bị giáo dục, SGK trên địa bàn. Thực hiện hỗ trợ SGK cho học sinh, sinh viên theo quy định hiện hành và quan tâm, có chính sách đặc thù hỗ trợ SGK cho các học sinh thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo để bảo đảm tất cả học sinh có đủ SGK.

Thêm những trường lớp kiên cố

Cùng với SGK, cơ sở vật chất trường lớp học kiên cố, khang trang cũng là điều kiện thuận lợi trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà, huyện Ðan Phượng (Hà Nội) cho biết, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều công việc bị chậm lại nhưng 900 học sinh THCS trên địa bàn xã sẽ rất vui mừng đón năm học 2021 - 2022 tại ngôi trường xây mới vừa hoàn thành. Trường THCS Hồng Hà được xây dựng trên diện tích 15.000 m2 có đầy đủ 36 phòng học, phòng chức năng và nhà thi đấu, bể bơi… với tổng mức đầu tư 98 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Với nhiều trường học được xây mới, sửa chữa, theo Sở GD và ÐT Hà Nội, tính đến ngày 15/7, toàn thành phố có 573/754 trường tiểu học (76%), 507/642 trường THCS (79%), 90/227 trường THPT (39,6%) đạt trường chuẩn quốc gia là điều kiện thuận lợi cho năm học mới 2021 - 2022.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cơ sở vật chất trường lớp học cũng thuận lợi. Tại một số huyện vùng cao, biên giới tỉnh Ðiện Biên vẫn còn 1.981 phòng học bán kiên cố, 484 phòng học mượn, tạm và thiếu nhiều phòng học chức năng, thực hành, thí nghiệm. Ðể khắc phục khó khăn, Ðiện Biên đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị trường học. Ông Phạm Thiết Chùy, Phó Trưởng Phòng GD và ÐT huyện Mường Nhé cho biết, nhiều trường học trên địa bàn đã được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp từ nguồn ngân sách kết hợp nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân và nhân dân. Ðáng chú ý tại các xã: Nậm Kè, Quảng Lâm, Chung Chải, Mường Toong… từ cuối tháng 7, ban giám hiệu các trường, giáo viên, phụ huynh, đoàn viên, thanh niên xã đã góp nguyên vật liệu, công sức tu sửa phòng học tạm, mượn bảo đảm an toàn. Tại huyện Nậm Pồ, ngoài nguồn ngân sách còn kêu gọi xã hội hóa xây mới, sửa chữa tám phòng học, năm phòng công vụ… trị giá 1,6 tỷ đồng.

Hiện nhiều địa phương trên cả nước cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa trường lớp học, bảo đảm đủ cơ sở vật chất trước khi khai giảng năm học mới. Tại tỉnh Sơn La, ngay từ khi kết thúc năm học 2020 - 2021, Sở GD và ÐT đã yêu cầu phòng GD và ÐT các huyện, thành phố rà soát, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp. Ngoài các công trình mới, ngành chỉ đạo các trường quan tâm đến cảnh quan sư phạm, môi trường học tập như quét vôi, trang trí lại khuôn viên trường, tạo cảnh quan thoáng mát, sạch đẹp để đón học sinh vào năm học mới. Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 352 phòng học được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bổ sung từ nguồn vốn ngân sách và nguồn xã hội hóa. Cơ sở vật chất trường lớp học của Sơn La trong năm học mới cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, trong đó, cấp tiểu học đáp ứng đủ một phòng/lớp học; dạy học hai buổi/ngày. Còn tại tỉnh Bắc Giang, những cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19 đã được bàn giao lại cho các trường sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị; tổ chức khử khuẩn bảo đảm tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn trong năm học mới. Ðáng chú ý, nhiều địa phương đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy học trong điều kiện dịch bệnh như: tỉnh Bình Dương xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến trong hai tháng đầu năm học; tỉnh Cà Mau xây dựng kịch bản ba tình huống cho năm học mới gồm: không có dịch bệnh, có dịch và dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn...

Theo Bộ GD và ÐT, thời gian qua các địa phương đã tích cực sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh; chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện hiệu quả chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo quy định, trong đó tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình.

Theo Báo Nhân Dân

 

Liên kết hữu ích