Vươn lên từ khó khăn
Cô Tô là xã nằm ở phía Đông Nam của huyện Tri Tôn, diện tích tự nhiên 42,33km2, hiện có 2.805 hộ, với 11.232 nhân khẩu, gồm 6 ấp: Tô Bình, Tô Lợi, Tô An, Tô Phước, Huệ Đức và Sóc Triết. Cô Tô là 1 trong 5 xã có người dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer tập trung sinh sống đông nhất huyện Tri Tôn (hiện có 1.079 hộ, với 4.357 nhân khẩu Khmer, chiếm gần 39% dân số toàn xã). Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đồng bào Kinh và Khmer đã sát cánh cùng cách mạng, làm nên những chiến công oai hùng, góp công vào việc xã Cô Tô được công nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Cầu bắc qua kênh Huệ Đức, công trình lớn nhất trong số 16 cây cầu nông thôn do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động tài trợ
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, do sự tàn phá của chiến tranh, đời sống người dân Cô Tô còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đồng bào DTTS Khmer. Địa phương đã dựa vào lợi thế giao thông thuận tiện (kết nối thủy, bộ đến các vùng trung tâm của tỉnh An Giang cũng như Kiên Giang), nguồn tài nguyên khoáng sản đá phong phú, diện tích đất nông nghiệp rộng… để thúc đẩy sản xuất, phát triển giao thương, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư. Nhờ vậy, kinh tế dần phát triển, đời sống người dân được nâng lên, bộ mặt đô thị trung tâm xã Cô Tô và vùng nông thôn không ngừng đổi mới. Kinh tế xã Cô Tô phát triển theo hướng tăng tỷ trọng các ngành thuộc khu vực II (công nghiệp - xây dựng) và khu vực III (thương mại - dịch vụ), giảm tỷ trọng các ngành thuộc khu vực I (nông - lâm - thủy sản). Theo thống kê mới đây, trong số 7.869 người trong độ tuổi lao động toàn xã thì lao động phi nông nghiệp chiếm 71,7% (5.643 người). Giai đoạn 2016-2018, trong khi tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tri Tôn là 15,61% thì của xã Cô Tô thấp hơn (15,06%). Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cô Tô Nguyễn Văn Thái cho biết, đến cuối năm 2019, xã còn 345 hộ nghèo (chiếm 12,26%) và 260 hộ cận nghèo (chiếm 9,24% tổng số hộ). So bình quân của tỉnh, tỷ lệ này vẫn còn cao nhưng so với những xã có đông đồng bào DTTS Khmer của huyện Tri Tôn, đây là nỗ lực rất lớn.
Theo định hướng quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh An Giang, xã Cô Tô sẽ được xây dựng phát triển theo mô hình là một trong những đô thị vệ tinh nằm trong tiểu vùng phát triển kinh tế phía Tây của tỉnh, kết nối nước bạn Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Đô thị Cô Tô là 1 trong 3 đô thị của huyện Tri Tôn với tính chất là đô thị chuyên ngành cấp huyện. Với nhiều nỗ lực, xã Cô Tô đã được công nhận là đô thị loại V tại Quyết định số 3820/QĐ-UBND ngày 30-12-2016 của UBND tỉnh (dựa trên cơ sở các tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13).
Phát triển xứng tầm
Ông Nguyễn Văn Thái cho biết, xã Cô Tô đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận thị trấn Cô Tô (dự kiến giữa năm 2020). Theo đó, đây sẽ là đô thị trung tâm mới của huyện Tri Tôn có chức năng chủ yếu gắn với hoạt động công nghiệp tập trung, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và phát triển du lịch.
Trước khi được công nhận đô thị loại V, quá trình đô thị hóa của xã Cô Tô đã diễn ra nhanh chóng. Nhiều dự án, khu dân cư được đầu tư xây dựng, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, từng bước được nâng cao, công tác giảm nghèo đạt được kết quả khả quan, tỷ lệ hộ nghèo của xã ngày một giảm... Hiện trạng phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh đòi hỏi công tác quản lý phải thay đổi. Mô hình chính quyền xã như hiện nay không còn phù hợp, đòi hỏi phải thay bằng bộ máy hành chính thị trấn để tạo ra bước tiến mạnh mẽ hơn nữa, đưa xã Cô Tô trở thành điểm sáng trong chuỗi đô thị vệ tinh của tỉnh An Giang nói chung, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho huyện Tri Tôn nói riêng.
Việc thành lập thị trấn Cô Tô là phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính, các định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan theo Quyết định số 2274/QĐ-UBND ngày 27-12-2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh An Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xã Cô Tô có vị trí thuận lợi về giao thông vận tải đường bộ theo Tỉnh lộ 943 (kết nối Long Xuyên - Núi Sập - Óc Eo - Tri Tôn - Tịnh Biên), kết nối đường thủy theo kênh Huệ Đức, kênh Tri Tôn của huyện Tri Tôn với tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là đô thị có thế mạnh phát triển về giao thương kinh tế, văn hóa và du lịch. Theo ông Nguyễn Văn Thái, sắp tới đây, khi tuyến Tỉnh lộ 945 hoàn thành, đi ngang qua xã Cô Tô, địa phương sẽ là một trong những trung tâm kết nối từ tuyến Quốc lộ 91 (Châu Phú) qua Tịnh Biên, Tri Tôn, xuống đường vành đai ven biển Kiên Giang. “Đây sẽ là một trong những động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã Cô Tô phát triển” - ông Thái kỳ vọng.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cô Tô cho biết, cùng với chuẩn bị các điều kiện để được công nhận thị trấn Cô Tô, địa phương cũng đang tập trung cho các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 như: hoàn thành 5 trong số 16 cây cầu nông thôn do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động tài trợ; gắn trụ đèn led, hệ thống đèn hoa, hoàn thiện mặt bằng, trồng cây xanh ở công viên trước cổng UBND xã và cặp bờ kè kênh Huệ Đức; chỉnh trang đô thị… “Thời gian tới, địa phương sẽ nghiên cứu đề xuất xây dựng chợ đêm ở công viên bờ kè, phục vụ ẩm thực và nhu cầu mua sắm của người dân, du khách”- ông Thái thông tin.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN