Vượt khó, sáng tạo chữa cháy
Dịp lễ 30/4, 1/5 vừa qua, trong khi nhiều người tận dụng 5 ngày để vui vầy bên gia đình, du lịch thì ở huyện miền núi Tri Tôn (tỉnh An Giang), từ lãnh đạo huyện đến các xã, thị trấn có rừng, cùng nhiều lực lượng và người dân phải “vật lộn” với cháy rừng kéo dài ngần ấy thời gian.
Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Bé Tám cho biết, từ ngày 24/4 - 1/5, trên địa bàn huyện xảy ra 2 vụ cháy tại khu vực núi Dài (thuộc xã Lương Phi và thị trấn Ba Chúc); khu vực núi Tô (thuộc xã Núi Tô, An Tức, Ô Lâm). Tổng diện tích đám cháy gần 42ha.
Được tỉnh hỗ trợ, huyện đã huy động 1.656 lượt người tham gia chữa cháy. Nỗ lực chữa cháy rừng thành công của Tri Tôn có thể coi là “kỳ tích”, bởi có quá nhiều khó khăn phát sinh. Các đám cháy nằm trên vách núi cheo leo, không có lối mòn, nhiều lò ảng, khu vực đồi dốc rất khó tiếp cận, thiếu nước chữa cháy. Lực lượng còn ghi nhận 38 tiếng nổ lớn nhỏ, nghi do đầu đạn, vũ khí còn sót lại trong chiến tranh. Dù vậy, các lực lượng tham gia chữa cháy đều an toàn, chỉ có 4 người bị sốc nắng và 1 chiến sĩ bị bỏng nhẹ.
“Với tình hình nắng nóng, hanh khô, gió mạnh gây bùng phát cháy lớn, điều kiện chữa cháy khó khăn, nhiều người chứng kiến không tin là sẽ dập được lửa. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự cố gắng của các lực lượng, trong đó có những đồng chí xông pha, dũng cảm chữa cháy, huyện đã khống chế, dập tắt cháy thành công” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm thông tin.
Bài học “4 tại chỗ”
Là địa phương vùng Bảy Núi, có đặc điểm rừng đồi núi tương tự huyện Tri Tôn, lãnh đạo TX. Tịnh Biên cũng canh cánh nỗi lo trong mùa nắng nóng, khô hanh. “Thấy huyện Tri Tôn chữa cháy vất vả, chúng tôi vừa hỏi thăm, động viên, vừa tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng trên địa bàn. Hôm xảy ra cháy rừng nhỏ khu vực đồi núi, cũng may có flycam phát hiện lối mòn để lực lượng đi lên, tiếp cận dập tắt đám cháy” - Bí thư Thị ủy Tịnh Biên Nguyễn Hồng Đức chia sẻ.
Các lực lượng tích cực tham gia chữa cháy rừng
Lãnh đạo TX. Tịnh Biên đồng tình với đề xuất của huyện Tri Tôn, kiến nghị cần quy hoạch hệ thống trữ nước bảo vệ rừng đồi núi, với khoảng cách 100m có 1 bồn bê-tông, được kiểm tra, châm nước thường xuyên. Cùng với đó là xây dựng hệ thống đường cống trữ nước có nắp đậy, đồng thời là đường băng cản lửa khi phát sinh cháy rừng đồi núi.
“Quan trọng nhất vẫn là trang bị flycam xác định vị trí cháy, máy bay không người lái (drone) công suất phun nước lớn để hỗ trợ chữa cháy rừng, bởi có nhiều vị trí cháy rất khó tiếp cận” - đồng chí Nguyễn Hồng Đức đề xuất.
Bài học kinh nghiệm từ công tác chữa cháy rừng vừa qua của huyện Tri Tôn cho thấy phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) phát huy hiệu quả tối ưu. Trong đó, chỉ huy và lực lượng tại chỗ thì các địa phương luôn sẵn sàng, nhưng phương tiện, vật tư tại chỗ thì vẫn còn thiếu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, phải làm sao để không bị động khi xảy ra cháy. Bên cạnh tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong PCCCR, cần quy hoạch bảo vệ rừng tốt hơn (có đường lên, hệ thống trữ nước), trang bị phương tiện chữa cháy hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, trang bị an toàn cho lực lượng chữa cháy.
“UBND tỉnh đã giao các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất phương án rà phá bom, mìn, đầu đạn, vũ khí còn sót lại trong chiến tranh trên diện tích 473ha rừng, nhằm đảm bảo an toàn cho chủ rừng, người dân, lực lượng PCCCR, bởi tính mạng con người là trên hết” - đồng chí Lê Văn Phước thông tin.
Bảo vệ lâu dài
Trong chuyến khảo sát và làm việc mới đây, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đã ghi nhận, biểu dương lãnh đạo huyện Tri Tôn cùng các lực lượng vượt qua khó khăn, nguy hiểm, nỗ lực dập tắt đám cháy ngay trong thời gian nghỉ lễ. Điều đó thể hiện tinh thần, thái độ, trách nhiệm, có thêm sự sáng tạo trong điều kiện phương tiện chữa cháy còn thô sơ, thiếu nước, đồi dốc cao, nắng nóng, hanh khô.
“Tỉnh sẽ kịp thời khen thưởng, nhân rộng điển hình đối với tập thể, cá nhân xông pha, sáng tạo, tích cực tham gia chữa cháy rừng” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh.
Người đứng đầu tỉnh lưu ý sở, ngành, địa phương đúc kết hiệu quả chữa cháy rừng thời gian vừa qua, bổ sung vào kịch bản, phương án PCCCR phù hợp với điều kiện, tình hình hiện nay, dựa trên phương châm “4 tại chỗ”.
Huyện Tri Tôn đã nhanh chóng huy động lực lượng tại chỗ đến tăng cường, có mặt gần nhất và nhanh nhất để tiếp cận, chữa cháy. Công tác chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy kịp thời, quyết liệt ngay từ đầu, đảm bảo nhận định, đánh giá sát tình hình; huy động, bố trí lực lượng, phương tiện hợp lý; tổ chức xử lý tình huống và áp dụng biện pháp chữa cháy phù hợp; cung cấp hậu cần đầy đủ; thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt giữa sở chỉ huy với các lực lượng tham gia chữa cháy.
Khi “4 tại chỗ” được phát huy, cộng thêm công tác quy hoạch, bảo vệ rừng đồng bộ, trang bị hệ thống trữ nước, máy bơm, drone phun nước công suất lớn, kiểm soát rừng bằng flycam, công nghệ giám sát... sẽ tăng hiệu quả PCCCR về lâu dài.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, diện tích rừng của An Giang tuy không lớn, nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với phát triển du lịch, phục vụ quốc phòng - an ninh biên giới.
“Từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 32 vụ cháy trong phạm vi đất lâm nghiệp. Dự báo thời gian tới tình hình còn phức tạp, bởi vào mùa lễ hội, tăng lượng khách hành hương, trong khi nắng nóng kéo dài. Sở đang xin kinh phí khẩn cấp để nạo vét kênh, mương dẫn nước vào rừng tràm đồng bằng, trang bị thêm phương tiện chữa cháy; liên hệ đơn vị giới thiệu drone chữa cháy công suất lớn, có thể tiêu thụ 1.000 lít nước trong 20 phút; phối hợp đề xuất phương án rà phá bom, mìn, vũ khí còn sót lại trong rừng đồi núi” - ông Nguyễn Sĩ Lâm thông tin.
NGÔ CHUẨN