Ảnh minh họa
Chương trình "Bản hùng ca bất diệt" nhằm tri ân công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chương trình nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam, từ đó, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
"Bản hùng ca bất diệt" được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu, Truyền hình Điện Biên và các tỉnh, thành phố vào hồi 20 giờ ngày 19/7 với quy mô quốc gia. Điểm cầu chính của chương trình tại Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và điểm cầu tại Nghĩa trang liệt sĩ A1, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Chỉ đạo nghệ thuật chương trình là PGS.TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL. Các đơn vị thực hiện: Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, Công ty Cổ phần Đầu tư và Truyền thông Đông Nam.
Chương trình nghệ thuật có sự tham gia của các nghệ sĩ: NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Hoài Bắc, NSƯT Phạm Phương Thảo, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Việt Hoàn, Tùng Dương, Phạm Thu Hà, Trọng Tấn, Võ Hạ Trâm, Trương Quý Hải, Vương Long, Hữu Hiệp; Các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Dàn nhạc Dây sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Thiếu nhi Nhạc viện Hà Nội, Nhóm Thăng Long, Vũ đoàn Lavender cùng tập thể cựu chiến binh.
"Bản hùng ca bất diệt" gồm 3 chương. Chương 1 "Việt Nam máu và hoa" viết nên những tháng ngày bi tráng mà hào hùng của cả dân tộc. Hoa vẫn nở trên mảnh đất bị bom đạn cày xới như tình yêu vẫn nảy nở nơi xà lim khắc nghiệt, bạo tàn.
Chương 2 "Những cánh hoa bất tử" có nội dung: Chiến tranh không chỉ có đau thương khốc liệt thù hận, ở đó còn có nụ cười lạc quan, niềm tin, tình yêu, tình đồng đội. Nhà tù Côn Đảo đã được những người tù cộng sản biến thành trường học, “địa ngục trần gian” trở thành vườn ươm của các thế hệ cách mạng Việt Nam. Họ như những cánh hoa bất tử, trong ngục tù vẫn tỏa hương thơm, vẻ đẹp của người chiến sĩ.
Tại Nghĩa trang Hàng Dương sẽ có cuộc gặp gỡ với những cựu tù Côn Đảo nặng tình với hòn đảo này, sau ngày giải phóng đã chọn ở lại với những đồng chí, đồng đội đã nằm lại với cát biển. Tại Nghĩa trang liệt sĩ A1 (tỉnh Điện Biên) sẽ có cuộc giao lưu với những người lính Điện Biên trở về chiến trường xưa trong trận chiến “xóa đói giảm nghèo” để rồi viết tiếp bản hùng ca của đời mình và của đất nước.
Chương 3 "Khúc ca hòa bình" là xúc cảm của ngày hôm nay, sự trân trọng giá trị của độc lập tự do, là thông điệp về khát vọng hòa bình của Nhân dân Việt Nam…
Theo TT (Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)