Tiết mục nghệ thuật tại chương trình. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Những giai điệu hùng tráng của bài hát "Tiến quân ca" kết hợp với sự sâu lắng, thành kính của bài hát "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" qua sự thể hiện của nghệ sỹ ưu tú Đăng Dương và hợp ca nam nữ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cùng tốp múa đã mở đầu Chương trình giao lưu nghệ thuật “Sao Độc lập" diễn ra vào tối 18/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Chương trình được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Chương trình “Sao Độc lập” do Tạp chí Cộng sản, Bộ Thông tin và Truyền thông và thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức và được truyền hình trực tiếp trên Kênh 1 Đài Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam và phát trực tiếp trên Tạp chí Cộng sản điện tử.
Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, cùng các lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương, các bậc lão thành cách mạng tham dự chương trình.
Nhiều năm qua, "Sao Độc lập" đã trở thành một chương trình thường niên được đông đảo các lão thành cách mạng, nhân sỹ, trí thức cùng các đảng viên và quần chúng nhân dân đón chờ vào những ngày Thu tháng Tám. Tư tưởng và thông điệp xuyên suốt của chương trình qua nhiều năm là sự tôn vinh Tổ quốc, dân tộc cùng những giá trị trường tồn, bất diệt của một Việt Nam độc lập, tự chủ đang kiêu hãnh vươn lên trong vị thế và tiềm lực mới.
75 năm đã qua, nhưng cảm xúc về những ngày tháng Tám lịch sử vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Mỗi năm, ngày Tết Độc lập đến như nhắc nhở tất cả thế hệ người Việt Nam nhớ về những giá trị cao đẹp một giai đoạn lịch sử đã góp phần hun đúc thêm truyền thống của một dân tộc ngàn năm văn hiến dựng nước và giữ nước.
Chương trình có hai phần: Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta; Rạng danh Tổ quốc, cơ đồ Việt Nam với những phóng sự phản ánh câu chuyện về nhiều địa phương tiêu biểu trong Cách mạng Tháng Tám; những địa danh có ý nghĩa lịch sử quan trọng, gắn liền với Cách mạng Tháng Tám và ký ức của những cán bộ lão thành cách mạng từng tham gia khởi nghĩa ở các địa bàn đại diện cho ba miền Bắc-Trung-Nam; cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội cùng 4 ATK (an toàn khu) của Hà Nội...
Khán giả theo dõi chương trình đã nghe những chia sẻ của bác Lê Đức Vân, nguyên Ủy viên Ban Thanh vận Hà Nội (Trưởng ban liên lạc Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu), bác Đặng Minh Phương (nguyên Phó Bí thư Thanh niên cứu quốc huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên)... về những kỷ niệm, cảm xúc không thể quên, khoảnh khắc giành được chính quyền cũng như những lời nhắn nhủ tới thế hệ trẻ hôm nay hãy ra sức học tập, rèn luyện xây dựng đất nước.
Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tặng hoa các đồng chí lão thành cách mạng. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Đan xen trong chương trình là những ca khúc đi cùng năm tháng: “Bắc Sơn” của nhạc sỹ Văn Cao; “Cảm tử quân” của nhạc sỹ Hoàng Quý, “Du kích sông Thao” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận; "19 tháng 8" của nhạc sỹ Xuân Oanh; "Tự nguyện" của nhạc sỹ Trương Quốc Khánh... gợi nhớ về những tháng ngày lịch sử, những chặng đường, nỗ lực vươn lên của dân tộc, đã được các nghệ sỹ thể hiện công phu, mang đến khán giả tình yêu, niềm tự hào sâu sắc.
Nhân dịp này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã trao quà tri ân tặng các đồng chí lão thành cách mạng.
Theo QUỲNH HOA (Vietnam+)