Không phải Tết ngày nay mới tốn kém mà Tết xưa cũng nhiều thứ phải lo. Với tâm lý sau một năm tất bật với lúa, khoai, đậu, cà, ông cha ta luôn mong muốn được nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái vào dịp Tết. Do vậy, trong tâm tư của mỗi người, Tết là một điều rất hạnh phúc và ai ai cũng mong chờ. Thế nhưng, cùng với đó là nỗi lo sắm sửa quần, áo mới, quà biếu, mâm cỗ cho tươm tất trong 3 ngày Tết. Tết ngày nay, các gia đình không còn quá vất vả trong việc chuẩn bị vì mọi thứ đều có dịch vụ.
Từ dọn dẹp nhà cửa đến trang trí không gian xuân, cửa hàng thời trang phong phú, bánh mứt, thực phẩm làm sẵn đủ đầy... Do vậy, việc chi tiêu tăng vọt, gấp đôi, gấp ba những tháng bình thường là điều không thể tránh khỏi. Dẫu biết rằng mức thu nhập của các tầng lớp lao động và gánh nặng chi tiêu mỗi gia đình là khác nhau nhưng ông bà ta đã có câu “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Việc đáng chi cho gia đình để mang lại niềm vui ngày Tết thì vẫn nên chi, còn “vung tay quá trán”, sa đà vào mua sắm, tiệc tùng quá mức để qua Tết không còn tiền để tiêu là điều nên tránh.
Tết năm trước, do mải mê với hàng thời trang khuyến mãi, làm đẹp nên mỗi lần chị T.H (thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn) ra Long Xuyên lại mua về nhiều túi đồ nào là quần áo, giày dép, túi xách, các hóa đơn cộng lại lên đến 15 triệu đồng. Biết là nhiều nhưng chị tặc lưỡi đã là Tết thì phải sắm sửa. Đó là chưa kể tiền biếu cha mẹ 2 bên, quà Tết đi thăm hỏi người thân, bạn bè, chi phí đi lại, ăn uống mấy ngày Tết. Ngẫm lại thấy 2 vợ chồng làm quần quật suốt năm chỉ dư chút đỉnh mà đổ vào mua sắm thật lãng phí.
Rút kinh nghiệm, Tết năm nay chị H. đã lập danh sách gồm 2 cột: 1 bên là chi phí bắt buộc gồm tiền biếu cha mẹ, lì xì con cháu, chi phí trang hoàng nhà cửa, đi lại, mua sắm thực phẩm, hoa quả; 1 cột là các chi phí có thể cắt giảm như: tiền đi siêu thị mua các thứ không cần thiết, mua đủ số quần, áo Tết cho con và gia đình, lựa chọn địa điểm đi chơi gần...
Là nhân viên ngân hàng, trước đây mỗi mùa Tết đến, tiền thưởng của chị T. (TP. Long Xuyên) luôn là niềm mơ ước của nhiều người. Vậy mà, 2 năm gần đây, tiền thưởng Tết chỉ vọn vẻn là tháng lương “thứ 13”. Do là phụ nữ đơn thân nên mọi thứ trong gia đình từ vật dụng nhà cửa có hư hại đến tiền thuê nhà, tiền quần áo, tiền sữa, tiền trường cho con một mình chị phải cáng đáng. Tết đến, chị chỉ mua cho con ít quần áo mới, còn bản thân thì tranh thủ mua vài chiếc váy giảm giá.
Cánh đàn ông không quá đau đầu khi phải cầm tiền chi tiêu như chị em phụ nữ nhưng đã là trụ cột gia đình thì phải lo toan những khoản chi tiêu lớn. Đó là trả tiền vay ngân hàng xây nhà, sửa sang nhà cửa, mua sắm những trang thiết bị trong gia đình, phương tiện đi lại, điện thoại, máy tính... đảm bảo tiện nghi cho gia đình và phục vụ tốt cho công việc. Bên cạnh đó, còn là chi phí tiệc tùng, giao lưu với anh em, bạn bè trong những ngày Tết...
Nếu không tính toán chu đáo và kiềm chế trong vui chơi, có trường hợp Tết chưa hết mà tiền đã không còn. Đó là chưa kể thiếu những khoản không lường trước: tiền đóng phạt vì lỗi uống rượu, bia khi tham gia giao thông, viện phí do tai nạn giao thông hay ngộ độc thực phẩm ngày Tết...
Việc chi tiêu ngày Tết luôn là nỗi lo hàng đầu của các gia đình trong dịp Tết. Nhưng không vì thế mà các gia đình tự tạo áp lực và mang tâm lý nặng nề, than vãn cuối năm. Nếu biết vén khéo, các gia đình vẫn tạo nên một mùa xuân vui tươi, an toàn, tiết kiệm. Hãy nhìn đâu đó, vẫn còn biết bao người nghèo khó không biết hương xuân, trẻ em thiếu bộ áo quần, bánh kẹo ngày Tết để thấy rằng có tiền chi tiêu ngày Tết đã là hạnh phúc.
Người dân dễ rơi vào bẫy tiêu dùng cuối năm bởi hàng giảm giá.
Cần tiêu dùng hợp lý để đảm bảo niềm vui ngày xuân.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG