Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý thuế

29/08/2022 - 04:52

 - Thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2022 của Chính phủ, ngành thuế là một trong những đơn vị tiên phong, thông qua giao dịch giữa người nộp thuế với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.

Thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2, ngành Thuế đã triển khai và khuyến khích doanh nghiệp (DN) thực hiện hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy. Đây là tiền đề của việc triển khai thuế điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu và hiện đại hóa công tác quản lý thuế; xây dựng chương trình quản lý và cơ sở dữ liệu bằng hệ thống quản lý thống nhất từ Tổng cục Thuế đến cơ sở, từng bước triển khai giao dịch giữa cơ quan thuế và người nộp thuế bằng phương thức điện tử.

Với phương thức này, những thông tin, tài liệu của người nộp thuế được gửi đến cơ quan thuế nhanh chóng, bảo mật và chính xác, giảm thiểu tình trạng quá tải khi đến kỳ nộp hồ sơ khai thuế. Người nộp thuế có thể kiểm tra tính chính xác nghĩa vụ thuế của mình trên hệ thống quản lý thuế, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng về nghĩa vụ thuế.

Tổng cục Thuế đã triển khai mở rộng dịch vụ thuế điện tử (eTax) thay thế cho hệ thống khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử thông qua 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế trong cả nước. Hệ thống dịch vụ thuế điện tử eTax không chỉ đáp ứng hoàn toàn các chức năng của hệ thống khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử cũ, mà còn bổ sung nhiều tính năng mới thuận tiện hơn cho người nộp thuế.

Từ hệ thống này, người nộp thuế có thể tiếp cận và sử dụng tất cả ứng dụng trên hệ thống, chỉ với 1 lần đăng nhập có thể dễ dàng thực hiện đầy đủ các bước trong quy trình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, tra cứu thông tin hồ sơ nghĩa vụ thuế, tra cứu thông tin hồ sơ đã gửi đến cơ quan thuế, thông tin thông báo xử lý kết quả của hồ sơ thuế, thông tin số thuế phải nộp.

Một điểm nổi bật của hệ thống dịch vụ thuế điện tử là 1 DN ngoài 1 tài khoản chính của 1 mã số thuế, còn có nhiều tài khoản phụ khác cho các thành viên của DN (như: Giám đốc, kế toán trưởng, kế toán viên…) để đảm bảo kiểm soát một cách linh hoạt. Những tiện ích nêu trên cho thấy, tiến trình chuyển đổi số của ngành thuế từng bước thực hiện thủ tục hành chính bằng phương thức điện tử mức độ 3 và tiến tới hoàn chỉnh ở mức độ 4. Hệ thống dịch vụ thuế điện tử giúp người nộp thuế giảm bớt chi phí tuân thủ, thời gian cùng với nhiều loại chi phí khác, giúp cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thương mại số, đem lại mức độ an toàn và chính xác cao, khắc phục được rủi ro trong việc bảo quản, lưu trữ khi sử dụng chứng từ giấy như trước đây.

Đầu năm 2022, Tổng cục Thuế triển khai ứng dụng eTax Mobile đến hộ kinh doanh (theo phương pháp khoán) và cá nhân không kinh doanh khi có phát sinh nghĩa vụ nộp thuế. Đây là giao dịch bằng phương thức điện tử cuối cùng giữa cơ quan thuế và người nộp thuế để thực hiện khai thuế, nộp thuế; mở đầu thời kỳ giao dịch giữa người nộp thuế và cơ quan thuế ở mức độ 4, giúp đẩy mạnh thương mại điện tử, đẩy mạnh giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số; là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách thủ tục hành chính về quản lý thuế theo phương thức điện tử hiện đại, hiệu quả.

Hiện nay, Cục Thuế tỉnh An Giang tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phối hợp với các kênh truyền thông để người dân tiếp cận rộng rãi lợi ích của việc chuyển đổi phương thức giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức quản lý thu các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai, lệ phí trước bạ; phối hợp với ngân hàng thương mại thực hiện chủ trương “thanh toán không dùng tiền mặt”, thanh toán tiền thuế bằng phương tiện điện tử một cách nhanh chóng, với phương châm “nộp thuế bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu”.

Có thể thấy, thực hiện giao dịch theo phương thức điện tử mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với người dân, xã hội và cơ quan thuế. Người dân thực hiện nghĩa vụ thuế thuận lợi, giảm chi phí và có thể tra cứu, đối chiếu thông tin thuế, nên an tâm khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Đối với xã hội, giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân khi có nghĩa vụ thuế, giảm chi phí liên quan, giảm rủi ro trong việc bảo quản, lưu trữ chứng từ so với trước đây.

Việc thực hiện giao dịch theo phương thức điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng được cơ sở dữ liệu đầy đủ, góp phần thay đổi phương thức quản lý trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình nghiệp vụ theo hướng xử lý, kiểm soát dữ liệu tự động, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tiết kiệm chi phí… làm cho công tác quản lý thuế ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế. Góp phần quan trọng vào hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, là tiền đề để ngành thuế đạt được mục tiêu về chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất.

Đây là một trong những nội dung góp phần thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của cơ quan thuế trong giai đoạn 2021-2030. Việc triển khai thực hiện phương thức giao dịch điện tử theo chủ trương của Chính phủ đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nền kinh tế, thay đổi phương thức quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như người nộp thuế một cách hiệu quả.

TRẦN HOÀNG PHONG