Theo Sở GD&ĐT An Giang, toàn ngành tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học và kiểm tra, đánh giá. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu, kết nối liên thông dữ liệu ngành GD&ĐT và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Các trường chủ động đầu tư hạ tầng, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong quản lý dạy và học; sử dụng máy tính kết nối mạng Internet tốc độ cao phục vụ quản lý, báo cáo cấp trên, họp hội, cử giáo viên tham gia tập huấn sử dụng thiết bị dạy học do Sở GD&ĐT tổ chức; hỗ trợ giáo viên và học sinh truy cập Internet tìm kiếm tài liệu, trao đổi thông tin và dạy học trực tuyến.
Hiện nay, 100% trường học, phòng GD&ĐT, phòng, ban thuộc sở sử dụng hộp thư điện tử (angiang.gov.vn) trao đổi công vụ đúng theo hướng dẫn của UBND tỉnh; 100% đơn vị trường học đã được kết nối đường truyền Internet tốc độ cao; 100% thông tin, văn bản trên môi trường mạng qua hệ thống văn phòng điện tử đảm bảo được trao đổi kịp thời và thông suốt. Khai thác hiệu quả phần mềm quản lý thiết bị dạy học, phần mềm quản lý tài sản công, phối hợp tốt với các nhà cung cấp để sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ, phiếu liên lạc...
Ứng dụng công nghệ thông tin trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2024 - 2025
100% đơn vị sử dụng sổ điện tử để quản lý các loại tài sản, thiết bị. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng được quan tâm, đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học để hình thành sớm kỹ năng cần thiết cho thế hệ "công dân số".
Ngành khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu chung (http://csdl.moet.gov.vn) và các phần mềm quản lý khác, đảm bảo kết nối liên thông dữ liệu. 100% trường từ mầm non đến phổ thông sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành. Có 422 trường công lập (tỷ lệ 60,1%) sử dụng phần mềm quản lý giáo dục đã kết nối đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Có 477 trường phổ thông (tỷ lệ 92,4%) sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử, gồm: 267/307 trường tiểu học, 155/155 trường THCS, 54/54 trường THPT, 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên.
Việc triển khai dạy học theo hướng ứng dụng CNTT được các trường quan tâm đầu tư, thực hiện hiệu quả. Các trường tận dụng tối đa việc sử dụng phần mềm quản lý và giảng dạy. Hầu hết giáo viên đều ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Các trường bước đầu thực hiện việc kiểm tra đánh giá thông qua hệ thống mạng trực tuyến, trên 90% giáo viên ứng dụng tốt CNTT trong sử dụng phần mềm soạn đề, trộn đề trắc nghiệm và phần mềm dạy học hiệu quả; tạo hình vẽ, thí nghiệm mô phỏng, phim ảnh... đa dạng. Các tổ chuyên môn nghiên cứu phối hợp giữa việc dạy học trực tiếp và trực tuyến phù hợp theo từng giai đoạn cụ thể; kết hợp tốt giữa giao nhiệm vụ học tập cho học sinh khi dạy học trực tuyến, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Sở GD&ĐT đã cập nhật và rà soát danh sách học sinh lớp 12 thực hiện mã định danh, căn cước công dân tại đơn vị, kịp thời phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024 (tổng số 20.308 học sinh). Chỉ đạo các trường hướng dẫn, hỗ trợ trong quá trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn phần và một phần. Triển khai thực hiện việc hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường trên địa bàn tỉnh.
Điển hình là nhiều trường đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc tự đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục tại trường học. Theo hiệu trưởng các trường, qua kiểm định giúp công khai thông tin về chất lượng giáo dục của nhà trường. Đây là khâu quan trọng chuẩn bị cho việc đánh giá ngoài của Sở GD&ĐT trong giai đoạn tiếp theo…
Cùng với đó, Sở GD&ĐT An Giang đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tăng cường thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông". Sở GD&ĐT luôn quan tâm công khai minh bạch các hoạt động công vụ; chuẩn hóa đội ngũ về trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, nhận thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc trong hướng dẫn, xử lý hồ sơ cho người dân. Sở GD&ĐT phối hợp Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thực hiện giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" đúng với các tiêu chí: Chuyên nghiệp, thống nhất, thông suốt, công khai, dân chủ và trách nhiệm.
Đơn vị hợp đồng với Bưu điện tỉnh thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC đến tận nhà cho người dân; nhân viên bưu điện hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ TTHC và hỗ trợ, hướng dẫn người dân nhập hồ sơ trực tuyến.
Theo Sở GD&ĐT An Giang, nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng GD&ĐT”. Toàn ngành tăng cường chuyển đổi số, tạo lan tỏa và ứng dụng CNTT theo Đề án tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tăng cường đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức dạy học; thay đổi cách học của người học theo hướng đa dạng hóa hình thức học tập; kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; tăng cường kỹ năng thực hành, hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của người học; đẩy mạnh ứng dụng CNTT chuyển đổi số trong dạy và học.
HỮU HUYNH