Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, khá nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống mở cửa phục vụ xuyên Tết. Dư âm của Tết đến nay còn hiện hữu, khi một số hàng quán vẫn giữ giá bán khá cao, chưa trở lại mức bình thường. Chị Ngọc Lam (thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cho hay, hầu như các dịch vụ ăn uống thông thường đều tăng giá khá cao trong mấy ngày Tết.
Điển hình, hàng ngày 1 tô mì có giá 25.000 đồng, Tết đã nâng lên 40.000 đồng, dĩa cơm từ 23.000 đồng tăng lên 35.000 đồng; rau xanh tăng giá gấp đôi ngày thường; nước ngọt, nước lọc đóng chai ở các cửa hàng bán lẻ đều tăng giá mỗi nơi mỗi khác…
“Đành rằng Tết nhu cầu của người dân tăng cao, quán ăn uống phụ thu thêm để chi trả cho lao động, nhưng một số nơi định giá khó chấp nhận được. Đó là chưa kể ở những điểm du lịch, điểm tâm linh, hàng hóa mặc sức “hét giá”, phí giữ xe cao… người mua không có lựa chọn nào khác” - chị Lam chia sẻ.
Chợ truyền thống sớm mở bán trở lại sau vài ngày Tết, giá cả biến động nhẹ
Sau vài ngày nghỉ, nhiều chợ truyền thống đã sớm mở bán trở lại, trong đó, chỉ số ít mặt hàng giảm giá so với trước Tết, còn lại vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, đối với người đi chợ, giá cả trong tầm chấp nhận được, hàng hóa không khan hiếm, luôn đầy đủ, dồi dào.
Chị Bé Lài (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) ra chợ từ mùng 3 Tết, chủ yếu mua rau xanh, bởi đã quá ngán với thịt mỡ. Chị cho biết, giá các loại nông sản ngoài chợ chỉ biến động nhẹ, riêng các loại cá tăng khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg. Đơn cử trái khổ qua - nông sản “hot” trước Tết bán kèm chả cá tăng giá gấp đôi, gấp ba, nay đã trở lại 10.000 đồng/kg.
Suốt trong tháng Giêng, các thực phẩm phục vụ nhu cầu ăn chay, như: Rau, củ, nấm, đồ chay chế biến sẵn tiếp tục hút hàng. Đặc biệt với nấm rơm, nấm bào ngư, so cùng thời điểm rằm tháng Giêng năm ngoái, tiểu thương dự đoán có thể lên 100.000 - 180.000 đồng/kg. Dù giá thành cao nhưng hàng hóa không lo bị thiếu, nguồn cung luôn sẵn sàng.
Bên cạnh giá cả của hàng hóa thiết yếu, dịch vụ, người dân bắt đầu tính toán những khoản lo khác. Anh Tú Bình (quê tỉnh Đồng Tháp) làm nhân viên “sale” cho một công ty phân bón cho biết, trở lại làm việc, quán cơm phần quen thuộc anh thường ghé đã thông báo tăng giá 2.000 đồng/món, dù vài tháng cận Tết đã tăng giá 1 lần. Vài ngàn đồng không thành vấn đề, nhưng mỗi dịch vụ, sản phẩm, chi phí khác đều tăng nhẹ, cộng dồn sẽ trở thành mối lo cho người có thu nhập không ổn định.
“Nơi tôi thuê trọ có đủ thành phần lao động, từ viên chức, công nhân, đến dân buôn bán, lao động tự do, sinh viên… 8 năm nay, như một mặc định, tôi đã quen với “điệp khúc” sau Tết là tăng nhiều thứ. Hiện nay, giá thuê phòng trọ cộng thêm 50.000 đồng/tháng, phí vệ sinh tăng thêm 5.000 đồng/tháng, wifi tăng thêm 10.000 đồng/tháng. Một số gia đình là công nhân đã cân nhắc dọn đi nơi khác thuê giá rẻ hơn.
Trong việc chi tiêu hàng ngày của họ, sự ưu tiên luôn tập trung vào con cái, nên mỗi cái tăng giá, những khoản còn lại lo cho trẻ học hành, ăn uống, vui chơi… đều theo đó tăng thêm. Tôi sống xa nhà, không biết rõ các khoản chi tiêu của người thân, nhưng nhìn vào người khác cũng biết bản thân cần gửi thêm một khoản để gia đình đủ trang trải” - anh Bình phân tích.
Ngày 15/2, giá xăng, dầu đã đồng loạt tăng trong kỳ điều hành ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Cụ thể, giá xăng thông dụng RON95 lên mức gần 24.000 đồng/lít. Anh Quốc Bảo (shipper tự do ở TP. Long Xuyên) cho biết, mấy năm nay anh và vợ chuyển từ làm công nhân sang giao hàng bằng xe gắn máy và xe tải nhỏ. Thu nhập lệ thuộc từng chuyến đi và đơn hàng thành công, khi chi phí nhiên liệu tăng cũng phải cân nhắc để báo giá với khách, đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh với những shipper khác. Thậm chí, cao điểm trong những ngày Tết, khách đặt hàng thức ăn giao rất nhiều, một số cây xăng đã bán giá cao hơn ngày thường.
“Có những đơn hàng giao bằng xe gắn máy, phải quay lại 2 - 3 lần mới gặp được khách. Chỉ lo giá cả hàng hóa lần lượt tăng theo xăng, nhiều ngành nghề, trong đó có shipper chúng tôi lại ảnh hưởng như giai đoạn đầu năm ngoái” - anh Bảo bày tỏ.
Không chỉ có ngày Tết làm “dấu mốc”, nhiều người lao động lo lắng mỗi năm Nhà nước bàn chuyện tăng lương tối thiểu vùng, thì vật giá bên ngoài đã “chạy” trước đồng lương. Năm qua, giá cả nhiều mặt hàng, nguyên vật liệu đều tăng, với nhiều người, chỉ riêng chuyện tính toán chi tiêu phí sinh hoạt hàng tháng gói ghém vừa đủ với thu nhập cũng đủ đau đầu.
Trong khi đó, việc làm và thu nhập của người dân đều bị ảnh hưởng, buộc phải thắt chặt chi tiêu, làm thêm nhiều việc khác để trang trải. Không ai mong muốn có thêm những biến động mới khi đến Tết, nghỉ lễ, hay đợt tăng lương… để đời sống có điều kiện ổn định.
MỸ HẠNH