(Ảnh minh họa)
PGS, TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị Tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện nay nhiều phụ huynh đang hoang mang với dịch Adenovirus ở trẻ em. Khi thấy trẻ sốt, nhiều gia đình cho con đi khám, xét nghiệm virus Adeno và muốn nhập viện điều trị gây quá tải cả viện công và tư.
Chuyên gia này cũng đưa ra những thông tin khoa học để các bậc cha mẹ yên tâm chăm sóc trẻ khi nhiễm virus.
Biểu hiện và diễn biến bệnh khi nhiễm Adenovirus
Bác sĩ Tuấn cho biết, Adenovirus là loại virus có hơn 60 tuýp khác nhau, gây nhiễm trùng đường hô hấp giống như cảm cúm và gây viêm kết mạc. Bệnh gặp quanh năm, nhưng trội hơn vào các tháng cuối đông, mùa xuân và hè.
Bệnh lây truyền giữa người với người thông qua tiếp xúc giọt đường hô hấp hoặc tiếp xúc bề mặt có chứa virus. Virus có thể gây bệnh ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi (nhiều nhất ở trẻ 6 tháng đến 2 tuổi)
Biểu hiện của nhiễm adenovirus: Thời gian ủ bệnh: Khi trẻ tiếp xúc với virus có thời gian ủ bệnh từ 2 ngày đến 2 tuần.
Ở thời kỳ khởi phát, trẻ có triệu chứng toàn thân bao gồm biểu hiện giống cảm cúm (đau người, đau họng, chảy mũi, ho, sốt). Triệu chứng sốt với đặc điểm sốt cao, dùng thuốc hạ sốt khó hạ, sốt có thể kéo dài tới 5-7 ngày
Biểu hiện ở đường hô hấp chiếm chủ yếu viêm tai mũi họng, viêm thanh quản, nặng hơn có thể viêm tiểu phế quản, viêm phổi... biến chứng nặng ARDS.
Biểu hiện ngoài phổi: viêm kết mạc mắt, phát ban, nổi hạch, viêm dạ dày ruột. Có thể gặp viêm bàng quang chảy máu, viêm gan, viêm não… nhưng rất hiếm gặp.
Biến chứng sau nhiễm Adenovirus: nhiễm khuẩn nặng, bệnh phổi mãn, lồng ruột..
"Về diễn biến bệnh, đa số bệnh diễn biến nhẹ tự khỏi sau từ 1-2 tuần, trừ một số trường hợp có các biến chứng nặng như: viêm phổi, viêm gan, tổn thương đa cơ quan. Đặc biệt cần lưu ý những trẻ có nguy cơ nặng như trẻ có bệnh mãn tính, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, ung thư, sau ghép tạng, béo phì…", bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Điều trị triệu chứng là chủ yếu
Chuyên gia này cho biết, khi trẻ nhiễm Adenovirus, chủ yếu là chăm sóc và điều trị tại nhà do hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị triệu chứng và chăm sóc trẻ. Không tự ý sử dụng kháng sinh (trừ khi bác sĩ khám nghi trẻ có bội nhiễm vi khuẩn)
Nếu trẻ sốt dùng thuốc hạ sốt paracetamon (hapacol/efferalgan) liều 15mg/kg/lần cách 4-6h nếu trẻ sốt ≥ 38,5 độ (Lưu ý không dùng với các trẻ có bệnh gan mật). Hoặc Ibuprofen liều 7-8 mg/kg/lần nếu trẻ sốt ≥ 38,5 độ, cách 4-6 giờ nếu trẻ sốt lại ≥ 38,5 (Lưu ý không dùng khi trẻ có tiền sử giảm tiểu cầu hoặc nghi ngờ sốt xuất huyết). Nới rộng quần áo, nằm phòng thoáng mát
Bù nước điện giải cho trẻ, bảo đảm dinh dưỡng theo tuổi: cho trẻ uống thêm dịch, ăn lỏng ít một nhiều bữa. Nếu trẻ có ho có thể lựa chọn các thuốc ho thảo dược
Vệ sinh mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý: để trẻ nằm nghiêng nhỏ mỗi bên 1-2 giọt nước muối sinh lý, tự cuốn tăm bông như kén tằm vệ sinh mũi nhẹ nhàng cho mũi thông thoáng. Trẻ lớn có thể dùng nước muối dạng xịt.
Bảo đảm giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, người chăm sóc nên vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc trẻ
Thực hiện biện pháp tránh lây nhiễm: đeo khẩu trang khi đến có dịch hoặc đang mắc bệnh để tránh lây truyền và nhiễm bệnh.
Khi nào bạn nên cho con đến các cơ sở y tế khám
Khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau đây, các gia đình cần cho con đến khám tại các cơ sở y tế.
Đầu tiên là trẻ sốt cao, đặc biệt sốt ≥ 39,5 độ C, hạ sốt tích cực bằng các biện pháp (uống hạ sốt, mặc thoáng, chườm nước ấm) nhưng không hạ, hoặc sốt cao ≥ 5 ngày. Trẻ khó thở, thở nhanh, thở bất thường.
Trẻ có dấu hiệu mất nước: trẻ khát nước, môi se, mắt trũng, không có nước bọt tiểu ít (ít hơn 3 tã ướt trong khoảng thời gian 24 giờ). Trẻ không chịu chơi, ý thức thay đổi: quấy khóc khó dỗ, không tỉnh táo, li bì… Ngủ kém, đau ngực, ngoáy tai đau tai hoặc chảy dịch tai...
"Các phụ huynh không nên hốt hoảng sợ hãi tự ý cho con xét nghiệm Adeno để tránh lãng phí tiền bạc vì không giúp cho điều trị, việc chỉ định xét nghiệm sẽ do các bác sĩ thăm khám trẻ ra chỉ định phù hợp", bác sĩ Tuấn lưu ý.
Theo TRẦN LAM (Nhân Dân)