Chuyện khởi nghiệp của cô gái xứ núi

14/11/2018 - 05:20

 - Tận dụng những nguyên liệu rẻ tiền có sẵn, chị Huỳnh Thị Diễm (ấp An Nhơn, xã Lương Phi, Tri Tôn) đã tìm được hướng đi cho bản thân từ làm hàng gia công các sản phẩm từ lục bình, đệm bàng. Công việc không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bản thân mà còn góp phần giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ lúc nông nhàn.

Nhớ lại những ngày mới nhen nhóm ý tưởng, chị Diễm chia sẻ: “Trong một lần làm công tác Đoàn, tình nguyện vớt lục bình làm sạch môi trường tại xã Lê Trì (Tri Tôn), tôi thấy bà con nông dân mình hay sử dụng hóa chất để phun diệt lục bình, sau đó vớt lên để khơi thông các tuyến kênh, việc xử lý tốn nhiều công sức và gây ô nhiễm môi trường nước. Tôi quyết định tìm hiểu nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ để tận dụng nguồn lục bình tự nhiên, vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường, vừa tạo thêm công việc cho phụ nữ địa phương”.

Thế là chị Diễm tìm đến làng nghề làm thủ công mỹ nghệ lục bình nổi tiếng ở Vĩnh Long để học nghề. Bén duyên với công việc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, nghệ thuật và sáng tạo, Diễm nhanh chóng học được nghề và bắt đầu làm các sản phẩm khởi nghiệp thuộc dự án Simva (Chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam- Phần Lan). Các sản phẩm của Diễm được đánh giá cao và lọt vào “Top” 6 của dự án.

Các chị em làm các mặt hàng từ lục bình.

“Chính việc tham gia dự án đã tạo động lực cho tôi đi theo con đường làm đồ thủ công mỹ nghệ. Bởi dự án đã kết nối với các hợp tác xã, tổ hợp tác doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Vì thế, tôi đã trở về địa phương phối hợp với Hội Phụ nữ các xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú An Giang tổ chức các lớp dạy nghề, hướng dẫn chị em phụ nữ làm các mặt hàng gia công từ lục bình, đệm bàng, cọng dừa và cối. Đầu năm 2017 đến nay, tôi phối hợp các đơn vị hướng dẫn 11 lớp học nghề. Mỗi tổ học xong, các chị em sẽ liên kết lại thành tổ sản xuất.

Đến nay tôi đã liên kết bền vững với các chị em ở 5 tổ thuộc 5 xã: Lương Phi, Lương An Trà, Tân Tuyến, Tà Đảnh, Lê Trì. Những nguyên liệu từ lục bình phơi khô, khung sắt tạo kiểu dáng, chất sơn bảo quản đều được tôi cung cấp. Các chị chỉ gia công theo đơn đặt hàng mà tôi nhận từ công ty mang về phân phối cho các chị, tùy theo năng lực, làm vào lúc rảnh rỗi hay cả ngày, các chị có thể kiếm từ 30.000 đến 100.000 đồng/ngày”- chị Diễm cho biết.

Theo chị Diễm, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình là một trong những sản phẩm thân thiện với môi trường và được ưa chuộng từ các nước phương Tây hay Nhật Bản, Hàn Quốc. Do vậy, một số công ty ở Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long hay đặt hàng thô tại các hợp tác xã, tổ sản xuất ở nhiều nơi, sau đó mang về hoàn thiện các công đoạn khác.

Những sản phẩm được ưa chuộng nhất hiện nay là: thảm lục bình tròn 37cm dùng như khăn trải bàn ăn cá nhân tại nhà hàng, bình, lọ bằng lục bình để trang trí, vỏ xách, túi xách, vật dùng chứa đồ dùng thay cho đồ nhựa, các khay, vật dụng nhà bếp, phòng khách. Bên việc gia công, chị Diễm còn sáng tạo một số sản phẩm giới thiệu đến thị trường trong nước. Chẳng hạn như: túi xách, ba lô, túi đeo chéo, ví cầm tay, giỏ đi chợ, với nhiều kiểu dáng, hoa văn đẹp mắt… được trưng bày tại Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Ba lô thời trang từ đệm bàng.

“Từ việc giới thiệu nghề, đến đào tạo nghề, đặt hàng gia công thường xuyên đã tạo thu nhập ổn định và niềm tin cho người dân. Giờ đây, người dân đã dần chuyển đổi nhận thức không còn dùng hóa chất để phun xịt lục bình, thay vào đó là thu hoạch lục bình, cắt, sấy, phơi khô để tăng thêm thu nhập từ nguyên liệu và gia công. Với những hiệu quả tích cực đó, tôi mong muốn mở rộng công việc, đào tạo nghề cho chị em phụ nữ ở những vùng có nhiều nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường như: lục bình, cọng dừa, cối, để chị em phụ nữ nông thôn có thêm thu nhập” - chị Diễm chia sẻ.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG