1.Ông Đài thông tin: Các cao niên trong làng kể lại, đầm Bạch Thủy chính là một nhánh của sông Hồng xưa mà hình thành nên. Nguyên là nhánh của sông Hồng cũ, nên đầm hiện có diện tích hơn 100ha, là đầm lớn nhất huyện Tam Nông bây giờ. Với hơn 60ha sình lầy, còn lại là mặt nước, vì vậy từ xưa đến nay đầm Bạch Thủy chưa khi nào cạn. Tôi nghĩ nếu muốn cạn có khi phải huy động máy bơm bơm vài tháng thì may ra.
Ông Đài - “chúa đầm” Bạch Thủy, hào hứng kể lại những câu chuyện về con giải và nghề săn giải trên đầm của các cao niên thủa xưa.
Đưa đẩy câu chuyện rùa, ba ba, giải... sinh sống ở đây, ông Đài hào hứng: Tôi ở cạnh đầm từ nhỏ nên đã từng nhìn thấy loài này nằm trên bờ đầm khi đi thả trâu, đánh cá. Ông nội tôi cũng nhiều lần nhìn thấy loài này khi chúng lên nằm phơi nắng trên những vạt sình lầy. Ngày xưa, không có nghề đánh cá của cụ tôi ở đầm Bạch Thủy thì cả nhà không biết trông chờ vào gì để có cái ăn!
Mạch chuyện trở nên rõ ràng hơn, khi ông Đài nhớ lại những “cao nhân” đã từng đánh được loài giải nặng hàng tạ trên đầm Bạch Thủy. Ấy là bố con ông Nguyễn Văn Chuyển và Nguyễn Văn Minh (nay đã mất) ở khu 1, Thọ Văn bây giờ, khi đó nhà ngay sát mép đầm, chuyên nghề đánh cá kiếm sống. Ông Đài hồi tưởng: “Khi tôi tầm 6-7 tuổi, có lần ông Chuyển bắt được con giải nặng hơn 1 tạ (quãng những năm 1972-1973) đem trói gô chân, khênh từ thuyền lên bờ, rồi mổ chia phần ngay đầu cổng nhà. Thịt giải đỏ như thịt lợn. Tôi nhớ khi đó có người lấy cây sắt to như ngón cái, chọc vào đầu để cho giải thò đầu ra cắt tiết mà nó đau, thụt lại làm cho cây sắt cong vẹo lên”.
Ông Đài cho biết thêm: Không chỉ được ăn thịt mà chính ông đã từng được nếm thử trứng loài này khi mổ bụng. Nó to như trứng ngỗng, ăn nhạt và ram ráp chứ không thơm. Các bà đi cắt cỏ, làm lúa thời xưa vẫn hay nhìn thấy con giải to như cái thuyền, bò lên nằm phơi nắng bên rệ đầm. Không chỉ có giải, ba ba, rùa mà khu sình lầy rộng lớn còn có những con trăn to như lốp xe, nằm cuộn tròn, mốc thếch, nhiều người cũng đánh bẫy được!
Với diện tích hàng trăm ha mặt nước cùng nhiều khu vực sình lầy, đầm Bạch Thủy hiện còn ẩn chứa nhiều giống, loài quý như rùa, trăn, rắn...
2. Chuyện có loài giải từng sinh sống trên đầm Bạch Thuỷ và có nhiều người đã săn được như bố con ông Chuyển, ông Minh... ông Đài một lần nữa khẳng định: Dù chúng rất to, tầm 80-120kg/con, có thể kéo chân cả con trâu mộng hoặc nằm phơi nắng như cái thuyền câu lật úp trên rệ đầm, nhưng cũng là loài dễ bắt.
Ông Chuyển- người từng săn được hàng chục con khổng lồ, có cách “đánh” giải thành bí kíp, đó là chế lưỡi câu từ nan hoa xe đạp, mài sắc, cắt ngạnh sau đó móc mồi sống buộc vào dây; cứ 60-80cm lại buộc một lưỡi, lựa chỗ con giải hay xuất hiện thả câu giăng ngang. Loài này phàm ăn, có mồi là đến. Phát hiện giải cắn mồi, ông Chuyển sẽ lao thuyền ra, dùng cây gỗ có đầu nhọn, đâm nhiều nhát và chờ khi nó đuối sức mới kéo lên bờ. Có năm, ông Chuyển bắt được 2-3 con, toàn nặng hàng tạ. Dân ở quanh đầm Bạch Thủy đều rõ chuyện này.
Nối nghiệp cha, những năm 1974-1975 ông Minh - cũng làm nghề chài lưới trên đầm, dăm lần bắt được giải từ cách đánh của bố truyền lại, nhưng sau đó không câu được thêm con nào. Bắt được giải, bố con ông Chuyển đều mang lên bờ, mổ chia phần cho anh em, bà con như mổ lợn.
Anh Trương Xuân Hà, nhà cạnh đầm cũng góp chuyện, kể: “Em còn nhớ có lần nhìn thấy một cái đầu giải to như cái gáo múc nước, rõ hai hốc mắt, được đóng đinh, treo trên tường ở nhà một người dân gần đầm.! Đầm Bạch Thủy trăm năm nay vẫn chưa bao giờ cạn, có cạn thì cũng sâu tầm 4-5m nước nên không ai biết với diện tích hàng trăm ha như vậy dưới mặt nước còn có loài gì. Khu vực đầm lầy, rộng hơn 60ha như rừng U Minh với toàn bèo, lau, sậy, cỏ lác... vẫn còn nhiều trăn to, có con hàng mấy chục cân, ai không “cứng vía” đố dám bén mảng”.
“Có buổi gần trưa, đang nằm nhà, nghe tiếng la thất thanh của mấy bà làm đồng, chạy ra thấy bà nào bà nấy mặt thất thần. Hỏi ra mới biết, các bà tranh thủ đi cắt cỏ, dò dẫm ra xa, hoảng hồn thấy con trăn đen xì, to như cái lốp xe nằm phơi nắng trên bềnh mà không tin nổi mắt mình, thất thần la toáng lên trong nỗi khiếp sợ”- Hà kể thêm để minh chứng cho sự bí hiểm của đầm Bạch Thủy.
Còn anh Trần Văn Đồng - Cán bộ xã Thọ Văn xác nhận: “Em cũng đã nhiều lần nghe các cụ kể trước đầm Bạch Thủy nhiều giải và đã bắt được hàng chục con, con nào con đó như cái nong, mang về mổ chia khắp làng”.
Thu hoạch sen trên đầm mang lại nguồn lợi lớn cho người dân.
3.Hơn 20 năm nay, đầm Bạch Thủy do ông Đài quản lý. Mỗi năm gia đình ông thu tiền tỉ từ cá và sen. Ông Đài khẳng định: “Tôi đã đi hết đất Tam Nông và nhiều địa phương trong tỉnh, nhưng không xã nào có cái đầm đẹp và rộng thế này. Tôi đã từng có ý tưởng làm cáp treo nối từ đồi Đá Thùng (khu 5, xã Thọ Văn) sang khu 1 xã Hương Nộn (Tam Nông) để làm du lịch sinh thái nơi “sơn kỳ, thủy tú” này nhưng do không đủ lực nên đành chịu”. Trở lại câu chuyện săn con giải, để minh chứng thêm về những bí ẩn của đầm Bạch Thủy và những câu chuyện săn giải của cha ông xưa, ông thông tin: Vừa mới tháng 9 năm nay, một đoàn 4 người nước ngoài, được Trung tâm công nghệ và bảo tồn thiên nhiên, thuộc Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam (Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam) giới thiệu về đầm Bạch Thủy săn giải, sau khi có thông tin nơi đây loài này đã từng hiện diện. Họ đã đi thăm từng khu vực và lắp đặt 18 bộ bẫy ảnh, nhằm bắt được hình ảnh hoặc những dấu hiệu có sự sinh tồn của con giải tại đầm Bạch Thủy. Bẫy được các chuyên gia cài dọc theo khu sình lầy, gồm máy ảnh và mồi sống... hướng từ phía Đông sang Nam đầm; 18 bẫy mới được thu về tuần trước để các chuyên gia nghiên cứu thêm.
Có một vẻ đẹp của mênh mông mặt nước và sơn thủy hữu tình, đầm Bạch Thủy rất có tiềm năng để làm du lịch sinh thái và thực tế cũng đã có nhiều nhà đầu tư về thăm để tìm hiểu với mục đích làm du lịch sinh thái. Đồng chí Nguyễn Cao Cường- Bí thư Đảng ủy xã Thọ Văn cho biết, hiện đã có quy hoạch cho khu vực đầm Bạch Thủy trở thành khu dịch vụ, sinh thái. Địa phương cũng mong muốn các nhà đầu tư sớm khảo sát, nghiên cứu và có phương án đầu tư hiệu quả, để biến nơi đây thành một khu sinh thái đẹp, hấp dẫn, phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội của địa phương nói riêng và huyện Tam Nông nói chung.
Săn giải- ngỡ truyền thuyết, mà là có thực, ở đầm Bạch Thủy. Việc các nhà khoa học đặt bẫy ảnh để thu thập thông tin cũng là chuyện có thật và không phải bỗng dưng họ tìm về. Chuyện có hay không chưa ngã ngũ, bởi sự kỳ bí của nơi này còn nhiều. Nhưng mong là, cùng với những câu chuyện hấp dẫn, Bạch Thủy sẽ dần thu hút được sự đầu tư, để nơi đây đẹp dần lên như cái tên từ xa xưa truyền lại.
Đầm Bạch Thủy có độ sâu trung bình từ 5-6m nước, trước đây vào mùa cạn, phải đứng lên lưng trâu mới lội được qua đầm. Theo người dân kể lại, khu vực xung quanh đầm khi xưa có nhiều thú rừng như lợn rừng, hươu, nai... ở các địa danh quanh vùng như rừng Cao Biền, đồi Lem, đồi Đá Đứng, Hố Gấu, Hố Chuối, Đá Thùng... Nhưng dần dà các loài thú này biến mất. Hiện đầm có rất nhiều rùa, ba ba, có cả rùa quý, ở khu vực sình lầy vẫn còn nhiều trăn rất to. Đặc biệt, có một khu vực gần khu Gò Mè, Vườn Cau nhìn xuống, tương truyền là có ngôi đình cũ đã ngập sâu trong nước, giờ lấy cây thăm vẫn thấy có dấu tích.
Theo Báo Phú Thọ