Chuyển tải tâm tư cử tri

22/01/2024 - 07:54

 - Thông qua hoạt động giám sát, chất vấn; đóng góp ý kiến quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tiếp xúc, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân… Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang tập trung chuyển tải tâm tư của cử tri, lãnh đạo tỉnh đến Quốc hội, Chính phủ, góp sức phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Phát hiện nhiều vướng mắc khi giám sát

Năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang tổ chức 3 cuộc giám sát kết hợp khảo sát theo ủy quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điển hình như giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” trên địa bàn tỉnh. Sau khi giám sát, khảo sát trực tiếp 4 đơn vị; giám sát qua văn bản 23 đơn vị, Đoàn ĐBQH kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương xem xét chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân khắc phục, tháo gỡ khó khăn, ổn định, duy trì phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh; sửa đổi, bổ sung quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong cơ sở y tế công lập, chế độ phụ cấp chống dịch… do các chế độ phụ cấp hiện hành không còn phù hợp; “giữ chân” nguồn nhân lực chất lượng cao trong cơ sở y tế công lập; sớm tháo gỡ vướng mắc trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị…

Hoạt động tiếp xúc cử tri được thực hiện định kỳ, hiệu quả

Khi giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang kiến nghị Quốc hội chỉ đạo Chính phủ, bộ, ngành Trung ương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản theo thẩm quyền, tạo hành lang pháp lý, tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực này. Cùng với đó, kiến nghị Trung ương xem xét ban hành chính sách hỗ trợ giá sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa bậc tiểu học phù hợp điều kiện kinh tế đa số người dân; quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho đối tượng yếu thế, vùng khó khăn; tăng cường bố trí nguồn lực hỗ trợ đầu tư thiết bị dạy học tối thiểu theo lộ trình thay sách giáo khoa....

Thực hiện quyền giám sát tối cao tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 5, 6 (Quốc hội khóa XV), 6 lượt ĐBQH tỉnh An Giang đăng ký chất vấn. Lĩnh vực tư pháp, đại biểu đề nghị tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh việc “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” dẫn đến tham nhũng. Lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, đề nghị nâng cao hơn nữa hiệu quả phân luồng học sinh, chủ động dự báo nhu cầu đào tạo nghề theo từng lĩnh vực, trình độ; sớm hoàn thành hồ sơ người có công.

Lĩnh vực dân tộc, đại biểu cho rằng, vẫn còn một số vướng mắc về hỗ trợ đất ở, nhà ở; hỗ trợ phát triển sản xuất chuỗi giá trị vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số… đề nghị cho biết giải pháp khắc phục. Lĩnh vực khoa học và công nghệ, đề nghị đánh giá về tiến độ, hiệu quả triển khai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cả nước, đặc biệt là khu vực ĐBSCL. Lĩnh vực ngân hàng, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội, việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Đóng góp vào việc hệ trọng của đất nước

Bằng tâm huyết, trách nhiệm, các ĐBQH đề xuất nhiều giải pháp mang tính trọng tâm, như: Chính phủ cần điều hành linh hoạt, tăng cường dự báo diễn biến tình hình thế giới, để định hướng về cơ chế, chính sách phù hợp, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội. Việc dự báo không chỉ là nêu vấn đề, mà cần phải có giải pháp phù hợp, thích ứng kịp thời khi tình hình chung thay đổi. Các vấn đề liên quan chính sách điều hành phải được nghiên cứu, xem xét điều chỉnh theo phiên họp của Chính phủ, nhằm đạt mục tiêu phát triển cao nhất. Cùng với đó, “hiến kế” đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải ngân nguồn vốn để thu hút đầu tư công, triển khai gói tín dụng ưu đãi kích cầu tiêu dùng nội địa…

“Nhìn chung, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang hoàn thành khá toàn diện chương trình công tác đề ra đầu năm, đảm bảo chất lượng, thể hiện trách nhiệm người đại biểu dân cử, tích cực nghiên cứu, phát biểu, đề xuất nhiều vấn đề mới, làm rõ nhiều vấn đề cử tri quan tâm, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri. Những kết quả này là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH tại phiên họp, kỳ họp, công tác lập pháp và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước. Các ĐBQH tham gia tích cực hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát, khảo sát, đóng góp ý kiến dự án luật, vận động an sinh xã hội; thẳng thắn, đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ sự phát triển của địa phương” - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh khẳng định.

Với nhiệm vụ đã được cử tri giao phó, năm 2024, từng vị ĐBQH nói riêng, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang nói chung tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Tổ chức hình thức lấy ý kiến phù hợp, đảm bảo chất lượng đối với các dự án luật, pháp lệnh; chú trọng giải pháp nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của đội ngũ chuyên gia trong xây dựng pháp luật.

Ngoài triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tại địa phương theo yêu cầu, đơn vị lựa chọn vấn đề, tổ chức giám sát, khảo sát theo chương trình riêng. Tiếp tục phối hợp tổ chức tốt đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7, 8; tăng cường tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng.

“Năm 2024, từng vị ĐBQH tiếp tục thực hiện tốt vai trò đại diện cho cử tri tỉnh An Giang, tham gia thảo luận, góp ý kiến tại các kỳ họp Quốc hội; tham gia tích cực công tác xã hội - từ thiện trên địa bàn tỉnh” - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh nhấn mạnh.

GIA KHÁNH