Cô giáo Đặng Thị Bích Huệ, giáo viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang giảng dạy trên lớp. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)
13 năm gắn bó với mảnh đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang là 13 năm cô giáo Đặng Thị Bích Huệ vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, dành cả tuổi thanh xuân, dồn bao tâm huyết để cống hiến cho nền giáo dục nghề nghiệp, thực hiện sứ mệnh cao cả "đưa đò," giúp nhiều lứa học sinh của Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang tới bến bờ tri thức.
Sinh ra và lớn lên tại Tuyên Quang, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), cô sinh viên trẻ Đặng Thị Bích Huệ, sinh năm 1985, đã theo tiếng gọi của tình yêu Tổ quốc, tình yêu đôi lứa để đến với Hà Giang.
Thấm thoắt đã 13 năm cô Huệ gắn bó với nơi này. Nhớ lại những ngày đầu đến vùng đất mới, cô bồi hồi: “Dù cũng sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi nhưng khi đến với Hà Giang lần đầu, đối với tôi thực sự có quá nhiều điều khác lạ. Ngoài việc lo lắng khi xa gia đình, điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở đây cũng khiến tôi mất một thời gian dài để làm quen."
Nhưng bấy nhiêu đó khó khăn cũng không làm cô gái trẻ chùn bước, nản lòng. Cô Đặng Thị Bích Huệ chia sẻ sự nhiệt tình, chất phác, thật thà, thân thiện, mến khách của con người Hà Giang có lẽ là liều thuốc tinh thần và là động lực giúp cô Huệ gắn bó, cống hiến cho mảnh đất này.
13 năm gắn bó với nghề, cô Huệ cũng trải qua đủ quá trình gian nan, vất vả, đủ cung bậc cảm xúc khi xác định gắn bó, cống hiến cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp nơi đây.
Cô nhớ lại từ lúc mới nhận công tác (năm 2009) cho tới giai đoạn năm 2017, 2018, việc thường xuyên đi công tác, giảng dạy ở các huyện, các xã khi con còn quá nhỏ cũng là trở ngại rất lớn. Khi ấy, trong mỗi chuyến công tác, ngoài việc chuẩn bị tư trang hành lý, sách vở, cô giáo trẻ còn phải mang theo đồ dùng cho con để hai mẹ con cùng lên đường. Giai đoạn đó, điều kiện còn khó khăn, nhiều điểm đường chưa được hoàn thiện đã phần nào khiến cô giáo trẻ cảm thấy chạnh lòng.
Vượt qua mọi nỗi khó khăn, sự tâm huyết, yêu nghề xuyên suốt hơn 10 năm qua luôn thôi thúc cô tìm tòi ra nhiều phương pháp giảng dạy mới, những cách làm hay, sáng tạo để phục vụ công tác đào tạo như giảng bài gắn thẻ, phương pháp dạy tích hợp…
Cô Đặng Thị Bích Huệ luôn tâm niệm ngôi trường cũng như ngôi nhà, học sinh, sinh viên cũng như những đứa con của mình, ngôi nhà có phát triển thì bản thân mới phát triển.
Với đặc thù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, hầu hết học sinh tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang là con em dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hưởng các chế độ chính sách xã hội, do vậy, không ít em khi mới đầu lên đây theo học còn mang tâm lý đi học để lấy trợ cấp.
Khi ấy, cô Đặng Thị Bích Huệ cùng các thầy, cô trong nhà trường ngoài việc truyền tải kiến thức cho các em, còn phải làm công tác tâm lý, tư tưởng, “truyền lửa” để các em nhận thức rõ ràng việc học.
Cô Huệ chia sẻ hầu như sau một kỳ học tập thực tế, được đưa đi thực tập, làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp theo đúng chuyên môn mình đã học, các em đều nhận thức được việc học thực chất, ham học hỏi hơn và yêu nghề hơn.
Em Trần Văn Quý, sinh viên lớp Cao đẳng Thú y K10, Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang chia sẻ: "Cô Đặng Thị Bích Huệ rất nhiệt tình trong việc truyền dạy các kiến thức cho chúng em. Ngoài những điều được học trên sách vở, chúng em còn được cô chia sẻ những kỹ năng sống bên ngoài, giúp chúng em tự tin hơn khi bước chân ra môi trường xã hội, môi trường làm việc."
Em Vàng Thị Việt, sinh viên lớp Cao đẳng Thú y K10, Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang bày tỏ: "Do đi học xa nhà nên nhiều lúc gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống, nơi em tìm lời khuyên, điểm tựa cho tâm lý luôn là cô Huệ. Ngoài việc có kiến thức chuyên môn sâu rộng, cô luôn giúp đỡ khi chúng em gặp khó khăn."
Bằng tình yêu nghề, lòng nhiệt huyết cống hiến cho mảnh đất Hà Giang, cô Đặng Thị Bích Huệ luôn tâm niệm phải cố gắng, cố gắng hơn nữa, trau dồi về kỹ năng, kiến thức để hoàn thiện bản thân. Sự ghi nhận những nỗ lực ấy được thể hiện rõ rệt bằng các giải thưởng, những tấm bằng khen.
Trong suốt quá trình công tác tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang, cô Huệ đã đạt được nhiều giải thưởng, thành tích nổi bật, đặc biệt.
Trong năm 2020, cô Huệ đạt giải nhất Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp cơ sở; năm 2021 đạt giải nhất Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh, giải nhì Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc.
Cô giáo Đặng Thị Bích Huệ, giáo viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang giảng dạy trên lớp. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)
Cũng trong năm này, cô Đặng Thị Bích Huệ vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bằng khen của tỉnh về những thành tích xuất sắc; năm 2022, cô Huệ đạt danh hiệu Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu toàn quốc…
Đánh giá về cô giáo Đặng Thị Bích Huệ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tuấn cho biết cô Huệ là giáo viên trẻ, rất nhiệt tình trong công tác giảng dạy, có chuyên môn vững vàng, đặc biệt là việc chú tâm trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng trong thực tiễn giảng dạy.
Qua các kỳ thi từ cấp cơ sở, cấp tỉnh cho tới cấp quốc gia, Ban Giám hiệu luôn đánh giá cao năng lực, khả năng cũng như sự nhiệt tình của cô Huệ. Là giáo viên nữ, cô Huệ luôn thân thiện, cởi mở, quan tâm giúp đỡ các đồng nghiệp, sống hài hòa với mọi người.
Đã và đang cống hiến cho mảnh đất Hà Giang thời gian dài, chắc chắn mảnh đất này sẽ còn níu chân người giáo viên ấy trong những năm tới.
Cô Đặng Thị Bích Huệ bày tỏ: “Tôi xác định đối với nghề này, mình sẽ luôn tâm huyết và có trách nhiệm với nghề, còn làm việc ngày nào thì sẽ cống hiến ngày đó cho ngôi trường cũng như cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp."
Vượt lên khó khăn, cô Đặng Thị Bích Huệ cũng như hàng trăm, hàng ngàn thầy, cô giáo khác đang công tác tại nơi địa đầu Tổ quốc Hà Giang vẫn hằng ngày gieo con chữ ở nơi “đá sỏi” này, vun trồng những “hạt giống” tương lai bằng tình yêu thương, trách nhiệm, kiến thức bổ ích./.
Theo Vietnam+