Chuyện về ông Mười Ly

25/07/2018 - 07:26

 - Trong kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, Bảy Núi trở thành địa bàn chiến lược của An Giang và vùng Tây Nam Bộ. Nơi diễn ra chiến tranh khốc liệt ấy đã sản sinh ra nhiều anh hùng, những chiến sĩ cách mạng kiên trung. Đồng chí Trần Thanh Quế (thường gọi Năm Hội, Mười Ly) là một trong số đó.

Tuổi trẻ, chí cao

Thời điểm đầu năm 1945, khi phong trào cách mạng ở miền Nam còn chưa thật sự mạnh mẽ thì chàng trai trẻ Trần Thanh Quế (sinh năm 1921) đã tình nguyện tham gia vào Đội Thanh niên Tiền Phong xã Lương Phi.

Cuối tháng 12-1945, ông được điều động về huyện giữ chức Ủy viên chính trị của Ủy ban Hành chính cách mạng lâm thời huyện Tri Tôn. Ông đi vào các phum, sóc, sống chung với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) Khmer, tích cực tuyên truyền đường lối cách mạng. Tháng 6-1947, ông chính thức thoát ly gia đình hoạt động cách mạng.

Tại căn cứ núi Tô, ông trực tiếp xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Tri Tôn, trừ gian, diệt ác, chống lại bọn tề xã. Đồng thời, tổ chức các lớp bình dân học vụ, vừa trực tiếp dạy chữ, vừa vận động ĐBDTTS Khmer ủng hộ cách mạng.

Lương Phi- vùng đất lưu dấu công lao của đồng chí Trần Thanh Quế

Ngày 6-1-1948, ông được giới thiệu đứng vào hàng ngũ của Đảng và ngay lập tức, đảm nhận vai trò Chủ tịch Mặt trận Việt Minh huyện Tri Tôn. Ngày 10-5-1948, ông nhận quyết định đảng viên chính thức. Lúc này, tình thế cách mạng gặp nhiều khó khăn do địch tăng cường quân số, trang bị vũ khí tối tân, đóng nhiều đồn bót quanh các khu căn cứ, bao vây càn quét.

Nhờ giỏi tiếng DTTS Khmer, ông đã thuyết phục được ĐBDTTS Khmer tin tưởng và ủng hộ cách mạng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo ở 2 huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, đồng thời, cảm hóa, dìu dắt nhiều thanh niên ĐBDTTS Khmer đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Thời kỳ 1949-1961, ông Trần Thanh Quế được giao nhiều trọng trách ở vùng Bảy Núi. Ông đã cùng với đồng chí Vũ Hồng Đức (Bí thư Huyện ủy) xây dựng lực lượng vũ trang với tên gọi “Quân đội Thất Sơn”, lập nhiều thành tích oai hùng.

Lưu dấu chiến công đồi Tức Dụp

Từ tháng 6-1963 đến tháng 1-1964, ông Trần Thanh Quế (Mười Ly) được giao nhiệm vụ Chính trị viên Huyện đội, Ủy viên Chính trị Liên chi huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, Phó Trưởng ban Căn cứ địa của tỉnh An Giang. Lúc này, địch tập trung xây dựng ấp chiến lược, đánh phá cách mạng dữ dội.

Ngày 18-9-1964, ông Mười Ly đã trực tiếp chỉ huy LLVT địa phương phối hợp với Tiểu đoàn 364 của tỉnh tổ chức trận phục kích địch từ căn cứ Ba Xoài hành quân chi viện cho ấp chiến lược Woat Lân (xã Lê Trì).

Kết quả, diệt được gần 200 tên, thu 70 súng các loại, cùng nhiều quân trang, quân dụng khác. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ông trực tiếp chỉ huy LLVT huyện và dân quân du kích các xã tập kích vào quận lỵ Tri Tôn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch, làm chủ quận lỵ hơn một ngày đêm, sau đó rút về núi Tô an toàn.

Dấu ấn lớn nhất của ông Mười Ly là trận chiến 128 ngày, đêm trên đồi Tức Dụp (từ ngày 18-11-1968 đến 25-3-1969). Trong tình thế bị địch bao vây, càn quét ngày đêm với đủ các loại vũ khí tối tân, đạn pháo, chất độc hóa học nhưng đêm 14-12-1968, ông Mười Ly vẫn bình tĩnh, linh hoạt, kịp thời chỉ huy lực lượng đặc công huyện (gồm 23 đồng chí) mở cuộc tấn công vào trung tâm quận lỵ Tri Tôn, diệt 75 tên, làm bị thương 30 tên, thu 3 khẩu súng. Chiến công này đã góp vào chiến thắng chung tại đồi Tức Dụp - biểu tượng tiêu biểu nhất về tinh thần đấu tranh của quân và dân An Giang.

Giữ vững niềm tin vào Đảng

Tinh thần này luôn được ông Mười Ly phát huy trong suốt sự nghiệp cách mạng, kể cả những lúc khó khăn nhất. Giai đoạn 1970-1972, khi đảm nhận vai trò Bí thư Huyện ủy Tri Tôn, rồi Tỉnh ủy viên - đặc trách Trưởng ban Vận động nông dân tỉnh Long Châu Hà, ông Mười Ly đã thường xuyên xuống địa bàn nông thôn bám dân, vận động đồng bào tích cực tăng gia sản xuất, ủng hộ lương thực cho cách mạng.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vùng Bảy Núi lại đối mặt với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam ác liệt. Với vai trò là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tri Tôn, ông Mười Ly đã xây dựng lực lượng dân quân du kích và tuyến phòng thủ ở khu vực biên giới, đánh trả, đẩy lui các cuộc tấn công lấn chiếm của quân Polpot, cùng với bộ đội Quân khu 9 và tỉnh giải phóng toàn tuyến biên giới của huyện. Sau đó, ông tiếp tục cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nhanh chóng ổn định đời sống, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, củng cố hệ thống chính trị…

Có thể nói, trong những lúc khó khăn, gian nan, nguy hiểm nhất, ông Mười Ly vẫn luôn nêu cao tinh thần quả cảm, không sợ hy sinh, kiên định giữ vững ngọn cờ cách mạng, vững tin vào chiến thắng cuối cùng của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Khí chất ấy xứng danh với một anh hùng…

Ông Trần Thanh Quế thường được biết đến với tên Mười Ly (1921-1983), quê quán xã Thuận Hưng (huyện Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá), trú quán xã Lương Phi (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Trong thời gian tham gia cách mạng, ông từng trải qua các chức vụ: Bí thư Huyện ủy kiêm Huyện đội chánh Huyện đội Tri Tôn (Chính trị viên), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long Châu Hà. Ông vừa được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Dự kiến, lễ truy tặng sẽ được UBND huyện Tri Tôn tổ chức vào chiều nay (25-7-2018).

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN