Du khách tham quan hải đăng Mũi Điện (Phú Yên). Ảnh: ĐỨC ANH
Coi trọng du lịch trong nước
Giai đoạn 2015 - 2019, Việt Nam chứng kiến những bước tăng trưởng thần tốc của ngành du lịch. Lượng khách quốc tế tăng gần 2,3 lần (từ 7,9 triệu lên 18 triệu lượt); lượng khách trong nước tăng 1,5 lần (từ 57 triệu lên 85 triệu lượt); tổng thu du lịch tăng 2,1 lần (từ 355 nghìn tỷ lên 755 nghìn tỷ đồng); năng lực cạnh tranh du lịch tăng 12 bậc (từ thứ 75 lên 63). Nhưng ngay sau những mốc tăng kỷ lục, đại dịch bùng phát khiến du lịch Việt Nam lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Từ tháng 3-2020, hoạt động đón khách quốc tế đã phải tạm dừng. Du lịch trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi thực hiện lệnh giãn cách xã hội tháng 4-2020, tiếp đó là đợt bùng phát dịch lần hai tháng 8-2020. Năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam dự báo giảm 80% so năm 2019, khách trong nước cũng giảm tới 50% bất chấp ngành du lịch đã nỗ lực thực hiện nhiều chương trình kích cầu lớn. 95% số doanh nghiệp lữ hành quốc tế buộc phải ngừng hoạt động, nhiều khách sạn đóng cửa, công suất sử dụng phòng của nhiều cơ sở lưu trú ở các thành phố lớn, khu du lịch chỉ đạt từ 10 - 15%...
Trước diễn biến dịch trên thế giới vẫn chưa thể kiểm soát, du lịch Việt Nam chỉ có thể trông chờ vào lượng khách trong nước để từng bước phục hồi. Thực tế này yêu cầu ngành du lịch cần nhìn nhận lại tầm quan trọng của du lịch trong nước đối với sự phát triển bền vững, khi mà thời gian qua, các chỉ số tăng trưởng khách quốc tế dường như được quan tâm nhiều hơn. Theo các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia có dân số đông và trẻ, nhu cầu được khám phá, trải nghiệm cao. Mỗi năm, có tới chín đến 10 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, cho nên đây là lượng khách tiềm năng cho du lịch trong nước. Phát triển du lịch trong nước đúng hướng sẽ mang đến nguồn thu ổn định, bền vững cho du lịch nói riêng và nhiều ngành khác nói chung, do tính liên ngành, liên vùng. Thống kê cơ cấu thị trường khách 5 năm qua cho thấy, lượng khách trong nước của nước ta chiếm tới hơn 80%, gấp gần năm lần so lượng khách quốc tế, nhưng tổng thu du lịch từ khách trong nước chỉ chiếm gần 45%. Ðiều này phần nào thể hiện du lịch Việt Nam vẫn chưa thật sự có những sản phẩm hấp dẫn để kích thích chi tiêu của du khách trong nước. Thêm nữa, du khách vẫn chỉ tập trung ở một số khu du lịch lớn, lượng khách không đều và ổn định vào các thời điểm trong năm. Thực trạng này đòi hỏi cần có giải pháp để tăng trưởng ổn định khách du lịch trong nước và phân bố cân đối ở các vùng miền. Tổng Giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng: Khi tất cả đều chuyển sang làm tua nội địa, du khách trong nước sẽ trở nên khắt khe hơn khi lựa chọn sản phẩm cũng như nhà cung cấp dịch vụ. Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu nữa mà quan trọng hơn là tính mới của sản phẩm, khả năng đem đến những trải nghiệm khác biệt cho du khách.
Ða dạng hóa thị trường du lịch quốc tế
Những năm qua, lượng khách quốc tế đến nước ta liên tục tăng song lại bộc lộ sự thiếu cân đối trong cơ cấu, khi mà thực tế có tới gần 70% tổng số khách đến từ thị trường Ðông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản). Khách đến từ châu Âu, châu Mỹ, châu Ðại dương chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn. Thực trạng này báo động sự phụ thuộc lớn của du lịch Việt Nam vào một số thị trường. Với vai trò chuyên gia nghiên cứu du lịch, bà Trần Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng: Du lịch là ngành nhạy cảm, dễ bị tổn thương bởi các yếu tố bên ngoài như thiên tai, dịch bệnh. Do đó, sự phụ thuộc vào một số thị trường chi phối là nguy hiểm bởi nếu có vấn đề gì xảy ra sẽ ảnh hưởng nặng nề đến du lịch Việt Nam.
Trên thực tế, có những thời điểm du lịch Việt Nam đã phải hứng chịu rủi ro trước sự sụt giảm đột ngột của khách du lịch Trung Quốc. Việc bị phụ thuộc vào một số thị trường cũng dẫn đến nguy cơ tăng trưởng "nóng" về du lịch, tạo sức ép lên cơ sở hạ tầng, nhân lực du lịch, bản sắc văn hóa địa phương; đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng chất lượng dịch vụ du lịch, thương hiệu du lịch quốc gia. Tình trạng xuất hiện hướng dẫn viên "chui" người nước ngoài, hay sự nhiễu loạn của những "tua du lịch 0 đồng" thời gian qua chính là hệ quả từ sự tăng trưởng nóng về lượng khách từ một số thị trường chi phối. Thêm nữa, đây là dòng khách có mức chi tiêu chưa cao, cho nên mới chỉ đưa du lịch Việt Nam tăng trưởng về số lượng mà chưa phải chất lượng. Theo thống kê, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019 tăng trung bình mỗi năm 22,7%, nhưng tổng thu từ khách du lịch quốc tế giai đoạn này chỉ tăng trung bình mỗi năm 20,9%. Thử lấy một thí dụ: Một du khách quốc tế bình quân lưu trú chín ngày và chi tiêu 1.565 USD cho một chuyến đi tại Thái-lan. Song ở Việt Nam, thời gian lưu trú trung bình của một khách du lịch quốc tế năm 2019 chỉ đạt 8,1 ngày và chi tiêu bình quân là 1.074 USD một chuyến đi. Những con số này cho thấy ở nhiều phân khúc, lượng khách tuy đông nhưng giá trị thu lại từ khách du lịch chưa cao. Ðây là vấn đề đòi hỏi toàn ngành phải có hướng đi để thu hút dòng khách có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, bảo đảm sự phát triển bền vững về chất cho du lịch Việt Nam.
Nhằm tìm lời giải cho bài toán mất cân đối trong cơ cấu khách du lịch, Tổng cục Du lịch vừa tổ chức Hội nghị Cơ cấu lại thị trường khách du lịch trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM - Hà Nội 2020. Theo Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu, để bảo đảm tăng trưởng ổn định cả khách du lịch trong nước và quốc tế trên cơ sở đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, ngành du lịch Việt Nam cần tập trung thực hiện năm nhóm giải pháp. Thứ nhất là nhóm giải pháp về phát triển sản phẩm du lịch. Cần tập trung nghiên cứu phân khúc khách du lịch có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, tăng lượng khách đến từ các thị trường còn chiếm tỷ lệ thấp như ASEAN, hoặc các thị trường xa như Tây Âu, Bắc Mỹ, khách từ các thị trường tiềm năng như Ấn Ðộ, Trung Ðông. Khuyến khích phát triển một số loại hình du lịch mà Việt Nam có lợi thế như: Du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE, du lịch văn hóa, thể thao. Với các thị trường có tỷ trọng cao về số lượng khách như Trung Quốc, Hàn Quốc, cần tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ khai thác các phân khúc khách thu nhập cao, có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày. Thứ hai là nhóm giải pháp về cơ chế chính sách. Cần tiếp tục tạo thông thoáng trong chính sách nhập cảnh, tăng khả năng tiếp cận điểm đến cho khách du lịch quốc tế ở các thị trường khách chất lượng cao, xem xét các loại thị thực du lịch từ dài ngày đến ba tháng. Thứ ba là nhóm giải pháp về xúc tiến, quảng bá. Cần tập trung quảng bá hình ảnh Việt Nam an toàn, thân thiện và hấp dẫn tới bạn bè, khách du lịch quốc tế; xóa bỏ tâm lý e ngại khi đi du lịch của khách trong nước, nhất là tập trung tiếp cận thị trường khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài chuyển hướng vào đi du lịch trong nước. Thứ tư là nhóm giải pháp về chuyển đổi số để phát triển các thị trường khách du lịch. Cần phối hợp các hãng công nghệ lớn trên thế giới để nghiên cứu thị trường và xây dựng cơ sở dữ liệu số về thị trường khách du lịch, có sự liên thông về cơ sở dữ liệu cũng như sản phẩm, dịch vụ du lịch từ trung ương đến địa phương; hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp du lịch nhanh chóng thực hiện việc chuyển đổi số trong kinh doanh du lịch. Thứ năm, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hướng đến cơ cấu thị trường mới, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh.
Theo TRANG ANH (Báo Nhân Dân)