Cô giáo Hà Ánh Phượng - niềm tự hào Việt Nam

22/03/2020 - 08:58

Được vinh danh là một trong 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu năm 2020, cô giáo Hà Ánh Phượng cùng học trò đã góp phần truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ trên hành trình khẳng định bản thân, cống hiến cho cộng đồng

Cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) vừa được Tổ chức Giáo dục Varkey Foundation vinh danh là một trong 50 giáo viên toàn cầu xuất sắc nhất năm 2020. Nói về niềm vinh hạnh này, cô giáo Phượng bộc bạch: "Dù thế nào thì tôi vẫn là một cô giáo đang gieo chữ ở một trường thuộc miền núi khó khăn của tỉnh Phú Thọ. Tôi cần nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người".

Từ chối thu nhập cao để làm giáo viên

Sinh ra từ vùng quê nghèo Yên Lập, một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, từ nhỏ, Hà Ánh Phượng đã ước mơ trở thành cô giáo. Ước mơ ấy của Phượng được bố mẹ hỗ trợ hết mình. Bố cô không ngại đi vài chục cây số chỉ để mua cho con một cuốn sách tham khảo. Cấp II theo học trường dân tộc nội trú huyện, cấp III học trường nội trú tỉnh, Phượng luôn quyết tâm để ước mơ trở thành hiện thực. Và nỗ lực được đền đáp. Năm 2009, Ánh Phượng đạt học bổng Hoa Trạng nguyên - giải thưởng dành cho thủ khoa tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp Tập đoàn Tân Tạo trao tặng. Năm 2011, cô là một trong 14 sinh viên châu Á đoạt học bổng tiềm năng lãnh đạo do Viện Giáo dục quốc tế Mỹ IIE trao tặng.

Vừa đi học vừa đi làm từ rất sớm, tốt nghiệp Trường Đại học Hà Nội với tấm bằng loại ưu, Hà Ánh Phượng được một công ty dược của Pakistan mời về làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên với mức lương hấp dẫn. Nhưng Phượng từ chối để tiếp tục học thạc sĩ ngành sư phạm tiếng Anh và nhận bằng năm 2016. Giấc mơ trở thành cô giáo của Phượng từ đây đã thành hiện thực. "Tôi muốn làm những điều mình thích" - cô Phượng nói nhẹ nhàng và ngắn gọn sau khi kể về thành tích học tập đáng nể của mình.

Cô giáo Hà Ánh Phượng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sống với đam mê

"Tôi được sống với đam mê, với những nhiệt huyết lan tỏa giá trị sống tốt đẹp trong cộng đồng, đến với đồng nghiệp, với các học sinh vùng cao khi bắt đầu làm việc tại Trường THPT Hương Cần" - cô Phượng kể. Với cô giáo trẻ này, bất cứ học sinh nào ở bất kỳ đâu cũng có thể thừa hưởng một nền giáo dục tốt nhất. Vì thế, bằng những kỹ năng có được khi học đại học, cô Phượng đã giúp học sinh của mình vượt qua khó khăn nhờ công nghệ.

Với ứng dụng Zoom và Skype, cô Phượng đưa học sinh của mình vào môi trường học tập không biên giới, khắc phục được những hạn chế của mô hình lớp học truyền thống. "Thật may mắn, lãnh đạo nhà trường rất ủng hộ tôi trong đổi mới cách dạy học. Trường hỗ trợ và quan tâm đến giáo viên, thậm chí khi tôi thiếu thiết bị, lãnh đạo trường sẵn sàng giúp đỡ" - cô Phượng cho hay.

Chỉ với một màn hình, một máy chiếu, học sinh của cô Phượng sau khi vượt qua những rụt rè ban đầu, giờ có thể tự tin thuyết trình, giao lưu văn hóa, giới thiệu di sản văn hóa thế giới như hát xoan đến học sinh các nước trên thế giới. Dù là học sinh ở một tỉnh vùng cao nhưng các học sinh của cô Phượng ở Trường THPT Hương Cần hoàn toàn tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh với bạn bè quốc tế. Những tiết học tiếng Anh của cô Phượng không còn nhàm chán và đáng ngại mà hết sức hấp dẫn; học sinh của cô được phát triển tất cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Các sáng kiến của cô Phượng cải thiện đáng kể năng lực ngoại ngữ cho học sinh, thể hiện rõ qua kết quả của các em trong kỳ thi THPT quốc gia.

"Tôi hiểu hơn về phần mềm Skype qua diễn đàn giáo dục ứng dụng toàn cầu của Microsoft, nơi quy tụ các nhà giáo dục thế giới ở nhiều bộ môn khác nhau. Nhờ đó, tôi có thể kết nối lớp học của mình với lớp học của các thầy cô giáo ở các quốc gia khác. Với tôi, Anh ngữ là sinh ngữ. Vì thế, việc tạo ra môi trường học ngoại ngữ sinh động, sáng tạo cho các em là rất quan trọng" - cô Hà Ánh Phượng chia sẻ về lớp học không biên giới của mình.

Đào tạo những công dân toàn cầu

Năng động và luôn đầy ắp các ý tưởng với mong muốn tốt nhất cho học sinh, cô giáo trẻ miền núi này tích cực tham gia vào các buổi phát triển chuyên môn trên phạm vi toàn cầu. Những diễn đàn kết nối là nơi cô giáo Hà Ánh Phượng tích cực lan tỏa và chia sẻ sáng kiến tới nhiều đồng nghiệp trên khắp mọi miền. Mô hình lớp học xuyên biên giới và các dự án quốc tế của cô đã đem học sinh dân tộc kết nối với quốc tế để trở thành những công dân toàn cầu, qua đó khẳng định thực tế giáo dục là không giới hạn.

Các tiết học sôi nổi của cô Phượng đã biến những học sinh dân tộc Mường nhút nhát, ngại giao tiếp trở thành những người tự tin, luôn sôi nổi, hào hứng. Từ huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, các học trò của cô Phượng có thể tự tin giới thiệu về những nét văn hóa đặc trưng của người Mường với các thầy cô và bạn bè người Mỹ qua buổi học trực tuyến ở hai đầu thế giới. Các học sinh cũng đã rất tự tin thuyết trình trong buổi báo cáo dự án "Say no to plastic straw" - "Nói không với ống hút nhựa" - trong một giờ học kết nối hơn 7 quốc gia tới từ 4 châu lục.

Trong tiết học này, các em đã mang đến những sản phẩm được làm từ chiếc ống hút tre và giới thiệu quy trình làm ra sản phẩm ấy để lan tỏa tới các bạn bè quốc tế.

Dự án quốc tế "Say no to plastic straw" của nhóm học sinh do cô Phượng hướng dẫn đạt top 150 sản phẩm xuất sắc nhất trong cuộc thi Dạy học sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ GD-ĐT phối hợp với Tập đoàn Microsoft tổ chức.

"Tôi nhận thấy sự tự tin, háo hức của các học trò trong các tiết học và tôi tin các em sẽ trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai. Giáo dục xuyên biên giới giờ đây thật sự dễ dàng với sự hỗ trợ của công nghệ" - cô Phượng hào hứng.

Niềm tự hào của ngành giáo dục

Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ đánh giá cao những nỗ lực sáng tạo của cô Hà Ánh Phượng và trao cho cô giấy khen trong phong trào thi đua "Đổi mới và sáng tạo trong dạy và học" năm 2019. Đầu năm 2020, cô Phượng tiếp tục nhận học bổng toàn phần của Bộ Ngoại giao Mỹ SEAYLP dành cho giáo viên và được công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo của Tập đoàn Microsoft (MIE Expert).

"Ngành giáo dục đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế, những tấm gương giáo viên nhiệt huyết, đam mê, mạnh dạn đổi mới, áp dụng công nghệ trong giảng dạy với mong muốn đưa học sinh Việt Nam trở thành những "công dân toàn cầu" như cô giáo Hà Ánh Phượng sẽ là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn cho học sinh, giáo viên trên khắp cả nước" - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ viết trong thư gửi cô Phượng.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng với việc đưa học sinh của mình tham gia vào các tiết học xuyên biên giới, giúp các em được tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiên, thành tích của cô Phượng không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của cá nhân cô, của ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ mà còn là niềm vui, niềm tự hào của ngành giáo dục cả nước.

Phát triển kênh YouTube dạy tiếng Anh miễn phí

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh phải nghỉ học dài ngày. Trước tình hình này, cô Hà Ánh Phượng cho biết ưu tiên trước mắt của cô là hỗ trợ học sinh luyện thi THPT quốc gia lớp 12 môn tiếng Anh bằng các bài giảng qua truyền hình, đồng thời lan tỏa việc dạy học gắn liền với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc qua các bài học và dự án của mình.

"Mô hình lớp học xuyên biên giới mới chỉ hỗ trợ được những học sinh trực tiếp tại lớp học nên thời gian tới, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để phát triển kênh YouTube cá nhân, từ đó dạy miễn phí cho học sinh cả nước, đặc biệt là học sinh lớp 12" - cô Phượng tâm sự.

Theo YẾN ANH (Người Lao động)