Hàng Việt Nam được bày bán tại Aeon Nhật Bản.
Việt Nam trở thành điểm đến
Bà Emmy Jørgensen, Chủ doanh nghiệp Scanesia AS (một trong những doanh nghiệp nhập khẩu hàng nông sản thực phẩm Á châu lớn nhất của Na Uy), cho biết, xu hướng mua sắm và tiêu dùng tại thị trường Na Uy sau đại dịch Covid-19 là thương mại điện tử tăng trưởng một cách chóng mặt. Người tiêu dùng cảm thấy mua sắm trực tuyến thuận tiện, dễ dàng, tiết kiệm thời gian, nhất là đối với gia đình có con nhỏ. Đây là lý do đã tăng cường nhập khẩu và bán hàng trong thời kỳ đại dịch và thậm chí còn nhiều hơn sau đại dịch.
“Chúng tôi đã mua hàng thực phẩm từ Việt Nam trong 10 năm qua. Nhưng trong 3 năm qua, chúng tôi đã tăng đáng kể các đơn đặt hàng từ Việt Nam vì sản phẩm của Việt Nam đã được cải tiến rất nhiều qua từng năm, từ việc thiết kế bao bì đến chất lượng sản phẩm”, bà Emmy Jørgensen đánh giá.
Khi tham gia Viet Nam International Sourcing 2023 do Bộ Công thương tổ chức vào tháng 9 tới, Scanesia AS mong muốn tìm được nguồn hàng chất lượng cao, giá cả phải chăng để cung ứng vào hệ thống phân phối của mình.
Cùng với Scanesia AS, đoàn doanh nghiệp đến từ Bắc Âu gồm 10 doanh nghiệp phân phối, logistics tham gia Viet Nam International Sourcing 2023 sẽ đến Việt Nam để tìm kiếm nguồn cung hàng hóa.
Bên cạnh đó, các đối tác mua hàng tiềm năng như IKEA, H&M dự kiến sẽ cử đại diện mua hàng của họ ở khu vực châu Á và ở Việt Nam tham dự sự kiện. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy,Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cho hay: “Các doanh nghiệp Thụy Điển mong muốn được gặp gỡ giao thương tại Triển lãm với các doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng cao, đã đạt các chứng chỉ quốc tế, ở các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh như thực phẩm, dệt may, giày dép, đồ thể thao, đồ gia dụng và nội thất...”.
Walmart là một trong rất nhiều tập đoàn lớn sẽ tham gia Viet Nam International Sourcing 2023, bên cạnh nhiều “gã khổng lồ” như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Amazon, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)…
Theo ông Nguyễn Đức Trọng - Trưởng Phòng cấp cao Phát triển nhà cung ứng khu vực châu Á, Tập đoàn Walmart, Việt Nam sẽ trở thành điểm sản xuất thuê bên ngoài (outsourcing) chính tại Đông Nam Á, châu Á của Tập đoàn. Đến năm 2027, dự kiến thị phần thu mua tại Việt Nam sẽ tăng lên không chỉ với các mặt hàng quần áo, giày dép, mà còn nhiều sản phẩm khác, không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, mà cả các công ty 100% vốn Việt Nam.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống của Walmart, với các sản phẩm chủ lực gồm hàng dệt may, đồ gia dụng, điện tử và thực phẩm chế biến sẵn.
Ông Avineesh Gupta, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách nguồn cung hàng dệt may và hàng tiêu dùng nhanh sẽ dẫn đầu đoàn của Walmart tham dự sự kiện nêu trên. 6 ngành hàng được nhà bán lẻ này tập trung thu mua gồm quần áo và phụ kiện; giày dép; hàng dệt may và phụ kiện; điện tử gia dụng, đồ nội thất; thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Vừa qua, Tập đoàn Aeon đã có buổi làm việc với ban tổ chức Viet Nam International Sourcing 2023. Tại buổi làm việc, Aeon cho biết sẽ huy động đông đảo đại diện mua hàng trong hệ thống, từ nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Malaysia sang Việt Nam để tham dự chuỗi sự kiện Viet Nam International Sourcing 2023.
Một số lĩnh vực mà Aeon mong muốn tìm đối tác thông qua chuỗi sự kiện này bao gồm: nông sản (bao gồm hàng tươi, sấy, hàng đông lạnh, hàng chế biến); các chế phẩm từ giấy (giấy vệ sinh, giấy ăn, giấy lau...); đồ dùng nhà bếp sản xuất từ nhựa; dép đi trong nhà...
Mục tiêu của đoàn thu mua là tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có năng lực và đáp ứng các tiêu chí, quy chuẩn của Aeon để trở thành đối tác cung ứng bền vững không chỉ tại Việt Nam, mà còn trong hệ thống Aeon TopValu toàn cầu. Đại diện các nhà mua hàng thuộc Aeon còn có các hoạt động đi thăm vùng nguyên liệu, vùng trồng, nhà máy sản xuất...
Theo Aeon, sự ổn định trong chuỗi cung ứng của Aeon trên toàn cầu những năm qua có sự góp sức của các nhà cung ứng tại Việt Nam. Tới đây, tập đoàn này sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có năng lực và đáp ứng các tiêu chí, quy chuẩn của Aeon để trở thành đối tác cung ứng bền vững không chỉ tại Việt Nam, mà còn trong hệ thống Aeon TopValu toàn cầu. Với nhóm hàng dệt may, Aeon chú trọng những sản phẩm may mặc có tính năng tích hợp, như chống tia UV, chống thấm nước...
Hàng Việt cần làm gì để thâm nhập vào chuỗi cung ứng nước ngoài?
Quảng bá hàng Việt Nam ra nước ngoài.
Cơ hội là có, song để hàng Việt chen chân vào chuỗi cung ứng nước ngoài không hề đơn giản. Bà Emmy Jørgensen chia sẻ, đối với Scanesia AS, yếu tố lựa chọn quan trọng nhất là chất lượng và giá cả cạnh tranh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần liên tục tiếp thị, quảng bá những sản phẩm mà mình có ra nước ngoài để xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Đối với “gã khổng lồ” Walmart, để có thể gia nhập vào chuỗi giá trị trị giá hàng tỷ USD của Walmart trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp trong nước cần đặc biệt chú trọng 3 vấn đề cốt lõi. Đó là: xây dựng chiến lược với mục tiêu dài hạn, giải pháp cho chuỗi cung ứng và logistics, năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, Walmart cũng chia sẻ những yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá nhà cung cấp tại Việt Nam là năng lực, khả năng cung ứng, sự ổn định về tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường.
Với tiêu chí phát triển bền vững, ông Shiotani, Tổng Giám đốc Công ty CP Aeon Topvalu Việt Nam kể câu chuyện về chuối tươi tại thị trường Nhật Bản. Theo đó, mỗi năm công ty này nhập hàng chục ngàn tấn chuối với kim ngạch lên tới 100 triệu USD, nhưng có đến 70% chuối đến từ thị trường Philippines. Lý do được đưa ra là sản lượng chuối tại đây khá ổn định về giá cả và chất lượng, nên cạnh tranh được với các thị trường khác.
Tuy vậy, từ năm 2018, Aeon ký kết biên bản ghi nhớ với Bộ Công thương, xuất khẩu chuối tươi từ Việt Nam sang Nhật bắt đầu được triển khai. Nhờ vị ngon hơn hẳn và phản hồi tích cực từ khách hàng, từ năm 2022 xuất khẩu chuối tươi sang Nhật tăng lên với tỷ trọng xuất khẩu chuối từ Việt Nam sang Nhật Bản chiếm hơn 50%.
"Việc lựa chọn nhà cung cấp dựa trên mô hình sản xuất tuần hoàn, có chu trình khép kín để tạo ra chuối tươi. Doanh nghiệp ngoài trồng chuối còn có hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản và chăn nuôi bò. Do vậy, những chất thải từ chăn nuôi được sử dụng để làm phân bón cho cây chuối và trái không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì làm thức ăn cho vật nuôi. Hầu như lượng chất thải bằng 0, nên đây là mô hình có thể nhân rộng", ông Shiotani nói.
Cũng theo ông Shiotani, cùng với chất lượng và giá cả, một trong những tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp vào các hệ thống phân phối nước ngoài đó là đáp ứng được yêu cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Viet Nam International Sourcing 2023 diễn ra từ ngày 13 đến 15/9/2023 tại TP Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.
Theo Nhân Dân