Cơ hội du học nghề “kép” tại Cộng hòa Liên bang Đức

22/03/2024 - 06:45

 - Mô hình đào tạo “nghề kép” của Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức đã được thế giới đánh giá cao. Với mô hình này, sinh viên sẽ được đào tạo từ 3 - 3,5 năm; với 30% thời gian học lý thuyết tại trường nghề và 70% thời gian thực hành tại doanh nghiệp. Chính vì người học được đào tạo tại 2 nơi, nên được gọi là “đào tạo kép”.

An Giang tỉnh có dân số hơn 1,9 triệu người, có nguồn lao động dồi dào và đa dạng. Toàn tỉnh có 714 trường học các cấp, gồm: 1 nhà trẻ, 197 trường mầm non, mẫu giáo (19 trường ngoài công lập); 307 trường tiểu học, 155 trường THCS, 54 trường THPT. Hàng năm, số thí sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng khoảng 62% trong tổng số thí sinh tốt nghiệp THPT.

Học sinh An Giang chịu khó, chăm chỉ trong học tập, có truyền thống thi cử nghiêm túc, rèn luyện đạo đức của bản thân tốt, chấp hành kỷ luật nhà trường, ý thức lao động tốt. Hoạt động giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của tỉnh nằm trong “tốp đầu” khu vực ĐBSCL về chất lượng giáo dục, hàng năm có nhiều học sinh đạt giải cấp quốc gia về các môn học, chất lượng dạy và học ngoại ngữ từng bước được nâng lên…  

An Giang rất quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ), nhất là đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Từ năm 2021 đến nay, đã có 1.114 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó thị trường Nhật Bản là 735 lao động.

Đại diện Tập đoàn đào tạo nghề xây dựng BIW khái quát chương trình du học nghề xây dựng tại Cộng hòa Liên bang Đức

Cùng với đó, hoạt động tư vấn du học trên địa bàn tỉnh còn mới, đặc biệt xuất hiện các công ty và văn phòng đại diện ở lĩnh vực này trong 3 năm gần đây. Tỉnh đã cấp phép hoạt động cho 11 đơn vị. Đến nay, hầu hết các đơn vị được cấp phép hoạt động theo đúng quy định của Chính phủ Việt Nam và chấp hành tốt sự quản lý của địa phương.

Vừa qua, Sở GD&ĐT An Giang làm việc với Tập đoàn Đào tạo nghề xây dựng BIW - CHLB Đức và Công ty Cổ phần Tổ chức giáo dục SHB (TP. Hồ Chí Minh), nhằm trao đổi phương án hợp tác triển khai du học nghề xây dựng tại Đức. Đồng thời, chia sẻ chương trình du học nghề xây dựng tại Đức với phụ huynh và 200 học sinh lớp 12. Trong khuôn khổ của buổi làm việc, Sở GD&ĐT An Giang cùng các sở, ngành liên quan được nghe giới thiệu về Công ty Cổ phần Tổ chức giáo dục SHB và đối tác là Tập đoàn đào tạo nghề xây dựng BIW- CHLB Đức; được nghe giới thiệu về chương trình du học nghề tại Đức, nhu cầu tuyển dụng của Tập đoàn BIW…

Theo Tập đoàn Đào tạo nghề xây dựng BIW (CHLB Đức), chương trình du học cao đẳng “nghề kép” tại CHLB Đức cho du học sinh Việt Nam nhằm trao cho du học sinh Việt Nam cơ hội được đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế và có thể định cư lâu dài ở Đức. Hoạt động này góp phần vào chương trình hợp tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa học sinh, sinh viên học tập, đào tạo nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm bền vững cho NLĐ.

Với chương trình đào tạo thực tế, học viên sau khi tốt nghiệp tại CHLB Đức đều có thể trở thành những lao động tay nghề cao trong lĩnh vực đào tạo của mình. Mặt khác, do tình trạng thiếu hụt nhân lực có tay nghề đang diễn ra ở Đức, nên ngay sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được ký hợp đồng làm việc từ 3 - 5 năm trở lên với các doanh nghiệp, tập đoàn tại CHLB Đức.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổ chức giáo dục SHB cho biết, học sinh du học ở Đức theo chương trình này với chi phí gần như bằng 0 và sẽ được nhận “lương” hỗ trợ, đây là chính sách đặc biệt của Chính phủ Đức về miễn học phí và doanh nghiệp trả một khoản lương học nghề thực hành (có quy định trong hợp đồng).

Để được thụ hưởng chính sách này, du học sinh phải cần học tiếng Đức và hoàn thiện các yêu cầu (sẽ được đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh và đóng các khoản phí tham gia) để đảm bảo thủ tục cần thiết, tham gia phỏng vấn của doanh nghiệp tuyển dụng… Hệ thống giáo dục “kép” của Đức (gắn đào tạo nghề với thực hành tại doanh nghiệp) được xem là một trong những chìa khóa tạo nên sức mạnh kinh tế của đất nước này. Với mô hình đào tạo “nghề kép”, học viên sẽ có 30% thời gian học lý thuyết tại trường nghề và 70% thời gian học thực hành tại doanh nghiệp…

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Nguyễn Quốc Khanh cho rằng, vấn đề ngành GD&ĐT và các ngành quan tâm nhất để cho hoạt động hợp tác triển khai du học nghề đạt hiệu quả là: Đối tác phối hợp để triển khai hoạt động này thực sự đáng tin cậy, mang lại hiệu quả, tạo niềm tin của học sinh và phụ huynh; khả năng đáp ứng của học sinh về ngôn ngữ Đức; chính sách an toàn, bảo hộ công dân Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại CHLB Đức và các chính sách kèm theo chương trình…

“Đây là thông tin tham khảo rất quan trọng. Sở GD&ĐT An Giang sẽ báo cáo kết quả làm việc với UBND tỉnh An Giang. Đồng thời mong muốn, Tập đoàn đào tạo nghề xây dựng BIW - CHLB Đức và Công ty Cổ phần Tổ chức giáo dục SHB sớm đăng ký làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh An Giang (nếu có nhu cầu hợp tác), nhằm cụ thể hóa các vấn đề liên quan việc hợp tác triển khai du học ngành nghề xây dựng tại CHLB Đức” - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Quốc Khanh nhấn mạnh.   

HỮU HUYNH