Thậm chí, nhiều doanh nghiệp thực phẩm có kết quả kinh doanh vượt trội nhờ linh hoạt và tận dụng được lợi thế sẵn có.
Thích ứng với dịch bệnh
Hàng hóa thiết yếu tại siêu thị Vinmart đa dạng. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Trong bối cảnh đại dịch diễn biễn phức tạp, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách, doanh nghiệp gặp khó thì vẫn có những doanh nghiệp thực phẩm vươn lên chiếm lĩnh thị phần, tăng trưởng lớn về doanh thu và lợi nhuận.
Có thể kể đến đại gia thực phẩm là Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN). Doanh nghiệp này có lợi thế rất lớn nhờ hệ sinh thái khép kín từ sản xuất đến phân phối. Nhờ vậy, ngay trong dịch bệnh, công ty vẫn linh hoạt thích ứng, nắm bắt cơ hội để vươn lên chiếm lĩnh thị phần, đạt được kết quả kinh doanh rất ấn tượng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan có doanh thu 41.898 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.396 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020, doanh nghiệp lỗ 162 tỷ đồng.
Tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp này chủ yếu đến từ Công ty cổ phần Masan MEATLife - công ty thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan với 9.635 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ và đóng góp hơn 23% tổng doanh thu.
Công ty Cổ phần Masan MEATLife là doanh nghiệp áp dụng nền tảng 3F “từ trang trại đến bàn ăn” với chuỗi giá trị tích hợp. Từ đó, cung cấp các sản phẩm thịt có thương hiệu, đảm bảo vệ sinh, truy xuất được nguồn gốc và giá cả hợp lý.
Dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát khiến nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội; trong đó, có TP Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội đã thúc đẩy nhu cầu về thực phẩm lên cao.
Các dòng sản phẩm mì gói hay snack đều được tiêu thụ mạnh giữa đại dịch. Với biên lợi nhuận cao, mảng này đóng góp đến 50% tổng lợi nhuận gộp của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan,với 4.553 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) kỳ vọng, kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm 2021 của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan sẽ khả quan hơn nửa đầu năm. Bởi, nhu cầu đối với các dòng sản phẩm doanh nghiệp này sản xuất đang tăng cao.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar World Panel, tỷ trọng tiêu dùng thực phẩm đóng gói đã tăng lên 35 % trong 2 tuần đầu tháng 7 vì hoạt động tích trữ và nhu cầu tăng khi các nhà hàng, quán ăn... phải đóng cửa. Người dân tích trữ thực phẩm tiện lợi như mỳ ăn liền và thịt chế biến. Nhu cầu đối với các sản phẩm gia vị cũng tăng do người dân nấu ăn tại nhà nhiều hơn.
Cuối tháng 7/2021, các nhà máy chế biến thịt sạch của Công ty cổ phần Masan MEATLife tăng công suất để đảm bảo cung cấp thực phẩm ổn định cho thị trường Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Công ty cổ phần Masan MEATLife cung ứng từ 100.000 - 150.000 hộp thịt mát MEATDeli/ngày, tương ứng từ 35-50 tấn thịt mát/ngày cho thị trường Tp. Hồ Chí Minh. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tăng gấp đôi sản lượng thịt cung cấp cho thị trường tại Hà Nội.
Để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan đang sở hữu trang trại nuôi lợn công nghệ cao tại Nghệ An với quy mô 250.000 lợn thịt/năm. Bên cạnh nguồn lợn tự cung cấp này, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan còn có các hợp đồng dài hạn đến cuối năm với các nhà cung cấp khác. Từ đó, đảm bảo cung cấp nguồn lợn sạch đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ hợp chế biến thịt MEATDeli Hà Nam và MEATDeli Sài Gòn. Doanh nghiệp cũng linh hoạt điều chuyển nguồn cung từ Bắc vào Nam và ngược lại.
Không có lợi thế lớn về kênh phân phối như Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (mã chứng khoán: KDC) đã linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, quản lý hiệu quả nguyên liệu đầu vào để giảm chi phí; tăng cường kết nối với siêu thị, cửa hàng tiện lợi để thích ứng với dịch bệnh.
Nhờ vậy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 đạt thu thuần 4.898 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: doanh thu thuần ngành dầu ăn tăng 36% và ngành hàng thực phẩm tăng 22%....
Lợi nhuận trước thuế đạt 342 tỷ đồng, tăng tới 86,89% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 351 tỷ đồng, tăng 163% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, dịch COVID-19 đã tạo ra thách thức lớn cho chuỗi cung ứng toàn cầu và vẫn còn tiếp diễn. Theo đó, giá nguyên liệu biến động mạnh và dịch cũng khiến thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi, chi tiêu hợp lý hơn và tăng mua qua kênh online.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO cho hay, đối với ngành dầu ăn và ngành kem, doanh nghiệp cũng đã cơ cấu và tăng dự trữ nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cho đến tháng 9 năm nay. Về khâu phân phối, KIDO đẩy mạnh kết nối với siêu thị để tăng bán cho người dân trong vùng dịch; thay đổi kích cỡ sản phẩm để người tiêu thụ có thể dùng lâu hơn. Điều này giúp độ phủ sản phẩm dầu ăn của tập đoàn tăng lên.
Với ngành kem, di dịch bệnh nhu cầu du lịch của người dân giảm khiến tiêu thụ kem ở các kênh truyền thống như địa điểm vui chơi, trường học gặp khó khăn. Để thích ứng, Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO đã nhanh chóng dịch chuyển kênh bán hàng về khu vực dân cư, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị…
Một số tập đoàn hiện cũng có tiềm lực mạnh đã tranh thủ cơ hội chiếm lĩnh thị phần như: Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát mới công bố, sản phẩm trứng gà của doanh nghiệp đã “phủ sóng” hầu hết hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội. Sản lượng trứng gà sạch của Hòa Phát hiện đạt 750.000 quả/ngày. Dự kiến đến cuối năm, Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát - Công ty con của Tập đoàn Hòa Phát sẽ gia tăng sản lượng lên từ 950.000 - 1.000.000 quả/ngày và giữ vững thị phần số 1 về sản lượng cung cấp trứng gà khu vực phía Bắc.
Sẽ tiếp tục tăng trưởng
Nhân viên siêu thị Co.op Mart Rạch Giá lựa chọn đồ cho khách đặt hàng trực tuyến. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự báo, tốc độ tăng chi tiêu thực phẩm bình quân hàng năm giai đoạn 2020-2024 có thể đạt 11,3%. Trong tương lai, người tiêu dùng sẽ tập trung vào các sản phẩm tốt cho sức khỏe như: trái cây, rau củ, các sản phẩm từ sữa…
Tiêu thụ thực phẩm sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ sức mua khu vực nông thôn tăng và mô hình bán lẻ tăng cường. Việc mở rộng liên tục của hệ thống bán lẻ tạp hóa đại chúng sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ thực phẩm bình quân đầu người tăng lên.
Các chuyên gia cho rằng, dịch COVID-19 vẫn tác động lớn và tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào chiến dịch tiêm ngừa. Dù vậy, ngành thực phẩm vẫn đang trên đà tăng trưởng.
Ngành dầu ăn vẫn còn dư địa tăng trưởng rất lớn vì bình quân mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ 11,3 kg/năm trong khi khuyến nghị theo chuẩn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 13 kg/năm. Ngành nước giải khát cũng được dự báo có quy mô 134.620 tỷ đồng, tăng 6% trong giai đoạn 2021-2023.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán SSI (SSI), trong đại dịch, danh mục sản phẩm đạt kết quả vượt trội là dầu ăn, thực phẩm ăn liền, gia vị, đường và chăm sóc cá nhân. SSI giả định rằng, Việt Nam sẽ đạt miễn dịch cộng đồng từ giữa năm 2022 và mở cửa trở lại tất cả các hoạt động dịch vụ sẽ mang đến kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng sẽ phục hồi.
Bên cạnh đó, đại dịch cũng thúc đẩy xu hướng chuyển dịch từ kênh thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các kênh mua sắm mới nổi như online, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tích cực.
Theo SSI, các công ty lớn trong ngành đã tăng thị phần trong giai đoạn dịch bệnh. Sức mua những sản phẩm thiết yếu như: sữa và các sản phẩm từ sữa, mỳ ăn liền và thực phẩm đông lạnh vẫn sẽ tăng trưởng hai chữ số trong 2021.
SSI ước tính, mức tăng trưởng cho ngành thực phẩm trong năm 2021 sẽ khoảng 15% so với năm 2020.
Dù được nhận định có nhiều dư địa tăng trưởng, nhưng trước mắt các doanh nghiệp ngành thực phẩm đang phải đối mặt với một số thách thức do ảnh hưởng dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp đang phải chia ca sản xuất nhằm đảm bảo giãn cách; có doanh nghiệp phải thực hiện truy vết các trường hợp có nguy cơ do công nhân ở trọ trong các khu tập trung đông người. Việc này khiến quá trình sản xuất gián đoạn, phát sinh chi phí… Bên cạnh đó, kế hoạch ra mắt sản phẩm mới cũng bị chậm lại do tác động của đại dịch.
Rõ ràng, cơ hội kinh doanh không chia đều cho tất cả doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nhỏ tiềm lực yếu, không tự chủ được nguồn nguyên liệu sản xuất có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh.
Theo đại diện Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc thù của ngành lương thực thực phẩm là khi tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, ngoài các nguyên liệu chính thì doanh nghiệp sản xuất đầu cuối phải nhập từ nhiều nhà cung cấp những loại nguyên phụ liệu khác nhau.
Trong bối cảnh hiện nay, khả năng những nhà cung cấp này có thể sẽ dừng hoạt động khi xuất hiện trường hợp F0 bất cứ lúc nào và nếu bị gián đoạn thì doanh nghiệp sản xuất phải ngừng hoạt động.
Theo VĂN GIÁP (Báo Tin Tức)