Có nên theo dõi dữ liệu sức khỏe bằng đồng hồ thông minh hay không?

18/08/2024 - 08:33

Chuyên gia tại Đại học George Washington cho biết trong nhiều trường hợp, đồng hồ thông minh không thể thay thế thiết bị y tế, và điều quan trọng là luôn lắng nghe cơ thể bạn.

Theo chuyên gia, trong nhiều trường hợp, đồng hồ thông minh không thể thay thế thiết bị y tế. (Nguồn: Getty Images/CNN)

Theo chuyên gia, trong nhiều trường hợp, đồng hồ thông minh không thể thay thế thiết bị y tế. (Nguồn: Getty Images/CNN)

Bạn đeo smartwatch (đồng hồ thông minh) trong lúc đạp xe, hy vọng rằng việc theo dõi các chỉ số thể chất sẽ truyền cảm hứng cho bạn tập thể dục nhiều hơn.

Đồng hồ thông minh không còn chỉ để nhắn tin, nghe nhạc và xem giờ. Thay vào đó, nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong thói quen chăm sóc sức khỏe của nhiều người.

Vậy, liệu đồng hồ thông minh có thể phát hiện các vấn đề về tim, chẳng hạn như nhịp tim không đều hoặc thậm chí là đau tim, hay không? Việc sử dụng nó để đo nồng độ oxy hoặc lượng đường trong máu thì sao? Và nó có thể giúp cải thiện giấc ngủ không?

Theo Insider Intelligence/eMarketer, hơn 1/4 dân số Mỹ đã đeo đồng hồ thông minh hoặc thiết bị kết nối khác để theo dõi sức khỏe và thể chất vào năm ngoái. Dự kiến ​​đến năm 2026, sẽ có hơn 100 triệu người Mỹ sử dụng thiết bị đeo thông minh.

Chuyên gia chăm sóc sức khỏe, Tiến sỹ Leana Wen, đã có cuộc trao đổi với CNN liên quan những tính năng theo dõi dữ liệu về thể lực và sức khỏe của đồng hồ thông minh.

Wen là bác sỹ cấp cứu và phó giáo sư lâm sàng tại Đại học George Washington. Bà yêu thích luyện tập thể dục và có sử dụng đồng hồ thông minh. Trước đây bà là ủy viên y tế của Baltimore.

“Một chức năng mà tôi rất thích là theo dõi số bước chân. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đặt mục tiêu số bước chân hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong sớm” - Tiến sỹ Wen nói.

Ví dụ, một nghiên cứu được công bố hồi tháng Ba đã phát hiện ra rằng ở những người ít vận động hầu hết thời gian trong ngày, việc đi bộ từ 9.000-10.000 bước mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch xuống 21% và nguy cơ tử vong sớm xuống 39%.

Một nghiên cứu khác được công bố năm ngoái đã phát hiện ra rằng ngay cả khi chỉ đi 4.000 bước mỗi ngày cũng có thể làm giảm nguy cơ tử vong sớm.

Đồng hồ thông minh có thể nhắc nhở mọi người về mục tiêu của họ, thúc đẩy họ đi nhiều bước hơn.

Theo Wen, điều mà nhiều người năng động làm là theo dõi nhịp tim trong khi tập thể dục để giữ nhịp tim ở một phạm vi nhất định. Nhiều vận động viên ở những môn thể thao cần duy trì sức bền - như các động viên chạy bộ, đạp xe, ba môn phối hợp - tập luyện phần lớn thời gian của họ ở “vùng sức bền.”

Đây là nơi nhịp tim dao động từ dưới 70% đến 75% nhịp tim tối đa của bạn. Bạn cảm thấy như mình đang tập luyện nhưng không quá sức đến mức không thể duy trì bài tập.

dong ho thong minh 2.png

Ảnh minh họa. (Nguồn: Cycling Weekly)

Một chiếc đồng hồ thông minh có máy theo dõi nhịp tim có thể giúp các vận động viên theo dõi nhịp tim của họ, giúp họ duy trì nhịp độ trong “vùng” mà họ nhắm tới. Những chiếc đồng hồ thông minh tiên tiến hơn có nhiều chức năng thể dục hơn, chẳng hạn như theo dõi tốc độ, khoảng cách và nhịp chạy.

Một số đồng hồ khác thậm chí có thể phát hiện loại hình thể thao đang được thực hiện, dành cho người tập có sự luân chuyển giữa những bộ môn khác nhau. Một số có dữ liệu định vị toàn cầu (GPS), có thể “chỉ đường” cho người đeo.

Không thể thay thế thiết bị theo dõi y tế

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Wen, đồng hồ thông minh không được chấp thuận để chẩn đoán các cơn đau tim. Nếu bạn bị đau ngực và đồng hồ thông minh của bạn cho biết nhịp tim và điện tâm đồ của bạn bình thường, điều đó không có nghĩa là bạn ổn. Bạn nên tìm kiếm dịch vụ chăm sóc y tế ngay lập tức.

“Điều quan trọng cần nhớ là đồng hồ thông minh không thay thế thiết bị theo dõi y tế. Những ai được bác sỹ khuyến cáo sử dụng một thiết bị theo dõi tim nên tuân theo lời khuyên đó” - bà nói.

Chuyên gia Wen cho biết có nhiều đồng hồ thông minh có thể phát hiện nhịp tim không đều - hiện tượng được gọi là “rung nhĩ.” Nhịp tim không đều có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ nếu không được điều trị, vì vậy việc chẩn đoán hiện tượng này là rất quan trọng.

Apple Watch, Fitbit Sense và Samsung Galaxy nằm trong số ít những đồng hồ thông minh đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép cho chức năng phát hiện nhịp tim không đều ở một nhóm người lớn không có tiền sử rung nhĩ.

“Một lần nữa, tôi muốn chỉ ra rằng bạn nên lắng nghe cơ thể mình. Nếu bạn cảm thấy tim đập nhanh, khó thở, đau ngực, chóng mặt hoặc các cảm giác lạ khác, bạn nên liên hệ với bác sỹ - ngay cả khi đồng hồ thông minh của bạn cho biết nhịp tim của bạn bình thường” - Wen nói.

Đo nồng độ oxy và lượng đường trong máu

Về khả năng đo nồng độ oxy, chuyên gia Wen cho biết độ chính xác của đồng hồ thông minh trong việc đo nồng độ oxy là khác nhau.

“Theo tôi, nếu bạn cần đo nồng độ oxy vì bạn có vấn đề tiềm ẩn về phổi, bạn nên sử dụng thiết bị chuyên dụng cho mục đích này. Máy đo nồng độ oxy xung không đắt và dễ mang theo.

Chúng thường đáng tin cậy, mặc dù các nghiên cứu gần đây cho thấy chúng kém tin cậy hơn ở những người có làn da ngăm đen.”

Trong khi đó, FDA đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ trong năm nay khuyên người tiêu dùng không nên "mua hoặc sử dụng đồng hồ thông minh hoặc nhẫn thông minh có chức năng đo lượng đường trong máu." Những thiết bị này có thể đưa ra các phép đo không chính xác về lượng đường trong máu.

Những người mắc bệnh tiểu đường cần các phép đo chính xác để định lượng thuốc điều trị. Nếu phép đo không chính xác dẫn đến việc họ sử dụng quá ít hoặc quá nhiều thuốc, điều này có thể nguy hiểm.

Họ nên tiếp tục sử dụng các thiết bị đo theo chỉ định của bác sỹ lâm sàng, vì đồng hồ thông minh vẫn chưa thể “sao chép” được độ chính xác của các thiết bị y tế này.

Sử dụng đồng hồ thông minh có thể giúp cải thiện giấc ngủ không?

Theo Tiến sỹ Wen, nhiều đồng hồ thông minh có thể theo dõi giấc ngủ. Chúng cho bạn biết bạn đã ngủ bao lâu và dành bao nhiêu thời gian cho mỗi giai đoạn ngủ.

dong ho thong minh 3.jpg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Sleep Review)

“Cá nhân tôi thấy thông tin này hữu ích” - bà nói. Tôi luôn gặp vấn đề về giấc ngủ nên liên tục thử nghiệm nhiều thứ khác nhau, như thiền trước khi đi ngủ, đọc sách và ngủ ở nhiều tư thế khác nhau.

Tôi thích dữ liệu mà đồng hồ thông minh cung cấp về thời lượng và chất lượng giấc ngủ. Tôi có thể liên hệ dữ liệu này với những thay đổi mà tôi đang thực hiện trong môi trường ngủ của mình để xem những thay đổi của tôi có mang lại hiệu quả hay không.

Điểm chính mà tôi rút ra được về đồng hồ thông minh là chúng có lợi cho những người thích dữ liệu.”

Tuy nhiên, Wen cũng chỉ ra rằng có những người thấy tất cả dữ liệu đều vô ích hoặc thậm chí gây căng thẳng. “Đồng hồ thông minh là công cụ có thể giúp bạn đạt được mục tiêu về sức khỏe và thể chất, chúng không nên gây thêm áp lực và căng thẳng cho cuộc sống của bạn” - bà nói.

“Tập thể dục phải vui vẻ và thú vị. Nếu nếu các dữ liệu gây thêm áp lực và căng thẳng, bạn nên để đồng hồ thông minh ở nhà một vài lần xem liệu hoạt động tập luyện có thú vị hơn không.

Ngoài ra, điều quan trọng là luôn lắng nghe cơ thể bạn” - Wen nói.

Theo Vietnamplus