Ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời, tổ chức thảo luận và tán thành 6 vấn đề cấp bách. Đó là phát động phong trào tăng gia sản xuất chống nạn đói, mở cuộc lạc quyên gạo để cứu đói, giúp đỡ cho người nghèo. Tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ; tổ chức chiến dịch chống nạn mù chữ; mở chiến dịch giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, bài trừ thói hư tật xấu của chế độ thực dân để lại; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; ra tuyên bố tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương giáo.
Để thực hiện yêu cầu cấp bách, Bác Hồ ký nhiều sắc lệnh điều hành nước cộng hòa non trẻ, chưa có tên trên bản đồ thế giới; ngay cả tên Việt Nam thuộc Pháp ở Đông Dương cũng mơ hồ, không ai biết. Ngày 4/9/1945 ban hành Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam và Sắc lệnh tổ chức Quỹ Độc lập và phát động “Tuần lễ vàng” ngày 17/9 đến 24/9. Ngày 7/9 ban hành Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân. Ngày 8/9 ra Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ chống nạn mù chữ và Sắc lệnh mở cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội). Ngày 10/9, ban hành Sắc lệnh 23-SL cử ông Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại) làm Cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngày 20/9 ban hành Sắc lệnh 34-SL thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp Việt Nam Dân chủ cộng hoà.Ngày 22/9 ra Sắc lệnh bãi bỏ thuế các môn bài có mức dưới 50 đồng, bãi bỏ thuế chợ, thuế xe đạp, thuế thổ trạch ở nông thôn. Ngày 26/9 ban hành Sắc lệnh 39-SL lập Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử. Ngày 17/10 Chính phủ ra Sắc lệnh 51-SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử, ấn định ngày mở cuộc Tổng tuyển cử trong toàn quốc...
Từ những sắc lệnh ban hành tháng 9/1945, các thiết chế của bộ máy Nhà nước dần dần tạm đủ, chủ trương, chính sách, biện pháp lo cho người dân đã được thực hiện. Trong đó, từ chống nạn đói, chống mù chữ, bãi bỏ thuế thân, những thói hư tật xấu, sưu cao thuế nặng… đã thể hiện rõ bản chất “vì dân, vì nước” của Nhà nước ta. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, giúp Chính phủ cách mạng lâm thời giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách, quan trọng, thực hiện tốt nhiệm vụ của đất nước non trẻ, “thù trong giặc ngoài”, với muôn vàn khó khăn luôn rình rập. Đồng thời, các sắc lệnh này có vai trò, giá trị quan trọng, đặt nền móng cho xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đáng kể, các Sắc lệnh về Tổng tuyển cử, bao gồm: Sắc lệnh 14-SL, ngày 8/9/1945; Sắc lệnh 39-SL, ngày 26/9/1945 về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh 51-SL, ngày 17/10/1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín...
Những sắc lệnh này tạo cơ sở pháp lý tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946, thực hiện một trong 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước lúc đó. Đáng lưu ý, Sắc lệnh 47/SL, ngày 10/10/1945 giữ lại nhiều luật lệ của chế độ cũ, trừ những điều luật trái với nền độc lập, tự do và quyền lợi của người dân, đất nước. Đây là một điều mới, tiến bộ.
Sắc lệnh là hình thức pháp luật chủ yếu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, xây dựng, ban hành nhanh chóng, đáp ứng kịp thời những yêu cầu cụ thể và cấp bách. Là pháp luật thành văn, sắc lệnh mang tính mệnh lệnh do chủ thể đặc biệt là nguyên thủ quốc gia (chủ tịch nước hay tổng thống) ban hành, có giá trị như văn bản pháp luật do chính phủ ban hành, mọi người phải tuân theo. Sắc lệnh được xem là lập pháp trong tình huống khẩn cấp, áp dụng phổ biến trong những hoàn cảnh đặc biệt, như: Chiến tranh, thảm họa thiên tai, tình trạng cấp bách... nhằm đáp ứng yêu cầu kịp thời để điều chỉnh các quan hệ pháp luật.
Theo Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, đơn vị tập hợp được 117 sắc lệnh, hiện được công nhận là bảo vật quốc gia. Trong hai năm 1945-1946 với muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng với sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ cách mạng lâm thời đã giải quyết khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp, trực tiếp và cấp bách mà lịch sử đặt ra, góp phần quan trọng đặt nền móng cho pháp luật Việt Nam trên hầu hết các lĩnh vực.
N.R (Tổng hợp)