Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao, tiếp tục đóng vai trò chủ lực

05/04/2021 - 08:58

Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý I/2020, "bức tranh" sản xuất công nghiệp đã có nhiều gam màu sáng với những tín hiệu tích cực từ một số ngành mũi nhọn; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao, tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.

Công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại Nhà máy Canon có vốn đầu tư Nhật Bản thuộc Khu Công nghiệp Phố Nối A, Hưng Yên. Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN

Cụ thể, ngành công nghiệp quý I/2021 đạt mức tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45%, cao hơn tốc độ tăng 7,12% của cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn tốc độ tăng 14,3% của quý I/2018 và 11,52% của quý I/2019; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh.

Chỉ số sản xuất quý I/2021 một số ngành trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: sản xuất kim loại tăng 30,9%; sản xuất đồ uống tăng 16,9%; sản xuất thiết bị điện và khai thác quặng kim loại cùng tăng 12,5%... Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số giảm như: khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 13,7%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 9,8%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 5,6%...

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: thép cán tăng 54%; linh kiện điện thoại tăng 47,9%; ti vi các loại tăng 30,9%; ô tô tăng 17,7%; sữa bột tăng 17,5%; sơn hóa học tăng 15,5%; sắt, thép thô tăng 14,4%...

Mặc dù, sản xuất công nghiệp đã ghi nhận mức tăng trưởng khá tốt, song báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2021 tăng 22,5% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2020 tăng 24,9%),

Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước là: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 91,6%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 85,7%; sản xuất kim loại tăng 68,1%...

Để giải quyết bài toán tồn kho, thúc đẩy sản xuất phát triển, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các địa phương cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, khẩn trương triển khai Quyết định 221/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, trong đó, tập trung hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp, hình thành các nền tảng số về logistics nhằm cắt giảm chi phí; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.

Cùng với đó, các ngành cần tập trung hỗ trợ phát triển thị trường trong nước; nghiên cứu, xây dựng các chính sách kích cầu tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng thu được từ xuất khẩu; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong nước triển khai phân phối hàng hoá trên nền tảng thương mại điện tử; triển khai, sử dụng hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại, rà soát các ưu đãi dành cho doanh nghiệp FDI nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần tăng cường "khơi dòng" tiêu thụ thông qua các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, thúc đẩy giao thương, xuất khẩu hàng hóa; đồng thời, cần tập trung rà soát kỹ và có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào, đến sản xuất, chế biến và trung gian phân phối, thị trường, tiêu thụ sản phẩm…

Hiện, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1-3-2021 tăng 1,6% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,4% so với cùng thời điểm năm trước.

Theo THÚY HIỀN (Báo Tin Tức)

 

Liên kết hữu ích