Khi Ấn Độ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, nhiều người bắt đầu hy vọng đại dịch COVID-19 sẽ sớm được đẩy lùi ở quốc gia hơn 1,3 tỷ dân.
Nhưng liên tiếp những tuần gần đây, số ca mắc mới của Ấn Độ liên tục thiết lập các kỷ lục mới.
Đầu tháng 4, số ca nhiễm trong ngày của quốc gia Nam Á vượt trên 100.000 ca. Tuy nhiên, tới ngày 23-4, con số này đã chạm mốc 332.730 ca. Ấn Độ hiện là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới với hơn 16 triệu ca bệnh.
Đợt bùng phát dịch mới đang đè bẹp hệ thống y tế Ấn Độ. Các bệnh viện rơi vào tình cảnh thiếu oxy trầm trọng, các đài hóa thân quá tải buộc nhiều gia đình phải hỏa thiêu người thân ở ngoài trời.
"Tôi chạy đua để đăng ký suất nhưng mỗi lò hỏa táng đều đưa ra lý do từ chối...có người còn nói rằng họ đã hết củi", anh Nitish Kumar - cư dân ở Thủ đô New Delhi cho biết.
Kumar phải giữ thi thể của mẹ ở nhà gần hai ngày trong lúc chạy đôn chạy đáo tìm cơ sở hỏa thiêu còn chỗ trống.
Bệnh nhân thở oxy bên ngoài Bệnh viện Guru Teg Bahadur tại Thủ đô New Delhi do chưa có giường bệnh. (Ảnh: Reuters)
Trên khắp thủ đô New Delhi những ngày qua, các giàn hỏa thiêu đều đỏ lửa suốt ngày đêm. Nhiều giàn thiêu dã chiến được dựng tạm để hỏa thiêu các thi thể bệnh nhân mắc COVID-19.
Trong các bệnh viện, bệnh nhân nằm hấp hối bên ngoài khi các giường bệnh đã chật cứng.
Trong khi đó, người lao động nhập cư đổ xô các các nhà ga, bến tàu để né lệnh phong tỏa tại các thành phố lớn. Các chuyên gia y tế lo ngại hệ thống y tế nông thôn của Ấn Độ khó lòng trụ vững nếu lao động nhập cư mang dịch về quê nhà. Trong những ngày gần đây, giá vé máy bay và nhu cầu về máy bay tư nhân ở Ấn Độ tăng vọt khi người giàu nước này tìm cách tháo chạy khỏi đất nước trước khi nhiều nước đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Ấn Độ.
Theo ông Manas Gumta - bác sĩ kiêm tổng thư ký Hiệp hội Y sĩ tại Tây Bengal - cơ sở hạ tầng hiện tại của Ấn Độ đang không chống chọi nổi trước làn sóng thứ hai.
Ông này nói thêm rằng nguyên nhân khiến dịch bùng phát mạnh ở Ấn Độ là do người dân ở các vùng nông thôn vẫn chưa hiểu hết về dịch bệnh.
"Nhiều làng trong huyện có tới 95% người dân đi lại nơi công cộng mà không đeo khẩu trang", ông nói.
Các chuyên gia nhận định việc Ấn Độ thất thủ trong làn sóng thứ hai xuất phát từ sự lơ là phòng dịch, thiếu hụt thiết bị y tế và biến chủng mới lan nhanh.
Không chỉ Ấn Độ, nhiều quốc gia cũng đứng trước nguy cơ bị dịch bệnh quật ngã.
Campuchia chiều 23-4 ghi nhận 655 ca bệnh mới trong ngày. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất ở quốc gia Đông Nam Á kể từ khi đại dịch bùng phát bất chấp các lệnh phong tỏa nhiều khu vực của chính quyền.
Thủ đô Phnom Penh tiếp tục là nơi phát hiện nhiều bệnh nhân nhất với 522 trường hợp, đứng thứ 2 là tỉnh Preah Sihanouk có 113 trường hợp.
Công nhân tại một khu công nghiệp ở Phnom Penh chờ tiêm vaccine. (Ảnh Reuters)
Hôm 22-4, Chính quyền tỉnh Preah Sihanouk của Campuchia ban bố lệnh phong tỏa hoàn toàn thành phố Sihanoukville và thiết lập nhiều “vùng đỏ”- nơi nguy cơ lây nhiễm cao nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định các biện pháp phong tỏa là cần thiết bởi đất nước đang đứng trước "hố tử thần" vì COVID-19.
Chính quyền Phnom Penh tối 23-4 cũng yêu cầu đóng cửa tất cả các chợ tại thủ đô trong vòng 14 ngày để chống dịch. “Chúng ta đang đứng trước hố tử thần. Nếu chúng ta không cùng nhau cố gắng thì chúng ta sẽ bị rơi vào hố tử thần này. Tôi hy vọng rằng, chúng ta sẽ biến khó khăn hiện nay thành cơ hội, sau 14 ngày nữa chúng ta sẽ khống chế được dịch bệnh", ông Hun Sen nói sau khi lệnh phong tỏa được ban hành ở Phnom Penh.
Hôm 24-4, Thái Lan ghi nhận số ca bệnh cao kỷ lục trong ngày - 2.839 ca nhiễm mới, tăng 769 ca so với con số hôm 23-4. Tổng số ca bệnh hiện tại của Thái Lan là 53.022 trường hợp.
Các bệnh viện Thái Lan đang rơi vào tình trạng quá tải khi phải tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân mỗi ngày.
Người dân xếp hàng xét nghiệm COVID-19 ở Bangkok. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, trong bài phát biểu trên truyền hình tối 23-4, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh chính phủ đã sẵn sàng đối phó với làn sóng lây nhiễm mới nhất.
Bên cạnh các biện pháp phòng dịch như đóng cửa quán bar, dịch vụ giải trí, Thái Lan đặt hy vọng vaccine có thể là cứu cánh giúp nước này vượt qua đợt dịch mới.
Theo Thủ tướng Prayut, chính phủ Thái Lan hiện có 2,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, đủ để tiêm cho 1,05 triệu người. Tính tới hiện tại, khoảng 840.000 người trong tổng số 69 triệu dân Thái Lan đã được tiêm chủng.
Thủ tướng Lào hôm 21-4 ban hành chỉ thị phong toả thủ đô Vientiane nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Người dân Thủ đô Vientiane bị cấm đi ra các tỉnh, người ngoài tỉnh cùng bị cấm di chuyển vào thủ đô. Các hoạt động hội họp, tụ tập quá 20 người cũng bị nghiêm cấm. Theo lệnh phong tỏa, từ 6h ngày 22-4 đến 24h00 ngày 5-5, chỉ những người làm nhiệm vụ và xe chở hàng hoá được Ủy ban Quốc gia phòng chống COVID-19 cho phép mới được ra vào thủ đô. Các cơ quan, doanh nghiệp cho nhân viên làm việc tại nhà, ngoại trừ những cán bộ, nhân viên làm việc theo chỉ định.
Hôm 23-4, Lào ghi nhận thêm 65 ca mắc COVID-19 mới, tăng từ con số 28 của ngày 22-4 và nâng tổng số ca bệnh lên 159 ca.
Chiều tối 23-4, Nhật Bản quyết định tái ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo, Osaka, Hyogo và Kyoto từ 25-4 đến 11-5. Đây là lần thứ 3 Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp kể từ đầu mùa dịch.
Trong bài phát biểu cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide gửi lời xin lỗi tới nhân dân vì việc tái tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Theo nhà lãnh đạo Nhật Bản, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng so với tháng 3 và ở Osaka, Hyogo khiến hệ thống y tế lâm vào tình trạng quá tải. Do đó cần phải đưa ra những biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Nhật Bản hôm 23-4 ghi nhận thêm 5.009 ca nhiễm mới. Osaka là nơi ghi nhận nhiều ca bệnh nhất với 1.162 ca, tiếp đến là Tokyo với 759 ca. Đây cũng là ngày thứ ba liên tiếp Nhật Bản có hơn 5.000 ca nhiễm trong một ngày.
Điều đáng lo ngại hiện nay ở Nhật Bản là có đến 80% số ca lây nhiễm mới liên quan đến các chủng đột biến có khả năng lây nhiễm cao. Nhật Bản cũng vừa phát hiện 5 ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể đôi, tức là có đặc tính của hai biến thể khác nhau.
Giống như Thái Lan và các nước khác, Nhật Bản hy vọng chiến dịch tiêm chủng của họ sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, việc triển khai tiêm vaccine ở quốc gia Đông Bắc Á vẫn còn khá chậm chạp.
Theo SONG HY (VTC News)