Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nhà sư tại Bangkok, Thái Lan, ngày 31-7-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 1/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 84.397 ca mắc mới COVID-19 và 2.019 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 7.398.144 trường hợp và 150.046 ca tử vong. Toàn khối có 6.046.359 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 1.604 ca; Malaysia đứng thứ hai với 160 ca; Philippines ghi nhận 127 ca tử vong, trong khi Thái Lan thêm 105 ca, Campuchia ghi nhận 23 ca.
Với 30.738 ca nhiễm trong ngày 1-8, Indonesia đang dẫn đầu khối về lây nhiễm mới, dù số ca nhiễm đang giảm về quanh ngưỡng 30.000 sau khi liên tục ở mức trên 45.000-50.000 ca. Nước này tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, với tổng cộng 3.440.396 ca bệnh và 95.723 ca tử vong.
Tình hình Thái Lan đang nghiêm trọng hơn, với ca nhiễm mới đứng thứ hai trong khu vực - 18.027 ca trong ngày, nâng tổng ca bệnh lên 615.314 người, bao gồm 4.990 ca tử vong.
Malaysia có số ca nhiễm mới đứng thứ ba trong khối với 17.150 trường hợp, nâng tổng ca bệnh lên 1.130.422 người, bao gồm 9.184 ca tử vong. Thái Lan đứng thứ ba toàn khối về ca nhiễm mới, với 14.150 ca, nâng tổng ca bệnh lên 526.828, với 4.264 ca tử vong.
Cùng ngày, Philippines ghi nhận 8.735 ca nhiễm mới; Việt Nam có 8.620 ca mới, nâng tổng số ca lên 154.253; trong khi Campuchia ghi nhận số ca nhiễm mới là 671 ca; Lào thêm 267 ca.
Campuchia tiêm trộn vaccine mũi thứ ba
Ngày 1-8, Thủ tướng Campuchia Hun Sen thông báo chính phủ nước này quyết định tiêm mũi thứ ba với vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca để tăng kháng thể cho những người đã tiêm hai mũi trước bằng vaccine của Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc.
Phát biểu tại lễ phát động chiến dịch tiêm chủng cho thanh thiếu niên tại Cung Hòa Bình ở Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh lực lượng tuyến đầu chống dịch vào khoảng 500.000 đến 1 triệu người, đặc biệt là tuyến đầu ở biên giới Thái Lan - nơi dịch COVID-19 đang lây lan mạnh, sẽ được ưu tiên tiêm phòng mũi thứ ba. Sau đó, 9 triệu người khác đã tiêm hai mũi vaccine của Sinopharm và Sinovac sẽ được tiêm nhắc lại. Ông cũng đề nghị tiểu ban phòng chống dịch nghiên cứu sử dụng loại vaccine phù hợp để tiêm mũi thứ ba cho những người đã tiêm hai mũi vaccine của AstraZeneca.
Thủ tướng Campuchia đồng thời đề nghị Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính nước này Vongsey Visoth tìm mua vaccine của AstraZeneca qua cơ chế COVAX hoặc liên hệ trực tiếp với nhà sản xuấtđể mua đủ liều thứ ba tiêm phòng cho người dân.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Campuchia đang triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, bắt đầu ở thủ đô Phnom Penh và 3 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh gồm Kandal, Koh Kong và Preah Sihanouk.
Thủ tướng Hun Sen cũng nhấn mạnh việc tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em là bước quan trọng để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Ước tính, khoảng 2 triệu trẻ em ở Campuchia sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong chiến dịch lần này.
Cùng ngày 1-8, Campuchia đã triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, bắt đầu ở thủ đô Phnom Penh và 3 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh gồm Kandal, Koh Kong và Preah Sihanouk.
Tính đến ngày 31-7, hơn 7,3 triệu người trưởng thành tại Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và trong số này hơn 4,7 triệu người đã hoàn thành đủ hai mũi tiêm.
Bộ Y tế Campuchia ngày 1-8 ra thông cáo xác nhận thêm 23 ca tử vong và 671 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 265 ca nhập cảnh và 406 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy tính đến ngày 1-8, Campuchia phát hiện tổng cộng 77.914 ca mắc COVID-19, trong đó 70.754 người đã khỏi bệnh và 1.420 người tử vong.
Thái Lan gia hạn biện pháp hạn chế đến cuối tháng 8
Ngày 1-8, các nguồn tin chính phủ cho biết Thái Lan đã gia hạn các biện pháp ngăn chặn COVID-19 siết chặt hơn ở thủ đô Bangkok và các tỉnh có nguy cơ cao cho đến cuối tháng 8 nhằm làm chậm sự lây lan của dịch bệnh khi nước này đối phó với đợt bùng phát lớn nhất cho đến nay.
Theo nguồn tin trên, những hạn chế, bao gồm hạn chế đi lại, đóng cửa trung tâm mua sắm và áp đặt giờ giới nghiêm, sẽ được mở rộng đối với 29 tỉnh, so với 13 tỉnh trước đây. Các nhà hàng trong trung tâm mua sắm sẽ chỉ được phép mở cửa để giao đồ ăn mang đi.
Theo dự báo của Bộ Y tế Thái Lan, nước này có thể chứng kiến hơn 40.000 ca nhiễm mới và 500 ca tử vong mỗi ngày, đạt đỉnh điểm vào giữa tháng 9 tới, nếu các quy định phong tỏa hiện tại không được tuân thủ.
Thái Lan đã áp dụng lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng và nhiều hạn chế khác kể từ ngày 19/7 tại Bangkok, Nonthaburi, Samut Prakan, Samut Sakhon, Pathum Thani, Nakhon Pathom, cũng như các tỉnh cực Nam là Narathiwat, Pattani, Songkhla và Yala.
Các hạn chế bao gồm việc đóng cửa tất cả các cửa hàng trong trung tâm thương mại vào lúc 8 giờ tối ngoại trừ các nhà bán lẻ được coi là cần thiết, chẳng hạn như siêu thị, thiết bị y tế. Lệnh cấm ăn uống tại các quán ăn vẫn tiếp tục, trong khi các nhà hàng, chợ ẩm thực và cửa hàng tiện lợi phải đóng cửa từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng. Không có phương tiện giao thông công cộng nào hoạt động từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng.
Một người bán trứng đi qua khu chợ đóng cửa ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Straits Times
Indonesia gia hạn hạn chế phòng dịch bên ngoài đảo Java
Chính phủ Indonesia đã quyết định gia hạn các hạn chế ngăn chặn đại dịch bên ngoài đảo Java thêm một tuần trong nỗ lực kiểm soát lây lan.
Theo tờ Straits Times, các hạn chế mức độ cao nhất, "Cấp 4", được gia hạn đến ngày 9/8 với các khu vực bên ngoài đảo Java. Theo đó người lao động trong các ngành không thiết yếu sẽ tiếp tục làm việc tại nhà, các trung tâm mua sắm tiếp tục đóng cửa.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang hứng chịu một trong những làn sóng dịch tồi tệ nhất châu Á, với tổng ca nhiễm đã vượt 3,44 triệu người và trên 95.000 người thiệt mạng.
Người dân chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại San Juan, Philippines ngày 27-7-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Lào: Tỷ lệ người nhập cảnh nhiễm biến chủng Delta cao
Bộ Y tế Lào ngày 1-8 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 267 ca mắc COVID-19, trong đó đa phần là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Theo Bộ Y tế Lào, thời gian gần đây số lượng ca mắc là người nhập cảnh luôn ở mức cao, trong đó tỷ lệ ca nhiễm biến chủng Delta dễ lây lan là 35%, tức là cứ 3 người mắc COVID-19 thì có một người mang biến chủng này. Điều này đã kiến các tỉnh Trung và Nam Lào, nơi có cửa khẩu biên giới với Thái Lan đang chịu áp lực lớn trong việc tiếp nhận và sàng lọc y tế cho người lao động nhập cảnh về nước.
Trong đó, Savannakhet và Champasak là hai tỉnh có lượng người nhập cảnh cao kể từ đầu tháng 7, đây cũng là nơi ghi nhận tỷ lệ ca mắc COVID-19 từ người nhập cảnh cao nhất cả nước, lần lượt là 38% và 30%. Trước tình hình trên, chính quyền hai tỉnh này đã lập thêm các trung tâm cách ly và bệnh viện dã chiến để đón nhận người lao động từ Thái Lan trở về. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 6.566 ca mắc COVID-19 và 7 người tử vong.
Cảnh sát tuần tra nhắc nhở người dân thực hiện các quy định phòng dịch tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 24-7-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo THU HẰNG (Báo Tin tức)