Masan mua lại chuỗi siêu thị VinMart từ Vingroup là thương vụ đình đám được dư luận quan tâm.
Theo ông Nguyễn Thái Phiên, Phó Tổng giám đốc NovaGroup, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang gặp khó khăn về quy mô hoạt động, khách hàng, sản phẩm chưa hoàn thiện, đội ngũ con người, hệ thống… Vì vậy trong bối cảnh dịch kéo dài, có những doanh nghiệp muốn thay đổi chiến lược, từ bỏ mảng kinh doanh hiện hữu. Hướng đi cộng sinh với các doanh nghiệp lớn hơn được đặt ra.
“Các doanh nghiệp lớn không thể tự làm tất cả các ngành, họ chỉ có thể bơm vốn, đưa nhân sự vào để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ nhưng sự cộng sinh từ doanh nghiệp lớn hơn, bản thân cộng đồng SME có cơ hội phát triển lớn hơn. Ngược lại, các doanh nghiệp SME muốn phát triển bền vững, tồn tại dài hạn cũng cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn”, ông Nguyễn Thái Phiên chia sẻ.
Năm 2020, kể từ khi COVID-19 xuất hiện nhưng thị trường Việt Nam đã có những giao dịch mua bán, sáp nhập (M&A) ấn tượng. Nhiều giao dịch thuộc về khối doanh nghiệp tư nhân lớn và các công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Ví dụ: Quỹ Đầu tư tư nhân (PE) KKR đã đầu tư 650 triệu USD mua 6% cổ phần tại Vinhomes, công ty con của Vingroup trong lĩnh vực bất động sản; Masan Group mua lại Vm Commerce và VinEco của Vingroup. Ngoài ra, còn có các thương vụ liên quan tới các Tập đoàn lớn như Masan, Vinamilk, Thaco, Gelex...
Theo ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, doanh nghiệp Việt đã chuẩn bị kỹ cho các thương vụ M&A như thuê đội ngũ nhân sự bài bản. Họ không chỉ đi tìm kiếm nguồn vốn mà đã ở thế chủ động tạo ra giá trị lớn, ở thế được quyền lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 không thể gượng dậy trên con đường cũ mà phải tự cấu trúc lại. Nhiều doanh nghiệp quay về kinh doanh cốt lõi thay vì trước đây thiếu đi chiến lược dài hạn… M&A là công cụ, là cách thức có nhiều lợi ích mà doanh nghiệp sẽ sử dụng.
Có 2 yếu tố M&A là hợp tác cùng phát triển, có tính bền vững hơn nhiều sự liên kết giữa 2 doanh nghiệp 1 nhà sản xuất, 1 nhà cung cấp. Sự liên kết của M&A theo hình thức hợp tác còn có sự đóng góp hỗ trợ về nguồn lực, chi phối về nguồn vốn sẽ chặt chẽ và bền vững hơn nhiều.
“Một trong 3 đặc điểm về M&A trong gian đoạn này là doanh nghiệp có sự hợp tác liên kết hình thành chuỗi”, ông Phan Đức Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết.
Hoạt động kinh doanh bị tác động bởi dịch bệnh ở cả tích cực và tiêu cực. Ngành nghề tập trung nhiều trong M&A là bất động sản, tài chính ngân hàng, công nghệ, logistic, dược phẩm, công nghệ… Nổi bật là ngành bất động sản tập trung hơn 40%, dịch vụ bị tác động mạnh bởi COVID-19 nhưng M&A lại diễn ra mạnh mẽ 18%, hay thực phẩm đồ uống, dược phẩm, vật liệu xây dựng…
“Chúng ta từng lo nước ngoài thôn tính doanh nghiệp Việt, có nên có chính sách hạn chế không - từng có suy nghĩ như vậy thì nay không còn nghi ngại. Năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam là bên mua chiếm 18%, năm 2019 - 2020 là 30% cho thấy trỗi dậy mạnh mẽ, các chủ thể tham gia vào M&A từ năm 2019 - quý I/2021 thì 49% là doanh nghiệp Việt Nam. Các địa bàn xảy ra M&A thì 70% ở Việt Nam, 30% ở lãnh thổ bên ngoài. Điều này cho thấy sự vươn lên của doanh nghiệp Việt và điều này là rất quan trọng”, lãnh đạo CIEM cho biết.
Theo một số chuyên gia kinh tế, dịch COVID-19 đã thay đổi cơ cấu kinh doanh và hình thành chuỗi cung ứng. Giai đoạn 2019 - 2021 chỉ 11% giao dịch M&A là sáp nhập - tức “triệt tiêu” 1 bên. Còn lại 80% mua lại cổ phần chiếm tỷ lệ đa số để kiểm soát, và 9% là liên doanh.
TS Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam dự báo: Đại dịch được kiểm soát, hoạt động M&A năm 2022 sẽ sôi động và có thể đạt tốc độ tăng trưởng 100% so với năm 2021.
Theo Báo Tin Tức