Ảnh: New York Times
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15-8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 20.763.244 ca, trong đó có 761.347 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 14,675.127 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 66.640 ca và 6.836.999 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 14-8, thế giới có 139 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 80 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong tại nhiều nước ghi nhận trong 1 ngày qua tăng mạnh.
Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (67.066 ca), Brazil (54.392 ca), Mỹ (43.881 ca) và Colombia (11.066 ca); trong khi đó Mỹ (với 1.011 ca), Brazil (1.002 ca), Ấn Độ (950 ca) và Mexico (926 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, thứ ba. Nhiều nước đã quyết định lùi thời gian mở cửa nền kinh tế, đồng thời tái áp đặt các biện pháp giãn cách.
Châu Mỹ hiện vẫn là tâm dịch nghiêm trọng nhất thế giới. Riêng tại Mỹ, tổng số ca mắc bệnh đã vượt quá 5,3 triệu trường hợp. Khu vực Mỹ Latinh trở thành khu vực ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất, chiếm gần 30% số ca tử vong trên thế giới.
Người dân đeo khẩu trang và kính che mặt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 11-8-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực. Dịch cũng đang lây lan mạnh tại các nước như Colombia, Peru, Argentina và Bolivia. Hiện số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Mỹ Latinh tiếp tục tăng mạnh sau khi nhiều chính phủ nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát và phong tỏa nhằm vực dậy nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng.
Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 30 ca mắc trong ngày 13-8, bao gồm 22 ca nhập cảnh và 8 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến hết ngày 13-8, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 84.786 ca nhiễm và 4.643 ca tử vong do COVID-19.
Hàn Quốc ghi nhận thêm 103 ca mắc mới, trong đó có 85 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca lây nhiễm trong cộng đồng cao nhất ở Hàn Quốc kể từ cuối tháng 3. Hiện tổng số ca bệnh tại Hàn Quốc tăng lên 14.873 người, trong đó có 305 ca tử vong.
Học sinh thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Bangkok, Thái Lan ngày 1-7-2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tại Nhật Bản, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 1.176 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 52.603 người. Số ca nhiễm mới theo ngày tiếp tục tăng cao tại các khu vực đô thị lớn, trong đó có tỉnh Osaka (177 ca), Kanagawa (123 ca), Okinawa (97 ca). Chính quyền thủ đô Tokyo thông báo có thêm 389 ca mới, số ca nhiễm mới này đã lần đầu tiên vượt 300 ca/ngày tính từ hôm 9-8 vừa qua. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Nhật Bản hiện là 1.090 người.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố gia hạn lệnh phong tỏa cấp độ 3 ở thành phố Auckland và phong tỏa cấp độ 2 ở tất cả các khu vực còn lại của nước này thêm 12 ngày. Các lệnh phong tỏa nói trên được Chính phủ New Zealand ban hành từ ngày 12-8 vừa qua, khi phát hiện những ca nhiễm mới đầu tiên sau 102 ngày không có lây nhiễm trong cộng đồng ở nước này. Hiện giới chức đang ráo riết truy vết F0 của 17 ca mới tại thành phố Auckland và cố gắng tìm hiểu virus xuât hiện trở lại tại nước này bằng cách nào. Do dịch bệnh bùng phát trở lại, kế hoạch bầu cử của New Zealand, dự kiến vào ngày 19/9, có khả năng bị hoãn đến tháng 11.
Trong khi đó, dịch COVID-19 cũng đang diễn biến phức tạp tại Australia. Victoria, bang lớn thứ hai của nước này, đã ghi nhận trên 15.800 ca mắc, trong đó có ngày số ca mắc cao kỷ lục, vượt 700 ca. Tình hình dịch bệnh có thể cản trở kế hoạch tổ chức "du lịch nội bộ" cho phép đi lại giữa Australia và New Zealand đã được Thủ tướng hai nước thông qua và dự kiến áp dụng từ tháng 9, sau khi hoàn tất thiết lập một hành lang đi lại an toàn.
Tại Đông Nam Á, chính quyền thủ đô Jakarta của Indonesia thông báo kéo dài giai đoạn chuyển tiếp trong khuôn khổ các biện pháp siết chặt với quy mô lớn từ ngày 14-27/8 tới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Đây là lần thứ 4 chính quyền Jakarta đưa ra biện pháp trên.
Các trường học trên cả nước Thái Lan đã hoạt động trở lại trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến tích cực tại nước này. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Giáo dục Nataphol Teepsuwan chỉ thị tất cả các trường giám sát học sinh, sinh viên cũng như hoạt động ngoài giờ học, coi đây là một phần trong các biện pháp bắt buộc thực hiện để phòng dịch. Tuy nhiên, Thái Lan cũng đã quyết định hoãn kế hoạch kích cầu du lịch quốc tế, tiếp tục đóng cửa không phận, sau khi số các ca mắc mới đang gia tăng trở lại tại nhiều quốc gia.
Số ca mắc bệnh tại Philippines đã tăng lên tới 153.660 ca sau khi Bộ Y tế nước này thông báo thêm 6.216 ca dương mới trong ngày 14/8. Thủ đô Manila là địa phương ghi nhận số ca mới mắc COVID-19 cao nhất trên cả nước với 3.848 ca. Trong khi đó, với 16 ca tử vong mới, tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Philippines hiện là 2.442. Hiện nước này đang giám sát tổng cộng 1.107 ổ dịch COVID-19 trên cả nước. Chính phủ Philippines đã quyết định lùi thời gian khai giảng năm học mới thêm 6 tuần, đồng thời chuẩn bị cải tạo các phòng học thành các cơ sở cách ly.
Indonesia ghi nhận thêm 2.307 ca mắc mới và 53 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại nước này lên lần lượt là 135.123 và 6.021. Hiện dịch bệnh đã lây lan ra tất cả 34 tỉnh thành ở Indonesia. Malaysia thông báo thêm 20 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia này lên 9.149 ca, trong đó có 125 ca tử vong.
Tại châu Âu, Chính phủ Pháp đã tuyên bố thủ đô Paris và vùng Bouches-du-Rhone xung quanh thành phố Marseille ven biển Địa Trung Hải là những vùng "đỏ" có nguy cơ cao lây nhiễm virus. Giới chức y tế Pháp cảnh báo số ca nhiễm mới ở nước này đang tăng nhanh nhất trong giới trẻ.
Ngày 14-8, với 1.441 ca, nước Anh ghi nhận số bệnh nhân nhiễm mới cao nhất trong ngày kể từ trung tuần tháng 6 vừa qua. Số bệnh nhân tử vong cũng tăng thêm 11 người.
Tại Bỉ, các bệnh viện đang tăng cường dự trữ thuốc và đồ bảo hộ, đồng thời lập nhiều kế hoạch nhằm ứng phó với những tình huống bất ngờ trong bối cảnh số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao khiến chính quyền thủ đô Brussels quy định người dân phải đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng.
Một quan chức thuộc Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu cho rằng việc các biện pháp hạn chế được nới lỏng và không nghiêm ngặt tuân thủ quy định y tế nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tại châu lục này gia tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong lại ở mức thấp. Chuyên gia trên cho rằng có thể là do dịch bệnh lây lan ở những người trẻ tuổi, đối tượng thường không có các triệu chứng nghiêm trọng nhất và có tỷ lệ tử vong thấp hơn. Theo WHO, hiện châu Âu ghi nhận gần 3,7 triệu ca bệnh và 218.383 ca tử vong.
Tại khu vực Trung Đông, Iran thông báo nước này ghi nhận thêm 2.501 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân trong nước lên 338.825 người. Ngoài ra, với 169 ca tử vong mới, tổng số bệnh nhân không qua khỏi tại nước này hiện tăng lên mức 19.331 ca. Hiện có 26/31 tỉnh tại Iran thuộc diện hoặc có nguy cơ cao hoặc cần hết sức đề phòng lây nhiễm dịch bệnh.
Bộ Y tế Iraq thông báo trong ngày 14-8, nước này đã ghi nhận thêm 4.013 ca nhiễm - mức tăng cao nhất theo ngày kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại đây. Trong khi đó, số ca tử vong mới là 68, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 5.709 ca. Bộ Y tế Iraq trước đó đã xác định nguyên nhân số ca mắc COVID-19 tăng mạnh tại nước này là do người dân thiếu ý thức tuân thủ các biện pháp y tế phòng ngừa, trong khi năng lực xét nghiệm được mở rộng, dẫn đến phát hiện nhiều trường hợp nhiễm mới.
Tại châu Phi, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 14-8, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Phi công bố báo cáo tình hình dịch COVID-19, cho thấy tổng số nhiễm ở khu vực này đã tăng lên 1.084.687 ca, trong đó 24.060 ca tử vong. Nam Phi hiện có nước có số ca mắc và số ca tử vong do COVID-19 cao nhất "Lục địa Đen", lần lượt là 572.865 ca và 11.270 ca. Tiếp sau đó là Ai Cập (96.108 bệnh nhân và 5.107 ca tử vong) và Nigeria (48.116 ca mắc và 966 ca tử vong). Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, CDC châu Phi đã kêu gọi sự hợp tác giữa các châu lục và toàn cầu để khống chế dịch bệnh tại châu lục nghèo đói và thường xuyên xảy ra xung đột vũ trang này.
Tại châu Mỹ, ngày 13-8, thêm 3 bang của Mỹ, gồm Dakota Bắc, Wyoming và Alabama, triển khai ứng dụng phần mềm nhằm cảnh báo người dùng về nguy cơ phơi nhiễm virus. Ứng dụng trên điện thoại có thể chia sẻ thông tin qua tín hiệu Bluetooth. Trong trường hợp một người dùng được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2, ứng dụng sẽ chia sẻ thông tin cho người gần nhất biết để kiểm tra và cách ly trong khi đảm bảo giữ kín danh tính của bệnh nhân.
Trong khi đó, các rạp chiếu phim và bảo tàng tại thủ đô Mexico City của Mexico đã được phép mở cửa trở lại sau nhiều tháng ngừng hoạt động do lệnh phong tỏa. Khẩu trang và giãn cách xã hội là những điều bình thường mới trong cuộc sống văn hóa tại thành phố vẫn đang vật lộn với dịch COVID-19 này. Mexico hiện là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi COVID-19, với số ca bệnh cao thứ 6 thế giới và số ca tử vong cao thứ 3 thế giới, lần lượt là 505.751 ca và 55.293 ca tính đến sáng 14-8.
Theo THANH TUẤN (Báo Tin Tức)