Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Berlin, Đức, ngày 15-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 24-6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 9.334.135 ca, trong đó có 478.732 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 5.012.171 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 57.925 và 3.843.232 ca đang điều trị tích cực.
Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm Brazil (34.558 ca), Mỹ (34.492 ca) và Ấn Độ (15.612 ca); trong khi các nước Brazil (1.242 ca), Mỹ (853 ca), Mexico (759 ca) và Ấn Độ (468 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến lo ngại bắt đầu xuất hiện trở lại ở châu Á, nhất là Iran và đặc biệt tại Ấn Độ nơi số ca mắc mới và tử vong đang tăng mạnh mỗi ngày.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc ngày 4-3-2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.
Dù vậy, nhiều nước bắt đầu bước vào đợt dịch thứ 2 khi số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và tử vong tăng trở lại.
Trên bình diện khu vực, Mỹ Latinh đang là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm chóng mặt trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico... Brazil là nước có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới.
Brazil trong 24 giờ qua chứng kiến một trong những ngày đại dịch bùng phát dữ dội nhất, khi các ca mắc COVID-19 mới và tử vong đều cao vợt.
Cụ thể, Brazil ghi nhận 34.558 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 1.242 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc và tử vong vì dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này lên lần lượt 1.145.906 và 52.649 trường hợp.
Dù dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, song Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn khẳng định phản ứng của thế giới đối với những hậu quả do đại dịch COVID-19 gây ra là quá “phóng đại”, đồn thời tiếp tục bảo vệ quan điểm thúc đẩy mở cửa trở lại các trung tâm thương mại và khôi phục những hoạt động bị đình chỉ bởi các biện pháp giãn cách xã hội.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình BandNews, nhà lãnh đạo theo đường lối cực hữu của Brazil nói: “Tôi đề nghị các thống đốc bang và thị trưởng của Brazil, với trách nhiệm rõ ràng của mình, bắt đầu mở cửa thương mại, bởi những thông tin mới từ thế giới, những thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cùng với những sai lầm của họ, đã cho thấy có một chút phóng đại trong việc xử lý vấn đề này”.
Tổng thống Bolsonaro khẳng định nhiệm vụ cấp thiết là nối lại các hoạt động thương mại, và tiến trình này cần phải được tăng tốc. Bởi theo ông, nền kinh tế ảnh hưởng đến mọi mặt, và nếu nền kinh tế Brazil không hoạt động, người dân nước này sẽ phải gánh chịu hậu quả, bắt đầu từ những người có thu nhập thấp. Ông Bolsonaro cũng cho rằng không thể để cho các biện pháp xử lý đại dịch gây hại nhiều hơn chính đại dịch.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Bolsonaro cho hay Chính phủ Brazil đã chấp nhận chi trả 2 mức trợ cấp hàng tháng cho 50 triệu người thất nghiệp, lao động không chính thức và người nghèo để giảm bớt những tác động từ đại dịch đến các đối tượng này, song ông cho hay Brasilia không thể tiếp tục vay thêm cho những khoản viện trợ khẩn cấp như vậy.
Người dân thưởng thức bữa ăn tại một nhà hàng ở New York, Mỹ, sau khi lệnh mở cửa trở lại bước vào giai đoạn mới, ngày 22-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Mỹ có số ca mắc COVID-19 phát sinh nhiều thứ 2 thế giới trong vòng 1 ngày qua, với 34.492 trường hợp. Về tổng thể, Mỹ tới nay vẫn là quốc gia có số ca bệnh và tử vong vì đại dịch nhiều nhất thế giới, lần lượt là 2.422.645 và 123.463 ca.
Chính quyền bang Louisiana thông báo bang này sẽ không bắt đầu giai đoạn 3 nới lỏng phong tỏa và mở cửa trở lại hoạt động kinh tế như kế hoạch ban đầu. Theo đó, giai đoạn 2 hiện tại sẽ kéo dài thêm 28 ngày để làm chậm đà lây lan của đại dịch COVID-19.
Một nhà hàng có không gian ngoài trời mở cửa trở lại phục vụ khách hàng tại New York, Mỹ ngày 22-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Chính phủ Mỹ, ông Anthony Fauci ngày 23-6 bày tỏ ông vẫn "lạc quan một cách thận trọng" rằng sẽ có vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021.
Ông Fauci - Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc gia Mỹ về Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm đưa ra phát biểu trên khi điều trần trước một ủy ban của Hạ viện cùng với các quan chức y tế cấp cao khác. Ông Fauci tin rằng vấn đề là thời điểm, không phải việc liệu có một vaccine phòng COVID-19 hay không.
Ở Mỹ Latinh, dịch bệnh tiếp tục lan rộng sang nhiều nước, trong đó Venezuela là một điểm nóng.
Bang Zulia ở miền Tây Venezuela đang dần trở thành một tâm điểm mới của dịch bệnh tại quốc gia Nam Mỹ này khi tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về điện và nước trong suốt một thời gian dài kết hợp với sự khan hiếm trang thiết bị và vật tư y tế tại các bệnh viện khiến cho việc phòng chống và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh không hiệu quả.
Báo cáo của Chính phủ Venezuela ngày 23-6 xác định Zulia đang là tâm dịch mới với 590 ca mắc COVID-19, trong đó có 10 trường hợp tử vong, trong khi trên cả nước mới chỉ ghi nhận 4.048 ca bệnh, trong đó có 35 người tử vong.
Mặc dù vậy, giới quan sát và phe đối lập cho rằng trên thực tế con số này còn cao hơn rất nhiều. Theo cáo buộc của phe đối lập thì nhiều trường hợp các bệnh nhân tử vong với các triệu chứng của COVID-19 song trên giấy chứng tử chỉ đưa ra nguyên nhân tử vong là do các bệnh về hô hấp.
Tại châu Âu, Bộ Y tế Anh ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 ở nước này tăng thêm 280 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Anh đã tăng lên 42.927 ca. Trong vòng 24 giờ tính đến sáng 24-6, Anh cũng ghi nhận thêm 921 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 306.210 ca.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến tích cực, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố thêm một số nới lỏng đối với lệnh phong tỏa tại khu vực England từ ngày 4-7.
Giãn cách xã hội sẽ được rút ngắn còn 1m, thay vì 2m như hiện nay. Các quán rượu, nhà hàng và tiệm làm tóc được mở cửa trở lại, nhưng phải tuân thủ theo quy định giãn cách xã hội.
Người dân xếp hàng bên ngoài một cửa hàng tại Manchester, Anh, ngày 15-6-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Trưởng văn phòng y tế vùng England, ông Chris Witty ngày 23-6 cho biết, ông dự đoán virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục lây nhiễm ở mức độ đáng kể cho tới năm sau, đồng thời cảnh báo cuộc chiến chống đại dịch sẽ là một chặng đường dài.
Ông Chris Witty nêu rõ: "Tôi sẽ ngạc nhiên và vui mừng nếu chúng ta không ở trong tình huống hiện nay, cho tới mùa Đông và kéo dài đến mùa Xuân tới... Tôi dự đoán COVID-19 vẫn tiếp tục lây nhiễm ở mức độ đáng kể, ít nhất cho tới thời điểm đó".
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Berlin, Đức, ngày 15-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Đức, bang North Rhine-Westphalia ngày 23-6 đã áp đặt lại lệnh phong tỏa khu vực Guetersloh cho đến ngày 30-6, sau khi phát hiện ổ dịch COVID-19 tại một nhà máy chế biến thịt tại đây.
Đây là khu vực đầu tiên ở Đức phải áp đặt lại lệnh phong tỏa sau khi nhà chức trách bắt đầu dần nới lỏng các biện pháp hạn chế vào cuối tháng 4.
Ngày 23-6, Đức đã áp đặt lệnh phong tỏa thứ 2 đối với một quận do dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại một nhà máy chế biến thịt, chỉ vài giờ sau khi lệnh hạn chế tương tự được đưa ra tại một khu vực Guetersloh.
Người đứng đầu ngành y tế của bang North Rhine-Westphalia, ông Karl-Josef Laumann cho biết "để bảo vệ người dân, chúng tôi đang khởi động một gói biện pháp tăng cường bảo vệ an toàn và an ninh nhằm chống lại sự lây lan của dịch bệnh tại quận Warendorf".
Tại Bồ Đào Nha, chính quyền thông báo một số biện pháp hạn chế hoạt động để phòng chống COVID-19 sẽ được tái áp đặt tại thủ đô Lisbon từ ngày 23-6.
Các biện pháp này bao gồm hạn chế tụ tập quá 10 người, yêu cầu đóng cửa các cửa hàng và quán cà phê sau 20h.
Cảnh nhộn nhịp tại một khu phố ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 19-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tờ New York Times ngày 23-6 dẫn dự thảo danh sách các du khách được phép nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU) cho biết, các nước thành viên EU đang mong muốn khôi phục nền kinh tế sẽ cấm công dân Mỹ nhập cảnh do Washington không thể kiểm soát được đại dịch COVID-19.
New York Times dẫn đề xuất trên cho hay, Mỹ sẽ nằm trong cùng hạng mục với các điểm nóng khác như Brazil và Nga.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 21-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tại châu Á, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo đã ghi nhận thêm 22 ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục trong ngày 23-6, gồm 9 ca nhập cảnh và 13 ca lây nhiễm trong nước, đều ở thủ đô Bắc Kinh.
Tính đến hết ngày 22-6, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 83.418 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc ngày 4-3-2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Tại Hàn Quốc, giới chức y tế đã ghi nhận thêm 46 ca nhiễm mới (gồm 16 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 30 ca nhập cảnh), nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc lên 12.484 ca. Số ca tử vong do COVID-19 đến nay là 281 ca.
Trong nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm ngoại nhập, Hàn Quốc bắt đầu tạm đình chỉ việc cấp thị thực và các chuyến bay không theo lịch trình từ Pakistan và Bangladesh từ ngày 23-6. Hàn Quốc đã xác nhận đang trong làn sóng dịch bệnh thứ hai.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một khu chợ ở Tehran, Iran, ngày 30-5-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Ở Iran, Bộ Y tế đã ghi nhận 121 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước Cộng hòa Hồi giáo này lên 9.863 ca.
Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ ngày 11-4 vừa qua. Trong 24 giờ qua, Iran cũng ghi nhận thêm 2.445 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 209.970 ca.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 18-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, Bộ Y tế Israel đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày là 304 ca - mức tăng cao nhất kể từ ngày 23-4. Đến nay, tại Israel có tổng cộng 21.082 ca mắc COVID-19 và 307 ca tử vong.
Tại Saudi Arabia, chính quyền thông báo sẽ cho phép khoảng 1.000 tín đồ đang ở vương quốc này thực hiện lễ hành hương trong năm nay, sau khi tuyên bố thu hẹp quy mô sự kiện do dịch COVID-19.
Tại Uzbekistan, chính phủ thông báo phát hiện hàng chục khu vực báo động đỏ của dịch COVID-19 tại thủ đô Tashkent và hiện khu vực này đã được cách ly hoàn toàn.
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi chờ lên xe buýt tại Manila, Philippines, ngày 18-6-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 23-6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 2.324 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 3.930 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận ca tử vong vì virus SARS-CoV-2.
Indonesia dịch bệnh chưa hề thấy dấu hiệu hạ nhiệt và hiện nước này đang dẫn đầu toàn khu vực về số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch. Trong ngày, khu vực có đến 7 nước ghi nhận các ca mắc mới. Campuchia ghi nhận thêm một ca dương tính sau nhiều ngày bình yên.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài bưu điện ở Manila, Philippines, ngày 10-6-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 3.935 người dân ở khu vực này, tăng 44 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 134.854 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 75.708 trường hợp.
Singapore vẫn là quốc gia ASEAN có số ca mắc cao nhất. Về tổng thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại hai nước Indonesia và Philippines.
Ngược lại, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp. Nhiều nước ASEAN đang đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Tại châu Phi, Ai Cập thông báo quốc gia Bắc Phi này sẽ cho phép mở cửa trở lại các nhà hàng, quán cà phê và các câu lạc bộ thể thao, đồng thời rút ngắn thời gian giới nghiêm vào ban đêm.
Phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày, Tiến sĩ Djamel Fourar, phát ngôn viên của Ủy ban theo dõi diễn biến dịch COVID-19 của Algeria, cho biết tính đến chiều 23-6, Algeria đã ghi nhận thêm 157 ca mắc COVID-19 mới và 9 ca tử vong trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở quốc gia Bắc Phi này là 12.077 ca nhiễm và 861 ca tử vong. Số lượng người mắc COVID-19 được chữa khỏi là 8674 trường hợp và số người tử vong từ 65 tuổi trở lên chiếm 66%.
Hiện Algeria đang thực hiện nới lỏng các biện pháp cách ly trong giai đoạn thứ 2, hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội đã được nối lại kể từ 14-6 vừa qua. Tuy nhiên, trong gần 2 tháng qua, quốc gia Bắc Phi này luôn ghi nhận số ca nhiễm mới tăng ở mức 3 con số trong mỗi ngày.
Theo THANH TUẤN (Báo Tin Tức)