COVID-19 tới 6h sáng 10-9: Thế giới thêm gần 9.000 ca tử vong; WHO lại kêu gọi hoãn tiêm liều vaccine tăng cường

10/09/2021 - 08:05

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 579.000 ca bệnh COVID-19 và gần 9.000 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã gần 224 triệu ca, trong đó trên 4,61 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 145.000 ca), Anh (38.013 ca) và Ấn Độ (34.310 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.769 ca), Nga (794 ca) và Brazil (716 ca).

Trong bối cảnh nhiều nước xúc tiến tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 8-9 đã kêu gọi các nước tiếp tục tạm ngừng triển khai tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện cho mọi quốc gia tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số.

Tại cuộc họp báo tại Geneva, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết một tháng trước ông đã kêu gọi toàn bộ các nước trên thế giới trì hoãn tiêm liều vaccine tăng cường ít nhất cho đến cuối tháng 9, để ưu tiên tiêm chủng cho những người có nguy cơ cao trên thế giới chưa được tiêm liều đầu tiên. Ông Tedros nhấn mạnh tình hình dịch bệnh trên thế giới không thay đổi nhiều kể từ thời điểm đó, vì vậy ông kêu gọi các quốc gia gia hạn việc tạm ngừng triển khai liều tăng cường cho đến ít nhất cuối năm nay, để cho phép mọi quốc gia tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số. 

Vào đầu tháng 8, lời kêu gọi của WHO được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia đã bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho những người đã tiêm đủ hai liều, do lo ngại về hiệu quả miễn dịch của vaccine trước sự nguy hiểm của biến thể siêu lây nhiễm Delta.

Tuy nhiên, cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc WHO Bruce Aylward dẫn dự báo mới nhất của COVAX, cho biết số liều vaccine viện trợ thông qua chương trình này giảm 25% nếu không có hành động khẩn cấp từ các nước thuộc Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và các nhà sản xuất vaccine. 

Theo thống kê của WHO, trên toàn cầu có 5,5 tỷ liều vaccine đã được sử dụng, nhưng 80% đã được sử dụng ở các nước có thu nhập cao và trung bình cao. Mặc dù các quốc gia có thu nhập cao đã cam kết tặng hơn một tỷ liều, nhưng chưa đến 15% số liều đó đã được bàn giao. 

Tổng giám đốc WHO Tedros khẳng định không muốn có thêm bất kỳ cam kết nào nữa, chỉ mong muốn có vaccine. Ông Tedros nhắc lại rằng liều thứ ba có thể cần thiết cho những nhóm dân số có nguy cơ cao nhất, nhưng hiện tại WHO không muốn thấy việc sử dụng rộng rãi liều vaccine tăng cường cho những người khỏe mạnh đã được tiêm chủng đầy đủ.

19 tỉnh ở Nhật Bản kéo dài tình trạng khẩn cấp

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã kết thúc 2 ngày làm việc với các bộ trưởng liên quan để quyết định giải pháp phòng chống COVID-19 tiếp theo khi thời hạn tình trạng khẩn cấp tại 21 địa phương là 12-9 sắp hết.

Theo đó, 19 địa phương, trong đó có Tokyo, Osaka sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp hiện nay đến ngày 30-9, tỉnh Miyagi và tỉnh Okayama sẽ điều chỉnh từ tình trạng khẩn cấp xuống áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm. Hai tỉnh này sẽ cùng với các tỉnh Fukushima, Ishikawa, Kagawa, Kumamoto, Miyazaki, Kagoshima tiếp tục duy trì áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đến ngày 30-9, trong khi 6 tỉnh gồm Toyama, Yamanashi, Ehime, Kochi, Saga, Nagasaki sẽ được dỡ bỏ và trở lại trạng thái bình thường.

Indonesia phạt người tự tiêm liều vaccine COVID-19 thứ ba

Ngày 9-9, Bộ Y tế Indonesia đã yêu cầu chính quyền các địa phương áp dụng các hình phạt đối với những người bị phát hiện tự ý tiêm liều thứ ba vaccine COVID-19.

Người phát ngôn Bộ Y tế Siti Nadia Tarmizi cho biết tất cả các hình thức giám sát liên quan đến quá trình tiêm chủng - cả liều một, liều hai và liều tăng cường - đều thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, huyện/thành phố. Nếu phát hiện vi phạm, chính quyền địa phương có thể cùng cơ quan pháp luật áp các chế tài.

Bà Nadia khẳng định rằng theo các quy định hiện hành, chương trình tiêm chủng nhắc lại hiện mới chỉ dành cho các nhân viên y tế và các nhân viên hỗ trợ làm việc tại các cơ sở chăm sóc y tế. 

Theo Bộ Y tế Indonesia, kể từ khi khởi động ngày 14-7 đến ngày 8-9, 741.907 trong tổng số 1.468.764 nhân viên y tế đã được tiêm tăng cường mũi ba bằng vaccine Moderna, đạt 50,51% mục tiêu đề ra.

Đức hối thúc tiêm chủng đề phòng làn sóng dịch thứ tư 

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ở Đức có dấu hiệu gia tăng trở lại và làn sóng dịch thứ tư được cảnh báo có thể bùng phát mạnh trong tháng 9 hoặc tháng 10 tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Jens Spahn và Chủ tịch Viện Robert Koch (RKI) Lothar Wieler đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19. 

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung ngày 8-9 tại Berlin, người đứng đầu ngành y tế Đức cho biết số người chưa được tiêm chủng ở Đức vẫn còn quá cao. Ông cảnh báo: "Nếu chúng ta không tăng mạnh tỷ lệ tiêm chủng, làn sóng dịch thứ tư có thể bùng phát mạnh vào mùa Thu và mùa Đông này". Ông Spahn cho biết tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 chưa được tiêm chủng tại các khoa chăm sóc đặc biệt đã chiếm tới hơn 90% số ca mắc mới. Theo số liệu thống kê mới nhất của RKI, tính đến ngày 8-9, gần 51,3 triệu người ở Đức đã được tiêm chủng đầy đủ, nâng tỷ lệ tiêm phòng dịch tại nước này lên 61,7%, trong đó khoảng 55 triệu người đã được tiêm ít nhất một mũi.

Bộ trưởng Y tế Spahn khẳng định để thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng đang chững lại ở Đức, chính phủ đang lên kế hoạch triển khai Tuần lễ Hành động tiêm chủng trên toàn quốc kể từ ngày 13-9 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người đến tiêm mà không cần đăng ký trước cũng như bỏ bớt các thủ tục phiền nhiễu tại nhiều nơi trong cả nước.

Trong khi đó, theo RKI, số ca mắc COVID-19 trong ngày ở mức 13.565 ca, nhưng vẫn cao hơn một chút so với tuần trước đó. Mặc dù tỷ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày tính trên 100.000 dân đã giảm từ 83,8 ca xuống 82,7 trong ngày 8-9, song con số trên lại cao hơn so với mức một tuần trước đó. Người đứng đầu RKI Wieler khẳng định số ca mắc mới theo ngày có giảm nhẹ, song ông cho biết vẫn cần phải theo dõi số liệu này trong một thời gian dài.

Na Uy chú ý hơn đến tỷ lệ tiêm chủng và nhập viện  

Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ chăm sóc sức khỏe Na Uy, ông Bent Hoie cho biết các cơ quan y tế nước này sẽ chú ý hơn đến tỷ lệ tiêm vaccine và nhập viện trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở nước này

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Na Uy ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh trong mùa Hè này. Theo báo cáo cập nhật hằng tuần của Viện Y tế công cộng Na Uy (NIPH), trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.704 ca mắc mới COVID-19, cao hơn đáng kể so với mức trung bình 1.428 ca/ngày trong 7 ngày qua. Kể từ đầu đại dịch đến nay nước này đã có tổng cộng 170.166 ca mắc và 826 ca tử vong vì COVID-19. 

Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Hoie nhấn mạnh: “Chúng tôi đang chú ý hơn đến việc có bao nhiêu người nhập viện và bao nhiêu người đã được tiêm chủng”.

Hiện các cơ quan y tế Na Uy cũng đang theo dõi chặt chẽ tỷ lệ lây nhiễm gia tăng ở trẻ em và thanh niên.

Bộ trưởng Hoie nhấn mạnh trẻ em dưới 12 tuổi là đối tượng dễ tổn thương trong đại dịch, trong khi chưa có loại vaccine ngừa COVID-19 nào được phê duyệt để tiêm chủng cho nhóm này. Vì vậy, ông cho rằng "điều quan trọng là phải ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh ở những người chưa được tiêm chủng, chẳng hạn trẻ dưới 12 tuổi”. 

Theo quan chức phụ trách y tế ở Na Uy Bjorn Guldvog, tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em từ 6-12 tuổi đã tăng 54% vào tuần trước và tỷ lệ tăng ở thanh thiếu niên là 33%. Do đó, cần phải tiến hành thêm nhiều xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 hơn nữa tại các trường học và các khu vực tập trung đông người khác.

Theo NIPH, 3.916.966 người ở Na Uy, tương đương 89,7% dân số trưởng thành của nước này, đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 3.314.151 người đã được tiêm đủ liều.

Australia công bố nới lỏng một số hạn chế sau khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 70%

Chính quyền bang New South Wales (NSW) của Australia ngày 9-9 thông báo lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ đối với cư dân trưởng thành đã được tiêm đủ liều sau khi địa phương này đạt mục tiêu tiêm chủng đủ liều cho 70% cư dân.

Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian vẫn cảnh báo các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm chống dịch vẫn tiếp tục được duy trì ở những nơi có số ca mắc COVID-19 cao. Một khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, các cơ quan y tế vẫn có thể hạn chế người dân di chuyển để đảm bảo không có sự gia tăng đột biến nào trong số ca mắc có thể làm tăng áp lực lên hệ thống y tế. Đặc biệt, ở những khu vực còn có số ca mắc cao, những người đã được tiêm chủng đầy đủ sẽ chỉ được thực hiện các hoạt động trong phạm vi cộng đồng địa phương của mình, mà không được tự do đi các nơi khác.

New Zealand tăng cường mua vaccine 

Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Auckland, New Zealand, ngày 20-8-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern vừa thông báo hơn 25% triệu liều vaccine bổ sung của Pfizer đaang được chuyển từ Tây Ban Nha đến New Zealand và dự kiến sẽ "cập bến" Auckland vào ngày 10-9 để có thể đáp ứng nhu cầu tiêm chủng tăng đột biến hiện nay. Bà cho biết thêm lô vaccine chính phủ dự kiến sẽ thông báo thêm về một thỏa thuận mua bổ sung vaccine của Pfizer từ một quốc gia thứ hai vào tuần tới.

Trong ngày 9-9, New Zealand ghi nhận 13 ca mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, tất cả đều ở thành phố Auckland, nâng tổng số ca mắc trong đợt bùng phát dịch mới nhất lên 868 ca. Tất cả các ca mắc mới đều nhiễm biến thể Delta. Từ 23h59' đêm 7-9 (theo giờ địa phương), mọi khu vực bên ngoài Auckland đã chuyển sang mức cảnh báo cấp 2. Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp và trường học được phép hoạt động trở lại bình thường song việc đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc và các cuộc tụ tập họp không quá 50 người. Riêng thành phố Auckland vẫn duy trì mức cánh báo cấp 4 trong ít nhất một tuần nữa.

Mô hình chống dịch hiệu quả của New Zealand được quốc tế đánh giá cao khi nước này chỉ ghi nhận 27 ca tử vong do COVID-19 trong tổng số 5 triệu dân. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng ở nước này có phần chậm chạp khi mới chỉ khoảng 26% dân số đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Chile nối lại tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên 

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Santiago, Chile, ngày 24-2-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Y tế Công cộng Chile Paula Daza thông báo nước này sẽ nối lại chương trình tiêm vaccine COVID-19 vào tuần tới, với việc tiêm chủng cho thanh thiếu niên từ 14-17 tuổi và trẻ em từ 6-11 tuổi có bệnh lý nền. 

Phát biểu trước báo giới, Thứ trưởng Daza nêu rõ từ ngày 13-16-9 tới, tất cả trẻ vị thành niên từ 14-17 tuổi cũng như trẻ từ 6-11 tuổi có thể được tiêm chủng tại Trung tâm Cộng đồng chăm sóc sức khỏe gia đình (Cesfams). Ông nhấn mạnh Chile là một trong số các quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em, vì vậy "đây là tin tức quan trọng đối với việc bảo vệ trẻ em”.

Trước đó, ngày 6-9, Viện Y tế Công cộng Chile đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine CoronaVac ngừa COVID-19, do công ty dược phẩm Trung Quốc Sinovac phát triển, cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 6 đến 17 tuổi. Trước khi có thông báo này, trẻ em từ 12 tuổi trở lên ở Chile đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế Chile, 13.207.294 người ở nước này đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, đạt 86,89% mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 15,2 triệu người. Trong những tuần gần đây, Chile ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày ở mức thấp nhất nhờ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và duy trì chiến dịch tiêm chủng trên cả nước.

Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch mới ngăn đại dịch 

Ngày 9-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu về kế hoạch bao gồm 6 mũi nhọn để ngăn sự lây lan của đại dịch COVID-19 và thúc đẩy chương trình tiêm chủng trên toàn quốc.

Bài phát biểu được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Mỹ đang tăng trở lại, đặc biệt là tình trạng lây nhiễm ở những người chưa tiêm vaccine. Đáng chú ý, kế hoạch này bao gồm một sắc lệnh yêu cầu toàn bộ các nhân viên liên bang và các nhà thầu của chính phủ phải tiêm chủng, hoặc phải xét nghiệm COVID-19 thường xuyên cũng như chịu một số hạn chế khác như bắt buộc phải đeo khẩu trang tại nơi làm việc. 

Trước đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định kế hoạch này nhằm thúc đẩy người dân tiêm chủng, bảo vệ những người đã tiêm và giúp trường học duy trì việc mở cửa, cũng như bảo vệ nền kinh tế đang trên đà phục hồi. 

Cho đến nay, mới chỉ có hơn 53% dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, tức khoảng 2/3 số người trưởng thành, trong khi nước này hiện ghi nhận hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Tính đến nay, đã có hơn 673 nghìn người Mỹ tử vong vì COVID-19.

Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin Tức)