Cụm, tuyến dân cư phát huy hiệu quả mùa lũ

20/09/2018 - 07:56

 - So với những năm nước lớn, lũ 2018 không kém khi về sớm và lên rất nhanh. Tuy nhiên, thiệt hại về người và tài sản không quá lớn như các năm 1978, 1979 hay 2000, 2001… Từ sợ lũ, người dân đã dần thích nghi với lũ, chuyển sang tâm trạng mong chờ “lũ đẹp”. Sự yên tâm này một phần nhờ các cụm, tuyến dân cư vượt lũ được xây dựng, giúp người dân ổn định chỗ ở, yên tâm làm ăn, không còn lo mất nhà cửa, tài sản khi lũ lớn, sạt lở (SL).

Chấm dứt nỗi ám ảnh dời nhà

Về sinh sống ổn định tại khu dân cư (KDC) Mỹ An 2 (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) được 11 năm nay, ông Trần Kim Tư, Tổ trưởng Tổ tự quản 26 (ấp Mỹ An 2) vẫn còn giật mình khi nhớ lại cảnh sống trong vùng SL ở cồn Phó Ba (xã Mỹ Hòa Hưng). “Hồi đó, tôi cất căn nhà gỗ ở đầu cồn Phó Ba để làm nghề câu lưới. Tôi nhớ mình đã phải dời nhà đến 17 lần để chạy lũ và né SL. Chỉ riêng mùa lũ lớn năm 2000, tôi đã dời nhà đến 5 lần. Chỗ ở không ổn định nên cuộc sống rất khó khăn” - ông Tư nhớ lại.

Cuộc sống ổn định ở KDC Mỹ An 2

Năm 2007, cũng như nhiều hộ dân vùng SL ở cồn Phó Ba, ông Trần Kim Tư được chọn bốc thăm nền nhà trong KDC Mỹ An 2. Với nền nhà ngang 5m, dài 20m, ông được ưu tiên mua trả chậm với số tiền chỉ 11,76 triệu đồng. Chưa có tiền cất nhà, ông tận dụng căn nhà gỗ cũ dựng trên nền đất mới. Cách đây vài năm, được Nhà nước hỗ trợ xây phần thô, lợp mái tole, lát gạch men, ông Tư dành dụm tu bổ thêm để có được ngôi nhà vững chãi. “Lúc về đây chỉ có 2 vợ, chồng, sau có thêm thằng cháu về ở chung bởi ba, mẹ nó mất sớm. Lúc về KDC, thằng Phúc (Trần Huỳnh Phúc) mới học lớp 3 mà giờ đây đã là sinh viên năm 2 của Trường Đại học An Giang. Từ khi về nơi ở mới, gia đình tôi mới hết nỗi ám ảnh dời nhà chạy lũ” - ông Tư bộc bạch. Cũng theo lời ông Tổ trưởng Tổ tự quản 26, nhờ ”an cư lạc nghiệp” mà đến nay, trong số 32 hộ dân thuộc Tổ tự quản 26, chỉ còn 1 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo.

Về định cư tại KDC Mỹ An 2 từ năm 2006, bà Trần Thị Tám Nhỏ tiếp tục mở quán nước nhỏ kết hợp bán tạp hóa phía trước ngôi nhà mới. “Lúc dời về đây, căn nhà bên cồn Phó Ba bị SL “ăn” vô gần hết. Về đây không lo nước ngập, SL, tụi nhỏ đến trường cũng an tâm, thuận tiện hơn” - bà Tám Nhỏ chia sẻ. Đối với ông Ôn Văn Hải, về KDC sinh sống, gia đình cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn vì nơi ở có nước máy sử dụng, điện lưới quốc gia phủ đến nơi. “Bên cồn Phó Ba thời 2006 không có nước sạch, không điện, điều kiện học hành rất khó khăn. Khi bố trí nơi ở mới, Nhà nước cho trả chậm số tiền nền 11,76 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng sườn nhà và nóc nhà 7 triệu đồng, cho vay thêm 2 triệu đồng để tu bổ. Đến nay, tôi đã trả được khoảng 50% số tiền nợ” - ông Hải thông tin.

Cần xã hội hóa xây dựng cụm, tuyến dân cư

Theo Sở Xây dựng, qua 2 giai đoạn triển khai xây dựng cụm, tuyến dân cư (CTDC) trên địa bàn tỉnh, đã có tổng cộng 247 CTDC được đầu tư xây dựng (giai đoạn I là 203 CTDC, giai đoạn II thêm 44 CTDC). Qua đó, đã bố trí được 51.127 nền nhà cho người dân sinh sống ổn định, gồm 39.461 nền cơ bản (ưu tiên cho hộ nghèo, khó khăn, không có nền ở, bị ảnh hưởng thiên tai, SL…) và 11.666 nền linh hoạt (bán cho người dân có nhu cầu).

Sau nhiều năm nước nhỏ, lũ năm 2018 được đánh giá là lớn khi mực nước đầu nguồn, vùng nội đồng Tứ giác Long Xuyên vượt qua báo động (BĐ) 2, tiến gần đến BĐ3, trong khi mực nước vùng hạ lưu tại Long Xuyên, Chợ Mới vượt qua BĐ3. Lũ lớn đã kiểm chứng được hiệu quả của CTDC vượt lũ, khi hầu như không gây thiệt hại về người, thiệt hại về nhà cửa, tài sản cũng được hạn chế rất nhiều so với những mùa lũ lớn trước đây. Tuy nhiên, vẫn có 1.700 căn nhà đã bị ngập khi lũ về, nguy cơ SL 2.716 căn nhà hiện hữu, trong đó có 1.300 căn nguy cơ SL rất cao. Mới đây, trên địa bàn xã Mỹ Hòa Hưng đã liên tiếp xảy ra 2 vụ SL nghiêm trọng, khiến hàng chục hộ dân cần bố trí nơi ở mới. Dự báo sau khi lũ rút, tình trạng SL sẽ còn nghiêm trọng hơn khi nhiều hàm ếch được tạo ra dọc các bờ sông, kênh, rạch. An Giang đã đề xuất Chính phủ xây dựng thêm 29 CTDC vượt lũ giai đoạn II để bố trí cấp bách dân cư, hạn chế thiệt hại do lũ lụt, SL. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa bố trí vốn. “Trong bối cảnh khó khăn về ngân sách, Nhà nước nên tạo cơ chế xã hội hóa xây dựng CTDC, trong đó dành nhiều chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp tham gia, nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở ổn định của cư dân vùng lũ, khu vực SL” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trần Anh Thư đề nghị.

“Khi chuẩn bị về KDC Mỹ An 2 thì căn nhà bên cồn Phó Ba đã sụp xuống sông. Nếu không được bố trí nền ở mới vượt lũ, gia đình tôi không biết phải sinh sống ra sao” - ông Nguyễn Thái Hiệp (ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng) bộc bạch

NGÔ CHUẨN